2 yếu tố sống còn của các trung tâm giáo dục thường xuyên

GD&TĐ - Hôm nay (12/3), tại Tiền Giang diễn ra Hội nghị CLB Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh, thành phố 2014 với chủ đề “Đổi mới hoạt động - phát triển bền vững góp phần xây dựng xã hội học tập”.

Các đại biểu trao cờ lưu niệm
Các đại biểu trao cờ lưu niệm

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Thanh Đức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - khẳng định: “Tạo cơ hội cho mọi người học tập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiêm túc trong đào tạo, thể hiện ở chất lượng đầu ra là yếu tố làm nên sự tồn tại bền vững của các TTGDTX”

Báo cáo tổng kết một năm hoạt động của CLB, ông Lê Hồng Thái -Giám đốc TTGDTX Thái Nguyên - nêu bật các điểm mạnh: các thành viên thường xuyên trao đổi thông tin chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động. Vì thế nhiều mô hình, kinh nghiệm được nhân rộng trong hệ thống. 

Tuy nhiên cũng còn tồn tại những hạn chế, đó là: Sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các TTGDTX; một số tỉnh hợp nhất 3 trung tâm: TTGDTX, TT Dạy nghề, TT Giáo dục Hướng nghiệp gây khó khăn trong hoạt động; Nhiều tỉnh có TT Tin học, TT Ngoại ngữ cạnh tranh tuyển sinh, nhưng chất lượng đào tạo thấp, trong khi TTGDTX có đội ngũ tốt, chương trình đào tạo chuẩn nhưng không thu hút được học viên; Trong liên kết đào tạo bị đánh thuế thu nhập gây khó khăn về tài chính….

Tại Hội nghị, một số mô hình đột phá cũng được các đại biểu chia sẻ. TTGDTX Quảng Bình liên kết với các trường ĐH Huế, ĐH Vinh, … đào tạo nhân lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình chuẩn hóa cho giáo viên mầm non; chương trình đào tạo cán bộ kiểm lâm; đào tạo luật cho công chức; chuẩn hóa Ngoại ngữ cho giáo viên theo khung tham chiếu châu Âu…

TTGDTX Đồng Tháp có sáng kiến đào tạo chuẩn hóa kiến thức quản lý GD cho tất cả các hiệu trưởng từ MN đến THPT, bằng cách liên kết với Học viện Quản lý Giáo dục (QLGD). Huyện nào có được 60 học viên thì mở lớp ngay tại huyện. Trong 3 tháng hè mở được 27 lớp với 1.110 học viên. 

Còn TTGDTX Thanh Hóa bồi dưỡng kiến thức QLGD cho trên 4.000 cán bộ giáo dục. Ai có bằng QLGD mới được bổ nhiệm.

PGS TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ - đề xuất: Trường ĐH Cần Thơ có Trung tâm học liệu, một kho sách báo tài liệu điện tử, các TTGDTX trong khu vực có thể kết nối để khai thác làm nền tảng liên kết đào tạo, xây dựng chương trình chuẩn sát thực tiễn, trao đổi sinh viên… từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.

PGS TS Vũ Hữu Đức - Trường ĐH Mở TP HCM - lưu ý: Nhu cầu vừa học vừa làm là có thật, vấn đề là làm sao chất lượng đào tạo bất cứ hệ nào cũng như nhau, chỉ có bằng cử nhân chứ không có chính qui hay tại chức, hay từ xa. 

TS Nguyễn Công Hinh - Vụ trưởng Vụ GDTX (Bộ GD&ĐT) - nhận định: Chúng ta có Nghị quyết 29/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo nên phải vận dụng ngay chứ không thể chờ trên chỉ đạo. Chủ đề hội thảo đã đi đúng hướng. 

Trong xã hội hiện đại, nhu cầu đào tạo lại, nhu cầu vừa học, vừa làm đang ngày càng bức xúc. Trách nhiệm của trường ĐH liên kết đào tạo là dạy và cấp bằng, TTGDTX tổ chức lớp, kiểm tra chất lượng chặt chẽ. Làm sao tạo sinh khí học tập trong toàn dân. 

Phải chú ý đến nhu cầu nguồn nhân lực, cơ chế tuyển dụng ở địa phương cần lao động có kỹ năng riêng nào đó lập tức tổ chức chiêu sinh, tìm trường liên kết đào tạo. 

Về bộ máy của TTGDTX không nên có biên chế cứng mà phải có 2 bộ phận: một số cán bộ khung trong biên chế, một số hợp đồng theo vụ việc tạo thế linh hoạt. Đa dạng loại hình đào tạo. Linh hoạt trong tổ chức lớp. Đó là hai yếu tố sống còn của các TTGDTX.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.