1. Nhiều Nghị quyết về lĩnh vực giáo dục đi vào cuộc sống
Những năm qua, Sở GD&ĐT Quảng Trị đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách địa phương để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 19 Nghị quyết liên quan đến cơ chế, chính sách và một số quy định trong quản lý, phát triển ngành.
Ông Lê Quang Tùng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị (thứ 2 bên trái) và TS Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT (thứ 2 bên phải) dự Lễ khai giảng năm học 2022-2023. |
Những Nghị quyết ban hành liên quan đến chế độ lương và hỗ trợ BHXH, BHYT đối với lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trường mầm non; đầu tư cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch trường học; xóa phòng học tạm, phòng học mượn; xây dựng phòng ở công vụ cho giáo viên; chính sách hỗ trợ cho giáo viên và nhân viên làm việc liên trường; chính sách khuyến khích đối với giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn…
Qua đó, động viên đội ngũ giáo viên an tâm công tác, nhất là công tác tại các cơ sở giáo dục, điểm trường thuộc vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
2. Mạng lưới trường lớp được sắp xếp hợp lý
Quảng Trị đi đầu về thực hiện chủ trương sáp nhập quy mô trường, lớp học theo Nghị quyết 19-NQ/TW. Năm 2018, thời điểm trước sáp nhập toàn tỉnh có 476 đơn vị sự nghiệp công lập. Đến tháng 10/2023, tỉnh có 367 đơn vị; giảm 109 đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, tỉ lệ giảm 22,9%.
Việc sáp nhập đã giảm được số lượng đầu mối đơn vị hành chính, cán bộ quản lý giáo dục, tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập, quy mô trường lớp lớn hơn. Đồng thời, thực hiện giải pháp xóa phòng học tạm, xóa điểm lẻ không đủ quy mô bước đầu mang lại kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 894 điểm trường, giảm 40 điểm trường so với trước khi sáp nhập.
|
3. Triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018
Tỉnh luôn quan tâm, dành nguồn lực bố trí cho giáo dục và đào tạo. Phân bổ gần 100 tỷ đồng để triển khai thực hiện xây dựng, thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương, mua sắm thiết bị dạy học, đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy học cho các trường.
Việc bố trí giáo viên, nhất là số giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu trong tỉnh, trình độ đào tạo của giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu tổ chức dạy học theo Chương trình GDPT 2018.
Sở chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học trong giáo viên và học sinh. Trong 10 năm, Sở GD&ĐT đã triển khai tổ chức 10 cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học và chọn được nhiều dự án chất lượng tham dự Cuộc thi cấp quốc gia đạt kết quả cao.
Tổ chức hơn 250 chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá,… Chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện các điểm nhấn, chủ đề năm học một cách phù hợp và có hiệu quả trong nâng cao chất lượng giáo dục.
Đoàn Quảng Trị tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. |
4. Giữ vững, nâng cao kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ
Công tác phổ cập giáo dục đạt được nhiều bước tiến đáng ghi nhận. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt chuẩn từ tháng 12/2013, về đích trước 2 năm so với kế hoạch của toàn quốc và được duy trì vững chắc cho đến nay. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và xóa mù chữ luôn được duy trì và nâng cao chất lượng qua từng năm.
Đến hết năm 2022, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Mức độ 3; 10/10 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn Mức độ 3; tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn Mức độ 3 về phổ cập giáo dục tiểu học; đạt chuẩn Mức độ 2 về xóa mù chữ; 123/125 (tỷ lệ 98,4%) xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Mức độ 2 trở lên về phổ cập giáo dục THCS.
Bộ GD&ĐT tiến hành kiểm tra và công nhận Quảng Trị đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học Mức độ 3, xóa mù chữ Mức độ 2 vào tháng 5/2023. Đây là sự ghi nhận quan trọng đối với những nỗ lực trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại tỉnh Quảng Trị. |
5. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn khởi sắc
Chất lượng giáo dục hai mặt (học lực và hạnh kiểm) cấp THCS, THPT được duy trì vững chắc, ngày càng đi vào thực chất, chất lượng giáo dục vùng miền núi ngày càng được nâng cao. Hàng ngàn học sinh địa phương đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh cấp THCS và THPT; đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi văn hóa quốc gia, khu vực và quốc tế; các cuộc thi và sân chơi trí tuệ cấp quốc gia.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT dự lễ ra quân các đội tuyển thi chọn HSG quốc gia năm học 2023-2024. |
Với nhiều giải pháp đồng bộ, chất lượng giáo dục toàn diện từng bước nâng lên vững chắc, đã tạo được nền tảng căn bản cho giáo dục mũi nhọn và giáo dục chất lượng cao.
