17 học sinh ngộ độc quả hồng trâu: Tiếng chuông cảnh tỉnh với gia đình, nhà trường

GD&TĐ - Sự việc đáng tiếc vừa xảy ra tại Lào Cai khi 17 học sinh rủ nhau lên đồi hái quả hồng trâu để ăn dẫn đến ngộ độc.

Quả hồng trâu – “Thủ phạm” khiến một học sinh lớp 4 bị tử vong. Ảnh: IT
Quả hồng trâu – “Thủ phạm” khiến một học sinh lớp 4 bị tử vong. Ảnh: IT

Một em trong số đó không may thiệt mạng. Đây là “hồi chuông” gióng lên với mỗi trường học vùng cao trong việc giáo dục cũng như phối hợp với gia đình nhắc nhở, bảo đảm an toàn cho học sinh.

Thiệt mạng vì ăn quả dại

Chiều 2/10, sau khi tan học được gia đình đón về nhà, 17 học sinh cùng trú tại thôn Hát Tinh, xã Chiềng Ken (huyện Văn Bàn, Lào Cai) rủ nhau lên đồi gần nhà hái quả hồng trâu ăn và bị ngộ độc. Thương tâm hơn khi 1 học sinh lớp 4 đã tử vong.

Theo lời kể của các gia đình, nhóm học sinh bị ngộ độc gồm 1 trẻ mầm non, 9 học sinh tiểu học và 7 học sinh THCS. Ngày nghỉ, được gia đình đón về, các em rủ nhau lên đồi chơi, thấy quả dại trên đồi chín nên đã hái ăn. Khoảng 3 giờ sau ăn, trẻ xuất hiện tình trạng nôn, mệt mỏi, choáng váng kèm đau bụng dữ dội.

Sau khi theo dõi, thấy tình trạng của trẻ ngày nặng dần, 9 gia đình đưa con đến Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn để cấp cứu và được chẩn đoán bị ngộ độc quả hồng trâu. Bác sĩ đã xử trí bằng gây nôn, truyền dịch, lợi tiểu, nhuận tràng cho 9 trẻ.

Tuy nhiên, 1 trẻ tử vong do diễn biến bệnh nhanh, nặng và cấp tính. Đêm ngày 3/10, 8 trẻ còn lại được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Theo TS.BS Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, khi nhận được tin báo, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương nhanh chóng chuẩn bị nguồn lực để tiếp nhận và điều trị cho trẻ. Các bệnh nhi tiếp tục được hỗ trợ chức năng sống, bù dịch, điều chỉnh rối loạn toàn kiềm, trợ gan và làm các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh (xét nghiệm máu, khí máu, chức năng gan thận, siêu âm tim, điện tim, độc chất…).

“Hiện, tình trạng của 8 trẻ tạm thời ổn định, chưa nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, các bệnh nhi đều có tình trạng rối loạn nhịp tim, chỉ số men gan tăng, có biểu hiện hủy hoại tế bào gan. Một số trẻ còn đau bụng nên chúng tôi tiến hành hội chẩn chuyên khoa tim mạch, gan mật, ngoại… đồng thời làm các xét nghiệm độc tố để phát hiện kịp thời biến chứng khác của bệnh” – bác sĩ Duy cho biết.

Thầy Đỗ Quang Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Chiêng Ken - chia sẻ: “Nhà trường có 9 học sinh bị ngộ độc quả hồng trâu. Trong đó, có 6 học sinh ở điểm trung tâm và 3 học sinh ở điểm bản. Hôm đó là ngày nghỉ, các em được gia đình đón về. Do điểm bản xa cách trường khoảng 6km, lại không có sóng điện thoại nên nhà trường chỉ biết sự việc khi gia đình học sinh báo về. Vì diễn biến bệnh nặng nên 1 học sinh lớp 4 đã tử vong. Ngay sau khi xảy ra sự việc, nhà trường đã kịp thời thăm hỏi, động viên các gia đình”.

Trẻ bị ngộ độc đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: IT
Trẻ bị ngộ độc đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: IT

Hồi chuông cảnh báo

Các vụ ngộ độc do ăn rau, quả từ cây rừng nói chung và quả hồng trâu nói riêng xảy ra chủ yếu đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Bàn (Lào Cai), sau khi sự việc xảy ra, phòng chỉ đạo các trường trên địa bàn huyện phối hợp với chính quyền cơ sở tích cực đẩy mạnh tuyên truyền đến học sinh về nguy cơ mất an toàn, ngộ độc từ việc ăn rau, quả từ cây rừng. Đồng thời, tuyên truyền đến phụ huynh về vấn đề quản lý trẻ sau khi đón về nhà.

Tại Trường Tiểu học số 1 Chiềng Ken, sau khi sự việc xảy ra, trong tiết chào cờ đầu tuần, nhà trường đã dành thời gian để khuyến cáo đến học sinh, nhắc nhở, quán triệt và yêu cầu các em khi gặp quả lạ không được bẻ, hái để ăn.

Theo TS.BS Lê Ngọc Duy, việc phát hiện sớm và xử trí kịp thời là giải pháp quan trọng cứu sống bệnh nhân khi ăn quả hồng trâu. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho các trường hợp bị ngộ độc với quả này mà chủ yếu là điều trị căn nguyên và triệu chứng.

Khi phát hiện trẻ có biểu hiện ngộ độc cần gây nôn, rửa dạ dày càng sớm càng tốt, cho trẻ uống than hoạt tính với liều 1 - 2 g/kg cân nặng, dùng 4 - 6 gói sorbitol (nếu không có thể cho uống lòng trắng trứng). Cùng với đó là tăng cường thải độc tố, duy trì chức năng sống (trợ tim - mạch, hô hấp, suy gan, chống co giật, chống phù phổi cấp…), xét nghiệm, theo dõi và điều chỉnh chất điện giải trong máu cho trẻ.

“Hiện, đang là mùa quả hồng trâu chín, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, đặc biệt là trẻ em, các cấp chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền. Tập trung hướng dẫn người dân nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm của quả hồng trâu cũng như các loại quả dại khác. Tuyệt đối không ăn thử nhằm tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra” – BS Duy khuyến cáo.

Cây hồng trâu thường mọc ở khu vực núi đá, thuộc dạng cây dây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá cây to, dài gần bằng hai ngón tay người lớn, màu xanh đậm. Quả tròn to bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt không có lông. Quả non vỏ màu xanh nhạt, khi chín vỏ chuyển sang màu tím và hơi mềm, bửa ra có lớp vỏ màu hồng. 
Quả hồng trâu có thành phần chính là ankaloid, axit amin, axit cacboxylic, flavonoid, polyphenol… Độc tố là alkaloid, chứa nhiều trong nhân hạt. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp dẫn tới suy hô hấp, trụy tim mạch. Một số hoạt chất khác có thể gây tổn thương gan, thận…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.