17 điểm có thể nộp hồ sơ xét tuyển bác sĩ đa khoa?

GD&TĐ - Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) vừa công bố điểm xét tuyển năm 2018. Theo đó, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển ngành Y đa khoa là 17 điểm, các ngành còn lại là 15 điểm.

17 điểm có thể nộp hồ sơ xét tuyển bác sĩ đa khoa?

Trong khi điểm xét tuyển ngành bác sĩ đa khoa, dược học ở các trường công lập đều khá cao thì ở các trường ngoài công lập, điểm trúng tuyển vào ngành các ngành này chỉ dao động từ 17 – 21 điểm.

Như năm 2017, điểm trúng tuyển vào ngành bác sĩ đa khoa của trường ĐH Duy Tân là 21 điểm, ngành dược sĩ đại học là 17,5 điểm. Mức điểm này cao hơn so với điểm chuẩn các ngành khác của trường. Trường cũng không sử dụng phương thức tuyển sinh xét kết quả học bạ THPT với 3 ngành Dược sĩ, Y đa khoa (bác sĩ đa khoa) và Bác sĩ Răng Hàm Mặt.

Nếu so sánh điểm xét tuyển hồ sơ cũng như điểm trúng tuyển ngành bác sĩ đa khoa của các trường ngoài công lập so với các trường công lập đào tạo các ngành khoa học sức khỏe thì thấy khoảng cách là khá xa. Có ý kiến cho rằng, do những trường ngoài công lập không thuộc các trường top đầu nên đầu vào chủ yếu là những thí sinh có mức điểm nằm ở top giữa.

Thế nhưng, việc các trường tuyển sinh đầu vào các ngành khoa học sức khỏe với mức điểm quá thấp cũng khiến nhiều người có tâm lý lo ngại. Một CBQL của một cơ sở đào tạo Y Dược tại Đà Nẵng cho rằng, với các ngành khoa học sức khỏe, nếu người học có học lực trung bình thì rất vất vả cho cả người học lẫn người dạy và ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Vị này cho biết, người học phải đạt ở mức độ tư duy tốt thì mới có thể đáp ứng được khối lượng kiến thức rất sâu của ngành học, đặc biệt ngành bác sĩ đa khoa gắn với công tác khám chữa bệnh, đòi hỏi người học vừa phải có chuyên môn vững vàng và kỹ năng thực hành giỏi.

Còn nhớ trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 206, trong đợt 1 của kỳ tuyển sinh, ĐH Đà Nẵng chấp nhận gọi bổ sung chứ không hạ điểm chuẩn của một số ngành như ngành y – dược, khối ngành kỹ thuật và khoa học cơ bản, điều này là để cân bằng giữa số lượng và chất lượng nguồn tuyển.

Khi vấn đề vào ĐH đã được xem là một cách đầu tư cho tương lai, nếu đầu tư không đảm bảo thì phụ huynh và người học sẽ chọn con đường khác, như học nghề, học cao đẳng chứ không nhất thiết phải vào ĐH thì chất lượng đầu ra sẽ quyết định nhiều đến số lượng đầu vào. Chính vì vậy, dù số lượng SV chính là một trong những nguồn kinh phí của nhà trường thì các cơ sở giáo dục đại học cũng không nên tuyển đủ chỉ tiêu bằng mọi giá. Nếu nguồn tuyển quá thấp, SV khó có thể theo học hết cả chương trình đào tạo, dẫn đến sự lãng phí cho bản thân SV, gia đình và cả xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