Kỳ trăng mật luôn là khoảng thời gian đẹp, đáng nhớ nhất của mọi cuộc hôn nhân. Nhiều người vẫn tự nhủ phải tận hưởng tối đa bởi sẽ không thể có lại những cảm xúc bay bổng, lãng mạn như thủa mới lấy nhau này nữa.
Thực tế thì không hẳn vậy. Cuộc hôn nhân nào cũng sẽ phải trải qua những lúc thăng trầm, xung đột. Có những cặp không nắm tay đủ lâu để vượt qua những thăng trầm ấy, nhưng có nhiều cặp đôi đã làm được. Và dưới đây là 11 cách để giữ cuộc hôn nhân của bạn luôn tươi mới, cho bạn năng lượng dồi dào để vượt qua những “chướng ngại vật” trong hành trình hôn nhân.
Khi kết hôn được nhiều năm, nụ hôn nồng nàn mà vợ/chồng trao cho nhau ở cửa để tạm biệt trước khi đi làm hoặc đón nhau khi vừa trở về nhà có thể biến thành nụ hôn “kiểm tra” hoặc nụ hôn xã giao “cho có”, bạn hôn vợ/chồng trong khi mắt vẫn dán vào máy tính. Trong suốt 23 năm sống chung, có những lúc tôi cảm thấy quá quen thuộc với chồng đến mức không phải giữ ý tứ gì cả, thoải mái bộc lộ bản thân. Nhưng quá quen thuộc cũng không tốt.
Nghiên cứu cho thấy gần một nửa đàn ông lừa dối vợ cho biết lý do là vì họ chán và không muốn quan hệ tình dục với vợ. Khi đàn ông cảm thấy không còn kết nối hay được vợ đề cao, họ sẽ dễ bị hấp dẫn bởi bất cứ người phụ nữ “đong đưa” họ.
Trong bộ phim “Annie Hall”, đạo diễn Woody Allen so sánh rằng “một mối quan hệ cũng giống như con cá mập, nó phải liên tục di chuyển về phía trước hoặc sẽ chết”. Và tôi tin Woody nói đúng.
Cảm ơn vì những điều nhỏ nhặt
Tôi tiếc là mình đã quá so đo, tính toán trong cuộc hôn nhân của mình. “Em đã dọn phòng của con, nên anh hãy dọn sạch tầng hầm đi”. “Em đã từng chuyển việc khi chúng ta mới kết hôn, giờ đến lượt anh chuyển vì em”. “Lần trước em đã chiều anh rồi, giờ đến lượt anh”.
Ăn miếng trả miếng là trò trẻ con sẽ chẳng có tác dụng gì nhưng làm quá đà sẽ khiến niềm tin và sự thấu hiểu bấy lâu nay giữa hai vợ chồng lung lay. Nếu bạn để ý đến những chuyện này, thì hãy lưu tâm đến tất cả những điều tốt mà vợ/chồng bạn đã làm trong ngày rồi cám ơn họ. Hi vọng rằng họ sẽ nhận ra những điều bạn làm và cũng dành lời cảm ơn cho bạn.
Thẳng thắn với nhau dù là vấn đề “khó nói”
Nếu bạn đã tiêu quá số tiền trong thẻ tín dụng hoặc phải nợ lại một vài hóa đơn mỗi tháng mà bạn dấu không cho vợ/chồng biết, bạn có thể gặp rắc rối. Khi bạn định vay tiền mua nhà hay đơn giản là trải lòng về chi phí cho một kỳ nghỉ hè, những vấn đề về tiền bạc sẽ sớm bị bại lộ bằng các thông báo từ ngân hàng hay đơn giản từ sự thật rằng bạn không thể chi trả cho một chuyến đi.
Tưởng rằng "sự phản bội" chỉ nói về chuyện ngoại tình nhưng đôi khi nó cũng đúng với tiền bạc. Và bạn sẽ khó giành lại niềm tin của vợ/chồng bạn nếu bạn nói dối họ về chuyện bội chi, nợ nần.
Nếu bạn cảm thấy mình không còn kết nối với bạn đời như cách mà hai người đã từng thì hãy hành động ngay bây giờ. Tôi đã học được một bài học đắt giá từ sai lầm của mình. Tôi đã giữ những điều không hài lòng với chồng cả tháng trời, rồi cả hai vợ chồng cảm thấy ngột ngạt, chúng tôi phải đến gặp chuyên gia tâm lý gần một năm trời để giải quyết mọi thứ.
