Rừng giáng hương còn sót lại
Trước khi vào khu rừng giáng hương, chúng tôi được ông Mạnh cảnh báo là không được ăn no bởi đường xấu và dốc. Trên đường đi, ông Mạnh kể: “Cách đây 20 năm, lúc còn trẻ, buôn làng đã tin tưởng giao phó trách nhiệm canh giữ, chăm sóc khu rừng quý cho chúng tôi. Không phụ sự tín nhiệm, dù cực khổ, đồi dốc và bụi gai nhiều, cả khi mưa trút nước hay nắng cháy chúng tôi cũng đều đặn đi giữ rừng”.
Vừa đến nơi, ông Kem vội luồn người vào khoảng rừng rậm rồi mất hút. “Kem đi tuần đó, trước nay vẫn thế, chúng tôi chia khu rừng làm hai để kiểm tra, sau đó hẹn gặp nhau ở điểm cuối. Nếu có lâm tặc, ông Kem sẽ hú lên một tiếng thật lớn, người dân trong làng sẽ biết mà ùa ra vây bắt. Như vậy vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đi được hết các góc rừng. Rồi lát nữa chúng ta sẽ thấy ông Kem ở cuối góc rừng kia thôi, các anh đừng lo” - Ông Mạnh lý giải hành động “lạ” của ông Kem.
Tháng 4, rừng giáng hương thay lá với những chồi búp non màu đỏ đậm. Cây được lột xác, thay tấm áo mới. Bên ngoài trời nắng như thiêu đốt nhưng bên dưới tán lá mát lạnh như có điều hòa nhiệt độ. “Khu rừng này là nơi cư trú của nhiều loài chim như sáo, chào mào, chích chòe… Đứng giữa rừng ta sẽ cảm nhận được mùi thơm thoang thoảng của lá cây, cũng bởi vậy mà có tên là giáng hương. Hít một hơi thật sâu sẽ có cảm giác sảng khoái như nhai kẹo cao su” – anh Hữu bảo.
Cây giáng hương lớn hai người ôm.
Mỗi cây đều được ông Mạnh và Kem đánh số thứ tự, kể cả những cây nhỏ nhất. Theo ông Mạnh, làm như vậy sẽ tiện cho việc kiểm tra và giám sát rừng giáng hương, đề phòng bị mất trộm. Thêm nữa, lâm tặc cũng khó lòng chạy thoát vì ở đây chỉ có con đường duy nhất, đi ngang nhà 50 hộ dân người dân tộc Ja Rai ở làng Grôn.
Bởi vậy, khu rừng giáng hương này như được lá chắn “thép” bảo vệ khỏi lưỡi cưa của lâm tặc. “Lâm tặc chỉ cần đặt chân vào rừng, mình hú lên một tiếng, dân làng sẽ đổ tới” - Ông Mạnh nói và kể rằng cách đây vài tuần có hai lâm tặc mang cưa máy vào rừng định trộm giáng hương nhưng đã bị người dân vây bắt, “dạy” cho một bài học.
Còn theo ông Kem, người Ja Rai ở làng Grôn rất quý khu rừng giáng hương này, xem đó là rừng thiêng. Họ quan niệm rằng, những đồi cỏ, bụi gai sẽ nhanh chóng bị lụi tàn nhưng rừng cây cổ thụ mãi trường tồn, đứng vững qua bao thế hệ.
Dân làng bảo vệ, chăm sóc rừng giáng hương xanh tươi, đổi lại khu rừng làm lá chắn khi bão tố về. Người trong làng đặt ra các điều luật để bảo vệ rừng, không cho ai xâm phạm. Người dân nếu lấy một cành củi về nấu cơm sẽ bị phạt trồng 100 cây khác thế vào.
Khi những người Ja Rai ở làng Grôn đã già yếu, họ căn dặn con cháu, các thế hệ truyền nhau phải giữ rừng, xem đó là linh hồn của buôn làng.
“Ngoài việc người dân làng Grôn tình nguyện hiến tặng 20 cây giáng hương để tỉnh Gia Lai trồng quanh tượng Bác Hồ ở quảng trường Đại Đoàn Kết, chưa ai có thể lấy đi một nhánh gỗ hương” – ông Kem nói bằng giọng tự hào.
Tiếp lời, ông Mạnh khoe với chúng tôi có tới 1.200 cây giáng hương lớn, nhiều cây hai người ôm và 800 cây nhỏ có đường kính 30cm trong khu rừng này. Khu vực này có diện tích 3,8ha.
Dao rựa giữ rừng
Gỗ giáng hương có giá trị rất cao, là lựa chọn hàng đầu của dân chơi gỗ, bởi thế mà lâm tặc luôn lùng sục khắp nơi, chặt phá, lấy cả mẩu gỗ bằng cổ tay. 1m 3 giáng hương có giá hàng trăm triệu đồng, nhiều người cũng sẵn sàng mua vì mùi thơm dễ chịu, gỗ để hàng chục năm cũng không sao.
