11, 12, 13 - Ngày của trăm năm trong thế kỷ 21

11, 12, 13 - Ngày của trăm năm trong thế kỷ 21
Hôm nay là ngày
Hôm nay là ngày "tiến lên"

Đây chẳng phải là ngày tốt, xấu. Đó chỉ là những ngày có những con số đẹp, lạ và ngộ nghĩnh theo sắp xếp kiểu tiến lên như 11-12-13. Điều làm nên giá trị cho những ngày đẹp đó là mỗi thế kỷ chỉ xuất hiện một lần. Vì thế, người ta gọi đây là “ngày của trăm năm”.

Nếu chỉ tính những ngày “tiến lên” và “bộ ba” như 08-08-08, thì ngày đẹp đầu tiên của mỗi thế kỷ là ngày bắt đầu năm thứ hai của thế kỷ đó: 01-01-01. Kế đó là 02-02-02, rồi 01-02-03, 03-03-03…

Và cứ thế cho tới ngày của trăm năm cuối cùng của thế kỷ là ngày 11-12-13. Bạn chú ý là những ngày đẹp dạng sắp xếp này chỉ xuất hiện trong 13 năm đầu của thế kỷ, mỗi năm 2 lần, riêng năm đầu và năm cuối của thời kỳ đó chỉ xuất hiện 1 ngày.

Còn nếu mở rộng ra, từ nay tới cuối thế kỷ 21 ta vẫn có những ngày đẹp khác với những con số giống hệt nhau như 2-2-22, 3-3-33, 4-4-44, 5-5-55, 6-6-66, 7-7-77, 8-8-88 và cuối cùng là 9-9-99). Chỉ có điều bạn ráng chờ tới 9 năm nữa để có một ngày đẹp nữa nhé!

Người Âu Mỹ có những ngày gọi là Odd Day (ngày lẻ hay cũng có nghĩa là ngày kỳ cục), cũng chỉ xuất hiện một lần mỗi thế kỷ. Đó là những ngày có ngày, tháng và năm đều là số lẻ và nối tiếp nhau như: 01-03-05, 03-05-07… và ngày Odd Day cuối cùng trong thế kỷ 21 đã xuất hiện - ngày 09-11-13. Như thế, người ta sẽ phải chờ tới 92 năm nữa mới lại có 1 ngày Odd Day như vậy (ngày 01-03-05 trong thế kỷ 22).

Trong ngày 9-11-2013 vừa rồi, ông Ron Gordon, một thầy giáo trung học nghỉ hưu mê toán học tại Redwood City (bang California, Mỹ), đã lập một website chào mừng sự kiện này. Ông đã bỏ ra 911,13 USD để làm giải thưởng trao cho 33 người (9+11+13) có những ý tưởng hay nhất để ghi dấu ngày đặc biệt này. Thầy giáo Gordon nói: “Những ngày này giống như hiện tượng sao chổi. Ta cứ chờ và đợi chúng, rồi tới ngày đó chúng lóe sáng lên, sau đó biến mất”.

Chỉ buồn cho ông Gordon và những người đồng hương Mỹ hay những người ở những nước sử dụng cách ghi lịch kiểu Mỹ không có được những cảm giác thiệt là “đã” do họ viết theo công thức tháng-ngày-năm. Vì thế, ngày 9-11-13 thực tế xuất hiện thành 11-9-13, tuy cũng toàn là số lẻ nhưng không có “tiến lên” (consecutive numbers). Và cũng bởi cách viết khác nhau như vậy đã có những ngày Odd Day người Mỹ sướng mà người xứ khác coi bình thường và ngược lại. Thí dụ, ngày được viết là 01-03-05 ở Mỹ lại là ngày 3-1-2005 ở các xứ khác. Ngày Odd Day cuối cùng của thế kỷ 21 ở Mỹ được viết theo trật tự nối tiếp 9-11-13 là ngày 11-9-2013.

Cái ngày Odd Day hay ngày của trăm năm không chỉ được viết ra một cách ngộ nghĩnh, đẹp mắt mà còn được đọc lên rất vui miệng, vui tai. Những ngày “tiến lên” cho ta cái cảm giác tốt đẹp của mọi sự liên tục phát triển. Những ngày “bộ ba” cho cái nhịp lặp đi lặp lại thật êm đềm. Thí dụ như ngày 2-2-22 mà cả người Mỹ lẫn những người xứ khác đều viết giống nhau còn được gọi là Trumpet Day do khi đọc lên bằng tiếng Anh to to to tooo (two two two two) nghe giống như tiếng kèn đồng trumpet!

Báo Anh Daily Mail (9-11-2013) cho biết: các nhà số học (numerologist - chuyên nghiên cứu ảnh hưởng của các con số) nói rằng các ngày đặc biệt này có những ý nghĩa đặc biệt như chính sự xuất hiện của chúng. Một số người có thể tìm thấy trong chúng những thông điệp ẩn giấu.

Bà Sonia Ducie, tác giả cuốn Numerology: Your Personal Guide For Life (Số học: hướng dẫn cá nhân cho cuộc sống của bạn), xác nhận: “Đây là những ngày mạnh mẽ”.

Còn ông Jonathan Cainer, chiêm tinh gia của báo Daily Mail, nói rằng các con số này ít có ý nghĩa về mặt chiêm tinh học, nhưng ông lại thòng một câu: “Bản thân lịch đã tung ra những loạt số khiến chúng ta phải ngừng lại mà nghĩ ngợi. Vì thế, chúng ta có thể hiểu những ngày này có những tiềm năng cho sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình”.

Bất luận thế nào, do đây là những ngày đặc biệt, cả trăm năm mới có một lần, người ta có thể nghĩ về chúng theo ý thích của mình. Nhưng gạt qua một bên chuyện tốt xấu, không ai có thể phủ nhận đây là những ngày rất đẹp. Và vì vậy, trong những ngày đẹp hết sức hiếm hoi như vậy, ta nên đánh dấu chúng bằng những sự kiện, việc làm gì đó thật là đẹp. Thí dụ, tặng cho “người dưng khác họ chẳng nọ thời kia” một nụ hôn thật đẹp…

Theo Tuổi Trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.