Giải mã cơn sốt phim đề tài gia đình

GD&TĐ - Đề tài gia đình từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực điện ảnh, dễ thu hút và tìm được sự đồng cảm của công chúng. Các bộ phim Việt khai thác đề tài thiêng liêng này chỉ thực sự thành công khi chạm đến trái tim khán giả. 

Phim “Về nhà đi con” gây sốt cho khán giả suốt thời gian dài.
Phim “Về nhà đi con” gây sốt cho khán giả suốt thời gian dài.

Vấn đề của mọi người, mọi nhà

Trong những năm gần đây, những bộ phim chiếm giờ vàng trên sóng truyền hình “Sống chung với mẹ chồng”, “Gạo nếp gạo tẻ”, “Hôn nhân trong ngõ hẹp”, “Sóng ngầm”… tạo được hiệu ứng tốt, đã thực sự kéo khán giả trở lại với phim Việt mà không cần phải dùng tới chiêu trò, thủ thuật.

Nhưng chỉ đến khi “Về nhà đi con” phát sóng, các câu chuyện, nhân vật, tình tiết phim mới thực sự gây sốt cho khán giả từ trong nhà ra ngoài phố.

NSND - Đạo diễn Lý Thái Dũng - Phó Trưởng khoa Nghệ thuật Điện ảnh - Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh cho biết: Không cứ riêng đề tài gia đình mà là tất cả các đề tài khác của điện ảnh đều hấp dẫn nếu có được kịch bản hay.

Những phim truyền hình và phim chiếu rạp gần đây: “Về nhà đi con”, “Thưa mẹ con đi”, “Ký sinh trùng”… đều là những phim có câu chuyện, nền tảng kịch bản tốt. Những yếu tố khác liên quan đến sự thành công là đạo diễn chắc tay, diễn viên giỏi nghề, diễn xuất tốt, đầu tư đúng đắn về kinh phí.

Nhìn nhận về vấn đề này, nhà văn Y Ban chia sẻ: Đề tài gia đình trong phim ảnh đang được chú ý bởi vì nhiều lẽ: Các gia đình Việt đang rơi vào khủng hoảng, có nhiều vấn đề chưa tìm ra lối thoát.

Sự khủng hoảng ngày càng sâu sắc khi những giá trị cũ bị đổ vỡ, những bế tắc, mâu thuẫn khó tìm được lối thoát... Giữa giáo dục gia đình truyền thống và thời hiện đại đang có sự thay thế nhau trong nhận thức. Những lý do này khiến nhiều người quan tâm đi tìm câu trả lời.

“Đề tài phim gia đình có đặc điểm là gần gũi trong cuộc sống. Ai cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề, những mối quan hệ trong gia đình bị coi nhẹ dẫn đến sự gắn kết lỏng lẻo, các thành viên trở nên xa cách, khó thấu hiểu, ít chia sẻ đồng cảm với nhau. Bởi vậy, đề tài gia đình tưởng cũ nhưng luôn mới, bởi có nhiều góc cạnh chúng ta chưa khai thác được hết”.

Cũng theo phân tích của nhà văn Y Ban, gia đình là đề tài muôn thủa và đang khởi sắc cũng là theo xu hướng chung của thế giới.

Phim Việt mới hình thành chứ chưa phải đã là trào lưu. Số lượng phim thành công chưa nhiều. Mới chỉ có một số ít phim thành công, gây sức hút với khán giả nhờ kịch bản khá tốt, hiện đại và bắt kịp với hơi thở cuộc sống đương đại.

Các nước người ta làm từ lâu rồi và cũng thành công nhiều rồi. Để có “Ký sinh trùng” giành giải cao nhất tại Cannes, điện ảnh Hàn Quốc đã có sự đầu tư suốt 20 năm qua. Tôi đã xem nhiều phim của Hàn Quốc và phải công nhận là họ đã phát triển đến đỉnh cao rồi.

Giá trị gia đình luôn được tôn vinh

Tình yêu của hai chàng trai trong phim“Thưa mẹ con đi”.
Tình yêu của hai chàng trai trong phim“Thưa mẹ con đi”.

NSND Lý Thái Dũng nhấn mạnh: Khi xã hội có nhiều biến động, mọi hình thái phát triển của xã hội đều tác động mạnh mẽ đến các thành viên của gia đình.

Bối cảnh xã hội của chúng ta hiện nay, với tốc độ phát triển quá nhanh, đưa đến nhiều hệ lụy: Tai nạn giao thông, môi trường ô nhiễm, giáo dục bất cập, bọn chen làm giàu… kéo theo sự khủng hoảng các giá trị, mỗi cá nhân đều bị tác động, chi phối, dẫn đến sự thay đổi trong hành xử và lối sống.

“Ai cũng mưu cầu hạnh phúc, người ta nghĩ đến bản thân mình nhiều hơn và đi tìm những giá trị làm nên hạnh phúc thật sự phù hợp với mình. Những vấn đề trước đây vẫn nằm trong góc khuất, bị thành kiến, bị cho là gai góc như đồng tính, khuyết tật, hậu trường showbiz… đã được soi rọi đến bằng tư duy cởi mở và góc nhìn nhân văn.

Nghệ thuật luôn làm điều tốt đẹp để hướng thiện. Phim ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn, ngợi ca giá trị nhân văn và đề cao tình người sẽ không bao giờ thiếu sự đồng cảm của khán giả” - NSND Lý Thái Dũng khẳng định.

Nhà văn Y Ban thẳng thắn bày tỏ: “Gia đình là mảng đề tài thân thuộc, dành cho tất cả mọi người, ai cũng có thể xem được và đều ít nhiều tìm thấy mình trong đó.

Phim Việt sẽ hút khách nếu chúng ta vừa phản ánh được hiện thực đa chiều của đời sống vừa đưa ra được những cảnh tỉnh với người xem. Thông qua những thước phim ấy, người ta phải soi chiếu lại mình, nhìn vào gia đình mình để điều chỉnh và thay đổi”.

Bà Trần Anh Thư - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thép Nhật Quang cho biết: Sau một thời gian không mặn mà với màn ảnh nhỏ, một lần vô tình ngó vào “Cả một đời ân oán” và tôi đã bị cuốn vào từ lúc nào không hay. Sau đó, tôi theo dõi một số phim khác về đề tài này và nhận ra rằng, khác với trước đây, phim Việt đang đang thu hút một lượng khán giả đông đảo.

Theo tôi, có được sự khởi sắc như vậy là bởi đề tài phim bám sát với đời sống, soi vào từng ngóc ngách gai góc của mỗi gia đình. Mỗi một nhân vật trong phim đều rất thực, nghĩa là có cả những khoảng sáng - tối, đa diện, đa chiều, có đời sống riêng khiến cho người xem được khóc cười thực sự với nhân vật, họ cũng tìm thấy chính mình trong những mâu thuẫn, cảnh huống đó”.

Vậy đấy, với mỗi gia đình hạnh phúc như chiếc bình pha lê, càng đẹp càng khó giữ gìn. Nói một cách khác, giá trị cao hơn mà những bộ phim gia đình mang lại chính là khiến người xem cảm nhận sự phản chiếu và biết trân quý hơn những tình cảm thiêng liêng trong gia đình, có nhu cầu và cảm thấy được trách nhiệm lớn hơn của bản thân trong việc bồi đắp, nuôi dưỡng những giá trị ấy. Phim hay sẽ chiếm được trái tim khán giả một cách rất tự nhiên...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