1085 tiết học môn Tiếng Êđê trong chương trình giáo dục phổ thông mới

1085 tiết học môn Tiếng Êđê trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Theo dự thảo, nội dung cốt lõi của môn Tiếng Êđê bao gồm kiến thức tiếng Êđê và kiến thức văn hóa dân tộc Êđê. Kiến thức ngôn ngữ gồm: ngữ âm và chữ viết, từ vựng, ngữ pháp được lựa chọn phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh và được tích hợp trong quá trình rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ nghe, nói, đọc, viết cơ bản.

Cấu trúc chương trình môn Tiếng Êđê được xây dựng theo 2 bậc: bậc A và bậc B, cơ cấu bằng 3 trình độ chuẩn đầu ra; trong đó bậc A gồm 2 trình độ là trình độ A1 và trình độ A2. Chương trình thực hiện với tổng thời lượng là 1085 tiết (bao gồm cả tiết ôn tập).

Trình độ A1 áp dụng cho cấp tiểu học gồm 5 năm học với tổng số 350 tiết, mỗi năm học 70 tiết, mỗi tuần 2 tiết.

Trình độ A2 áp dụng cho cấp trung học cơ sở gồm 4 năm học với tổng số 420 tiết học, mỗi năm học 105 tiết, mỗi tuần 3 tiết.

Trình độ B áp dụng cho cấp trung học phổ thông với tổng số 315 tiết học, mỗi năm học 105 tiết, mỗi tuần 3 tiết.

Theo dự thảo, để việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả, cần bảo đảm các điều kiện cơ bản sau:

Chương trình này được áp dụng cho các trường học vùng dân tộc Êđê có nhu cầu và đủ điều kiện thực hiện Chương trình theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Cơ sở Giáo dục thực hiện chương trình cần có đủ cơ sở vật chất (trường, lớp, bàn, ghế,…), sách giáo khoa, thiết bị đồ dùng dạy học môn Tiếng Êđê theo quy định. Có đủ giáo viên dạy tiếng Êđê đạt trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định hiện hành.

Hằng năm, các sở GD&ĐT cần tổ chức cho cán bộ quản lý và giáo viên tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để cập nhật các kiến thức ngôn ngữ, văn hóa mới và các phương pháp dạy học hiện đại.

Các sở GD&ĐT cũng cần xây dựng kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình tại các trường phổ thông với đặc điểm, yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương mình.

Môn tiếng Êđê là môn học tự chọn được tổ chức giảng dạy từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông. Đây là môn học có vai trò giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ và các năng lực chung, phát triển những phẩm chất tốt đẹp, bồi dưỡng tình yêu tiếng mẹ đẻ và ý thức bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