Và những cây có đường kính 80cm đến hai người ôm trong khu rừng giáng hương làng Grôn là miếng mồi béo, luôn bị lâm tặc nhòm ngó. Mới đây, ở huyện Kbang (Gia Lai), 21 lâm tặc đã lên kế hoạch vào lâm phần của công ty lâm nghiệp Krông Pa để trộm hai cây giáng hương với giá trị hàng tỷ đồng.
Sau đó 21 đối tượng này bị bắt, lực lượng chức năng đã khởi tố vụ án. Vậy mới biết, để giữ được khu rừng giáng hương suốt 20 năm vẫn nguyên vẹn thì hai ông Mạnh và Kem phải trải qua biết bao nguy hiểm, sự cám dỗ. “Việc nhận tin nhắn dọa giết, lâm tặc đến đòi phá khu rừng, chúng tôi thường xuyên phải đối mặt. Nhưng đến đâu thì đến, quyết bảo vệ rừng” – Ông Mạnh bảo.
Ông tâm sự, nhiều đêm cực khổ, gia đình nghèo nên muốn bỏ cuộc, mưu sinh bằng nghề khác nhưng vì đã “yêu”, lại không thể rời rừng xanh.
“Tôi cùng vợ con từ Quảng Bình vào đây lập nghiệp đã hơn 20 năm, chắt chiu lắm cũng chỉ đủ tiền nuôi con ăn học. Những năm đầu phải ăn cơm độn sắn. Nhiều lúc bạn bè cho là mình điên vì cứ lo chuyện giữ rừng mà không quan tâm đến vợ con, việc nhà” – ông Mạnh nói và cho biết, mỗi tháng được UBND xã hỗ trợ 2 triệu đồng tiền công giữ rừng, không được biên chế nên chỉ có thể làm khi còn sức.
Ông Nguyễn Hữu Mạnh phát những bụi rậm quanh gốc giáng hương.
Nhớ về những ngày đầu đi canh khu rừng cùng ông Kem, ông Mạnh cho biết lúc đó hai người tự tay chặt lá cây, tre nứa để dựng tạm một căn chòi nhỏ. Cực khổ hơn khi không điện, nước, thứ ánh sáng duy nhất là từ chiếc đèn dầu lập lòe. Đến ngày mưa, gió bão thổi đèn tắt tối om, sấm chớp ùng oàng nhưng ý chí không vì thế mà lay chuyển.
Trong khi đó, vũ khí bảo vệ rừng cũng chỉ là hai con dao rựa. “Việc giữ rừng rất nguy hiểm vì lâm tặc đi thành băng nhóm, rất liều lĩnh, họ sẵn sàng tấn công nếu có ai ngăn cản. Tôi lo sợ khi thấy chồng cầm rựa vào rừng, làm sao chống trả lại đám lâm tặc hung hãn kia. Lúc nào ông nhà tôi cũng nói hết năm sau sẽ về nhà tìm việc khác. Vậy mà, đã gần 20 năm nói câu đó rồi, giờ chỉ biết ủng hộ thôi” – Vợ ông Mạnh bảo.
Giữa trưa, cái nắng cháy thịt da, trong chòi canh rừng, hai lão nông dân giữ rừng chiêu đãi chúng tôi bằng vài gói mì tôm, được bỏ chung vào nồi nước đang sôi, khoắng đũa vài cái rồi vớt ra ăn. Cầm vạt áo lau mồ hôi, ông Kem kể: “Mình sống ở làng Grôn từ nhỏ. Buổi trưa cùng lũ bạn lên rừng giáng hương bắt chim, tuổi thơ chỉ có nơi đây là vui nhất, tiền đâu mà ra phố thị”.
Việc đi lại quanh khu rừng cả những ngày nắng lẫn mùa mưa khiến da ông Kem đen nhánh, rắn chắc. Đều đặn mỗi ngày, hai nông dân nay vào rừng phát bụi rậm chống cháy. Có đêm, không ngủ được, cả hai cùng thức dậy đi tuần. “Chúng tôi coi nhau như anh em ruột thịt. Vài ngày, chủ tịch xã mang đồ nhậu vào, cả ba cùng tâm sự. Đơn giản, nhưng mình chỉ cần thế thôi” – ông Kem nói.
Và một lý do nữa khiến khu rừng giáng hương không bị mất trộm, là từ khi làm chủ tịch UBND xã Kriêng từ năm 1996 đến 2015, ông Rơ Mah Le đã đề nghị phải giữ khu rừng 2.000 cây giáng hương này và được lãnh đạo huyện đồng tình. Một tuần, ông Le vào thăm rừng 3 lần. Cũng chính sự yêu rừng của vị chủ tịch xã này, cộng thêm người dân làng Grôn nhiệt tình giúp đỡ ông Mạnh và Kem giữ rừng, khu rừng vẫn tỏa hương tới hôm nay.
Vợ ông Nguyễn Hữu Mạnh