Nếu bạn không tự động viên mình rằng rồi mọi thứ sẽ ổn thì bạn sẽ không thể vượt qua được những ranh giới nguy hiểm như thế trong hôn nhân.
Chăm sóc ngoại hình bản thân
Khi kết hôn được nhiều năm và đã có con, nhiều người xuề xòa, không còn để ý đến ngoại hình của mình nữa. Hãy nghĩ đến thời gian bạn đang hẹn hò với vợ/chồng bạn. Bạn đã bao giờ đi dạo với anh ấy/cô ấy mà mặc quần đùi áo may ô hoặc không đánh răng chưa?
Chắc chắn là chưa bao gờ. Tôi không khuyên bạn phải chỉn chu, điệu đà như nữ diễn viên Julianne Moore xuất hiện hàng đêm trên tivi. Nhưng tôi đã chứng kiến những cặp vợ chồng chuyển từ Cliff – Clair Huxtable (cặp đôi chỉn chu về ngoại hình) thành Dan - Roseanne Connor (cặp đôi xuề xòa về ngoại hình) với những hậu quả tai hại.
Thỉnh thoảng, tôi khiến chồng phải thốt lên “wow, nhìn em tuyệt quá” khi diện một bộ đầm đi dự tiệc đêm. Ít nhất hãy để vợ/chồng bạn nhìn thấy bạn ở trạng thái như bạn ra ngoài gặp bạn bè bằng cách luôn làm mới mình.
Duy trì những mối quan hệ ngoài vợ chồng
Tôi vẫn tham gia các chuyến đi cùng hội bạn thân dù tôi đã lấy chồng. Tôi rất thích ở bên chồng và ba con. Nhưng thỉnh thoảng dành những ngày cuối tuần cho hội bạn thân cũng rất quan trọng. Trò chuyện với người khác hay lắng nghe những câu chuyện mới từ họ khiến tôi thấy muốn tìm hiểu nhiều hơn về bạn đời của mình. Khi Katie Couric hỏi Barbra Streisand về cuộc hôn nhân hạnh phúc 14 năm với người chồng James Brolin, Streisand trả lời rằng bí quyết là ở khoảng cách. “Sẽ lãng mạn hơn nếu thỉnh thoảng vợ chồng xa nhau và thể hiện sự nhớ nhung qua các cuộc điện thoại”.
Bạn đời của bạn là mối quan hệ quan trọng nhất nhưng không nên là mối quan hệ duy nhất.
Nghĩ kỹ trước khi nói
Có nhiều điều bạn không nên nói ra với người vợ/chồng lâu năm của mình. Ví dụ như câu “Anh có nghĩ là hàng xóm mới của chúng ta rất cuốn hút không?”. Đây là câu hỏi chỉ mình bạn muốn biết câu trả lời. “Anh có biết vấn đề của anh là…” cũng không phải là ý hay. Ai trong chúng ta muốn nghe những lời này từ bạn đời của mình chứ? Chúng ta muốn chỉ ra điểm xấu của đối phương nhưng hãy dùng từ ngữ thể hiện thiện chí chứ không phải là chỉ trích.
“Anh luôn luôn vậy…”, “Anh không bao giờ…” hãy suy nghĩ trước khi nói. Dù đó có là sự thật đi chăng nữa thì bạn cũng không nên mở đầu câu chuyện bằng những từ ngữ như vậy. Hãy suy nghĩ một phút trước khi nói, rằng ý bạn muốn truyền đạt là gì và bạn sẽ tìm được những từ thay thế nhẹ nhàng hơn.
Đừng để tâm những điều vụn vặt
Trong cuộc sống có những vấn đề quan trọng và những điều vụn vặt. Vấn đề to tát như chuyện chồng bạn rút hết tiền đi đánh bài bạc, dấu chuyện đã từng phạm tội hoặc có vợ hai ở đâu đó, có thể khiến bạn quyết định ly hôn ngay lập tức. Nhưng hầu hết chúng ta đều không gặp những vấn đề lớn đó. Chúng ta thường có những sai lầm nhỏ nhưng lại lặp lại nhiều lần mà khi cãi vã sẽ trở thành tác nhân khiến cơn tức giận càng lớn hơn.
