2 chiến sĩ công an nghĩa vụ 'truy tìm giấc mơ' bằng điểm 10 môn Sử

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hai chiến sĩ Lê Minh Khánh – Đại đội Cảnh sát bảo vệ mục tiêu, Phòng Cảnh sát cơ động (Công an TP Đà Nẵng) và Võ Văn Lộc – Đội Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Công an quận Liên Chiểu) đã theo đuổi ước mơ vào ngành Công an bằng kết quả thi rất cao với điểm 10 môn Sử.

Chiến sĩ Lê Minh Khánh.
Chiến sĩ Lê Minh Khánh.

Chiến sĩ Lê Minh Khánh đã đạt 27,75 điểm (Ngữ văn: 8,25; Lịch sử: 10; Địa lý: 9,5). Chiến sĩ Võ Văn Lộc đạt 27,25 (Ngữ văn: 7,75; Lịch sử: 10; Địa lý 9,5).

Nỗ lực vượt khó của những chiến sĩ trẻ

Lê Minh Khánh (SN 2001, trú xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhà có 3 anh chị em, ba mẹ làm nghề tự do, cuộc sống gia đình bộn bề khó khăn. Là con út, sau khi tốt nghiệp THPT, Lê Minh Khánh ở nhà phụ mẹ, theo ba đi phụ hồ để kiếm sống. Thế nhưng, Khánh không hề nản chí, ngược lại đã tự nhủ phải cố gắng học tập thật tốt để trở thành con ngoan và công dân có ích cho xã hội.

Tháng 2/2020, chàng trai trẻ Lê Minh Khánh tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân ở TP Đà Nẵng. Sau 3 tháng được huấn luyện, chiến sĩ Khánh được phân công về Đại đội Cảnh sát bảo vệ mục tiêu, Phòng Cảnh sát cơ động (Công an TP Đà Nẵng).

Tại đơn vị, sau mỗi ca trực bảo vệ mục tiêu, ước mơ được vào giảng đường đại học vẫn khát khao “cháy bỏng” trong người Khánh. Khi biết ước mơ của chiến sĩ trẻ Lê Minh Khánh, lãnh đạo Phòng Cảnh sát cơ động và Đại đội cảnh sát bảo vệ mục tiêu đã tạo mọi điều kiện cho chàng chiến sĩ trẻ, để từ đó Khánh có động lực biến ước mơ thành sự thật.

Theo Khánh, bước vào ôn tập các môn này, em thường đọc rất nhiều sách, trong đó có tài liệu về lịch sử Việt Nam cũng như thế giới. Khánh chia sẻ rằng, để học tốt môn Lịch sử thì cần phải có lịch cụ thể. Ngoài các ca trực, em dành khoảng 3 tiếng ghi nhớ các sự kiện quan trọng của lịch sử bằng các bảng biểu thống kê mốc thời gian, sự kiện. Kết hợp kiến thức trong sách giáo khoa với xem các phim tài liệu, giải các đề thi trên mạng Internet. Ngoài ra, Khánh còn tham gia khóa học online để bổ sung kiến thức.

Còn chiến sĩ Võ Văn Lộc (SN 2002, trú Cẩm Lệ, Đà Nẵng) thì cho hay, ngày còn ngồi trên ghế trường THPT, Lộc học không có gì nổi bật nên kết quả học tập không được cao, đây là điều khiến Lộc cảm thấy tiếc nuối nhất.

Chiến sĩ Võ Văn Lộc.

Chiến sĩ Võ Văn Lộc.

Được biết, 2 năm trước, Lộc tham gia Kỳ thi THPT quốc gia và đỗ vào Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng. Song, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Lộc phải gác lại việc học, tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân với mơ ước trở thành một chiến sĩ công an. Sau 3 tháng được huấn luyện, tháng 6/2021, Lộc được điều động về Đội Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Công an quận Liên Chiểu).

