Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương (chiều 11/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4/2022.
Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, đã có gần 3.400 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được quan tâm như: Y tế, lao động, thương binh và xã hội; nông nghiệp, nông thôn; nội vụ; giao thông, vận tải; tài nguyên và môi trường…“Đến nay, 100% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri”- đồng chí Dương Thanh Bình nói.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, một số quyền lợi hợp pháp của người dân đã được quy định nhưng việc tổ chức triển khai chưa hiệu quả nên người dân chưa được thụ hưởng.
Một số kiến nghị chưa được giải quyết do một số bộ, ngành chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, chưa xác định đúng nội dung cử tri kiến nghị hoặc thiếu kiểm tra, đôn đốc. Bên cạnh đó, một số văn bản bộ, ngành trả lời cử tri chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc giải quyết.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được xử lý sang kỳ họp sau”, đồng chí Dương Thanh Bình phát biểu.
Về công tác dân nguyện tháng 4/2022 của Quốc hội, cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm và kỳ vọng cao về các vấn đề được Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành trung ương xem xét, cho ý kiến; nội dung kỳ họp thứ III của Quốc hội với nhiều nội dung quan trọng, có tác động tích cực, toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội, định hướng và sự phát triển của đất nước thời gian tới.
Đáng lưu ý, trong tháng 4/2022, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tiếp tục tăng so với tháng trước và nổi lên một số nhóm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.
Cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ II, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần nêu 4 nội dung giám sát của Quốc hội trong năm 2022 để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát thêm.
Nêu vấn đề, dù giải quyết kiến nghị của cử tri và nhân dân đạt 100% nhưng vẫn còn đơn thư khiếu nại, tố cáo tập trung đông người; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, cần phân tích số liệu, chỉ rõ trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của địa phương.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị báo cáo dân nguyện tháng 4/2022 cần nêu thêm một số vấn đề dư luận cử tri và nhân dân quan tâm; trong đó có việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, học sinh các cấp đi học trực tiếp trở lại, chương trình sách giáo khoa mới, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học…
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần đánh giá tác động nặng nề đến đời sống của người dân, nhất là công nhân, người lao động do tác động lâu dài của dịch Covid-19, tình hình giá cả, chỉ số giá tiêu dùng gia tăng...
Cho rằng, cử tri, nhân dân, người lao động cũng đang băn khoăn về đề xuất tăng tiền lương tối thiểu vùng; Chủ tịch Quốc hội đồng thời cho biết, cử tri và nhân dân cũng lo lắng, băn khoăn về tình hình thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, bên cạnh việc hoàn thành báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ II để trình Quốc hội tại kỳ họp III, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời đề nghị các cơ quan hữu quan chuyển thể thành thông báo gửi các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.