Hầu hết sai lầm của chúng ta đều bắt nguồn từ những việc rất nhỏ - anh ấy lấy dây khởi động ngoài ra khỏi xe ô tô của bạn rồi quên cho lên xe, đến lúc bạn cần thì không thấy đâu, nó sẽ khiến bạn phải gào lên “nếu anh yêu em thì đã để lại cái dây khởi động vào vị trí cũ và em đã có thể tự cứu mình khi đi cạnh một “xe điên” khi không thể nổ máy”, và bạn sẽ “tăng xông” hơn khi nghe câu trả lời “em gặp xe điên khi nào vậy?”.
Những vấn đề nhỏ có thể nảy sinh mẫu thuẫn lớn. Hãy giải quyết mọi thứ bằng cách đơn giản nhất. “Anh yêu, để lại giúp em dây khởi động ngoài vào xe được không?”.
Im lặng là vàng
Đôi khi cách tốt nhất đề giải quyết một vấn đề là mặc kệ để nó qua đi. Hãy học cách buông bỏ, tha thứ nhiều hơn và quên đi nhiều hơn. Thỉnh thoảng hãy tự hỏi mình tại sao mình lại kết hôn với anh ấy/cô ấy. Hãy nhìn vào những điều tích cực để vượt qua những lúc yếu lòng.
Giữ im lặng phải đi kèm với việc bạn quên hẳn chuyện đó đi. Nếu bạn không nói gì nhưng vẫn giữ điều không hay trong lòng thì còn nguy hiểm hơn nhiều.
Chấp nhận những lúc thăng trầm
Chẳng có mối quan hệ nào là đường thẳng cả. Cuộc sống là hình sin, lúc lên lúc xuống, lúc trên đỉnh đồi lúc dưới thung lũng. Chúng ta phải vượt qua những quãng thời gian khó khăn đó một mình, có lúc phải khóc, có lúc cảm thấy suy sụp cả tuần trời. Điều quan trọng là bạn phải hiểu rằng khó khăn sẽ qua đi. Thực tế trong hôn nhân, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều khoảng thời gian khó khăn như thế. Vợ chồng bạn sẽ làm gì? Ngồi một chỗ rồi giận hờn, cãi vã tự qua đi? Cả hai nên trò chuyện thẳng thắn với nhau, cùng tháo gỡ các vấn đề. Và hãy luôn nhớ rằng, không có dòng chảy nào là không có sóng.
Luôn đối tốt với nhau
Chúng ta thường chia sẻ mọi thứ với những người chúng ta yêu bởi chúng ta biết rằng họ yêu chúng ta và sẵn sàng lắng nghe mọi thứ. Đó là hội chứng “đá quả bóng” sang người khác. Bạn có một ngày tồi tệ ở công sở rồi về nhà trút hết lên đầu bạn đời?
Hãy bắt đầu ngày mới bằng câu hỏi “hôm nay mình có thể làm gì để người mình yêu hạnh phúc?" Và bạn sẽ biết phải làm gì. Đừng chuyển những lo lắng, áp lực của bạn lên người bạn yêu. Bạn có thể chia sẻ những áp lực đó với bố mẹ nhưng với bạn đời thì đừng. Bởi cả hai đang cố gắng làm mọi thứ để hài lòng nhau.
Duy trì sự gần gũi và đam mê nhau cả trong và ngoài phòng ngủ
Sự gần gũi không chỉ có trên giường ngủ và niềm đam mê cũng không chỉ thể hiện ở trong căn bếp. Làm mới chuyện chăn gối rất quan trọng với những cuộc hôn nhân lâu dài. Có thể bạn sẽ ham muốn bạn đời hơn khi cùng nhau đi dạo bờ biển dưới ánh trăng và kết thúc bằng một nụ hôn.
Có thể bạn sẽ thấy vợ gợi cảm hơn khi chăm sóc cô ấy ngay cả khi cô ấy đang ốm yếu nằm trong bệnh viện. Đừng để người khác đưa quan niệm thế nào là tình dục bình thường, lành mạnh trong cuộc hôn nhân của bạn. Bạn có thể làm mọi thứ bạn thích miễn sao để cuộc sống chăn gối của hai vợ chồng luôn thú vị. Và gần gũi nhau cũng có nhiều cách, trong đó đáng lưu tâm là trò chuyện và ôm ấp nhau.