Là chiến sĩ tham gia nghĩa vụ công an, Võ Văn Lộc gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình ôn tập. Do đặc thù công việc nên em phải cân đối thời gian học và thời gian hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ. Bên cạnh đó, Lộc đã tốt nghiệp THPT được 2 năm nên lượng kiến thức quan trọng bị thiếu hụt rất nhiều.

Mặc dù khó khăn, thế nhưng ước mơ, hoài bão vẫn chưa bao giờ bị dập tắt trong người của những chiến sĩ trẻ. Được sự hỗ trợ của đơn vị công tác và các thầy cô trong quá trình ôn tập, Lộc đã nuôi dưỡng ước mơ và cố gắng hiện thực hóa ước mơ của mình…

“Quả ngọt” của sự cố gắng

Khi được hỏi về bí quyết đạt điểm 10 môn Lịch sử, chiến sĩ Lộc cho hay, bản thân Lộc không có thành tích nổi bật về môn học này. “Kết quả đạt được là do chăm chỉ, cố gắng và nỗ lực. Bên cạnh đó, thời gian rảnh, em thường đọc kỹ sách giáo khoa, chăm chỉ giải đề trên mạng và hỏi cô giáo những phần chưa hiểu.

Khi biết được điểm 10 môn Lịch sử, cảm xúc của em rất khó tả, em rất biết ơn cô giáo Nguyễn Thị Mai Anh đã đồng hành cùng em trong suốt chặng đường vừa qua, không chỉ hướng dẫn, mà còn là người truyền cảm hứng cho em về hai môn học Lịch sử và Địa lý. Bên cạnh đó, em cũng dành sự tri ân đặc biệt đến các đồng chí lãnh đạo đơn vị và đồng đội đã tạo điều kiện, ủng hộ và chỉ dạy cho em trong những ngày công tác, ôn tập xa nhà”, chiến sĩ Lộc tâm sự.

Còn đối với chiến sĩ Lê Minh Khánh, khi biết số điểm của mình, em đã rất vui và hạnh phúc. Khánh rất bất ngờ vì số điểm của mình lại đạt cao hơn mong đợi.

Với quyết tâm được trở thành một chiến sĩ Công an nhân dân, Lê Minh Khánh đã đăng ký nguyện vọng vào Học viện Chính trị Công an nhân dân. Tuy nhiên, do học bạ của Khánh không đủ điều kiện xét vào cấp học viện nên chỉ được xét ở bậc trung cấp.

Thiếu tá Đặng Xuân Quang - Đại đội phó - cho biết, năm 2021, Lê Minh Khánh đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến. Trong quá trình công tác, chiến sĩ Khánh luôn chấp hành tốt mọi nhiệm vụ, trọng trách được giao phó, nhiệt tình tham gia các hoạt động Đoàn, tham gia phòng chống dịch Covid-19.

Về phần ôn thi, đơn vị luôn tạo điều kiện để Khánh có thời gian, không gian để học bài. Với kết quả hết sức xuất sắc trên, đó không những là niềm tự hào của bản thân Khánh, gia đình Khánh, mà còn là niềm tự hào của đơn vị khi có một chiến sĩ biết tự phấn đấu, nỗ lực vươn lên.

Còn Trung tá Nguyễn Thanh Phong, Đội trưởng Đội Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Công an quận Liên Chiểu) cho hay, chiến sĩ Võ Văn Lộc ngoài nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp còn là một đoàn viên xuất sắc, tích cực tham gia vào các hoạt động, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, chiến sĩ Lộc đã tích cực tham gia công tác phòng chống dịch rất năng nổ.

Tranh thủ chút thời gian ngoài giờ làm việc, chiến sĩ Lộc rất tự giác, tự học là chính, rảnh rỗi là lấy sách ra học nên đơn vị cũng tạo điều kiện. Năm 2021, chiến sĩ Võ Văn Lộc hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến. “Với thành tích trên, sắp tới Chi bộ có chủ trương giới thiệu chiến sĩ Võ Văn Lộc tham gia lớp học đối tượng Đảng” - Trung tá Phong cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...