14 năm cùng Superbow và nỗi buồn Hồng Vân

GD&TĐ - NSND Hồng Vân vừa chia sẻ nỗi buồn “đành lòng vậy, cầm lòng vậy” của mình khi phải khép lại chặng đường nghệ thuật 14 năm của một địa chỉ văn hóa - sân khấu kịch Superbow (43A Trường Sơn, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). 

NSND Hồng Vân.
NSND Hồng Vân.

Sau đêm diễn cuối cùng của sân khấu kịch được xã hội hóa này, tối ngày 29/9 với vở diễn “tầng 13”, sang ngày 30/9, bà bầu Hồng Vân tiến hành tháo dỡ, thanh lý một sân khấu vốn được coi là địa chỉ văn hóa cho giới trẻ thành phố.

Sân khấu với 272 ghế này đã đào tạo được những gương mặt mới cho sân khấu, khi dàn dựng những vở diễn từng được vinh danh như “Kỳ án 292”, “Người đàn bà uống rượu”…

NSND Hồng Vân xót xa bộc bạch rằng trái tim chị như thắt lại khi lần thứ hai phải nói lời vĩnh biệt với “ngôi nhà thứ hai” của chị cũng như rất nhiều nghệ sĩ trẻ của thành phố. Nhưng, chị thừa nhận mình đã mệt rồi; Mệt vì cái nỗi phải rong ruổi gánh lỗ suốt 3 năm qua, giá thuê rạp ngày càng cao trong khi sân khấu chỉ sáng đèn có 2 suất cuối tuần.

Thực ra, hồi đầu năm 2018, NSND Hồng Vân từng tuyên bố đóng cửa sân khấu kịch Superbow nhưng chỉ sau đó hai ngày rạp được mở cửa trở lại vì được đơn vị cho thuê giảm giá hết cỡ để hỗ trợ.

Nhưng xem ra, sự trở lại kia khó lòng xuất hiện sau lần tuyên bố đóng cửa này.

Và, nghe những mong mỏi của bà bầu Hồng Vân rằng nơi sân khấu kịch Superbow từng hiện diện “sẽ đừng là một cao ốc nữa… giữa bạt ngàn những cao ốc của thành phố...”; rồi thì: “Còn lại chút sức lực cố kêu gọi anh em đồng nghiệp truyền lại lửa nghề, tình yêu sân khấu cho mấy đứa nhỏ... Vì văn hóa nghệ thuật là những phần không thể thiếu để “trồng” lên một con người...” thì dường như trái tim ta cũng như thắt lại…

Ngậm ngùi - xa xót và thở dài - đấy là những điều giới nghệ sĩ đang sẻ chia cùng NSND Hồng Vân.

Tại sao đây? Tại vì câu chuyện của sân khấu kịch Superbow tiếp tục là nốt nhạc buồn ngân lên trên bản tổng phổ của những chật vật, nhọc nhằn, bươn trải… vẫn hiển hiện hàng ngày nơi sân khấu xã hội hóa nói riêng và sân khấu nói chung hiện nay.

Tại vì thêm một lần nữa, những kiếp tằm lại rơi nước mắt khi dường như văn hóa nghệ thuật, trong đó có sân khấu chưa được hưởng sự quan tâm đúng mức – liệu rằng sẽ đến lúc những khát khao nghệ thuật ấy sẽ mỏi mòn?

Và, thật đắng đót làm sao giữa những nghịch lý: Nhà nước đang đẩy mạnh tiến trình xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật công lập vậy mà những địa chỉ sân khấu xã hội hóa cứ dần đóng cửa?

Hay như, nhiều rạp hát công năm thì mười họa mới sáng đèn còn các đơn vị sân khấu xã hội hóa lại phải oằn mình lo thuê rạp để góp phần giữ cho sân khấu giữa thời khủng hoảng còn chút sức sống! Thực là nỗi buồn này đâu chỉ của riêng Hồng Vân?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