Trong 10 năm (2013-2023), toàn tỉnh có 6.321 học sinh đạt giải học sinh giỏi văn hóa lớp 12 cấp tỉnh; có 219 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia (trong đó 3 giải nhất, 40 giải nhì, 76 giải ba và 100 giải khuyến khích); đạt 19 giải quốc gia về Cuộc thi Khoa học kỹ thuật; có 6 học sinh đạt giải khu vực và quốc tế (trong đó 1 huy chương Bạc tại Kỳ thi Olympic Toán học Singapore và Châu Á - SASMO 2017; 01 giải Ba quốc tế Cuộc thi Khoa học kỹ thuật do Intel ISEF 2017 tổ chức.
Ngoài ra, học sinh Quảng Trị đạt 1 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng tại Kỳ thi Olympic Hình học Iran mở rộng năm 2018; 1 huy chương Bạc môn Tin học Olympic Châu Á - Thái Bình Dương APIO 2019 và 1 huy chương Đồng môn Tin học Olympic Châu Á - Thái Bình Dương năm 2023). Nhiều học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi giải Toán qua mạng Internet, trên máy tính Casio, các sân chơi trí tuệ cấp quốc gia…
Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VHTTDL, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị trao thưởng cho em Phạm Huy đạt giải Ba Cuộc thi KHKT quốc tế. |
Xếp hạng của tỉnh theo điểm trung bình kết quả thi đại học, cao đẳng 5 năm trở lại đây đứng ở vị thứ từ 29 đến 32 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; nhiều học sinh đỗ thủ khoa vào các trường đại học…
Ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho học sinh đạt giải HSG quốc gia. |
6. Nhiều học sinh lọt vào Chung kết Đường lên đỉnh Olympia
Trong 10 năm (2013 - 2023), Quảng Trị có nhiều học sinh tham dự từ vòng thi tuần, tháng, quý, năm Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Đặc biệt, chỉ trong 6 năm từ 2015-2020, có 4 học sinh liên tục lọt vào vòng Chung kết Đường lên đỉnh Olympia.
Em Văn Viết Đức đạt Quán quân Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15. |
Có thể nói, vùng “đất thép” Quảng Trị là cái nôi sản sinh và nuôi dưỡng rất nhiều nhân tài của đất nước. Trong đó, Quảng Trị có 2/23 nhà vô địch là Văn Viết Đức và “Cậu bé Google” Phan Đăng Nhật Minh.
7. Đột phá về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số
Việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong quản lý và dạy học có nhiều chuyển biến tích cực. Cổng thông tin điện tử giáo dục toàn ngành hoạt động hiệu quả, liên thông với 398 đơn vị trường học và 9 phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố, đảm bảo thông tin xuyên suốt phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ. Mỗi năm có hàng ngàn bài viết chia sẻ lan tỏa các hoạt động giáo dục của các đơn vị trường học đến toàn ngành và toàn cộng đồng trong xã hội.
Sở GD&ĐT Quảng Trị ký kết với VNPT Quảng Trị về hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2023-2028. |
Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành kết nối với: Cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu của địa phương; 100% các cơ sở giáo dục, tích hợp sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử; hệ thống quản lý hành chính điện tử liên thông trao đổi văn bản điện tử giữa Sở GD&ĐT với Bộ GD&ĐT.
Ngành GD&ĐT Quảng Trị được Bộ GD&ĐT đánh giá là một trong các đơn vị đi đầu toàn quốc về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục.
8. Hiệu quả công tác CCHC ngành Giáo dục
Cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Sở GD&ĐT chú trọng. Sở đã công khai nội dung 100% các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Trị.
Việc đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành Giáo dục đã tạo sự thống nhất cao trong vận hành bộ máy, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Qua đánh giá, chấm điểm về chỉ số CCHC của Sở hàng năm, vị thứ xếp hạng về công tác cải cách hành chính của Sở tăng dần: Năm 2017 xếp vị trí thứ 12/20 sở, ngành; năm 2022 xếp vị thứ 7 và năm 2023 xếp vị thứ 5.
9. Hệ thống giáo dục ngoài công lập ngày càng phát triển
Quảng Trị hiện có 21 trường ngoài công lập và 73 cơ sở độc lập tư thục, với 6.137 học sinh. Hệ thống trường ngoài công lập đã góp phần tăng cường điều kiện về cơ sở vật chất, về nguồn lực tài chính đầu tư cho hoạt động tổ chức dạy và học.
Hàng năm học sinh của các trường ngoài công lập đều có học sinh đạt giải học sinh giỏi văn hóa cấp thành phố và cấp tỉnh, các cuộc thi quốc gia, quốc tế.
Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hàng năm đạt tỷ lệ 100%, nhiều học sinh đạt chứng chỉ IELTS... góp phần cùng với Giáo dục Quảng Trị nâng cao chất lượng giáo dục và yêu cầu cao của xã hội, thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị dự Lễ Khánh thành Trường iSchool Quảng Trị. |
Sở GD&ĐT Quảng Trị đã quan tâm, chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập tăng cường đầu tư nhằm đảm bảo cơ sở vật chất. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non hiện hành, chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo quan điểm “giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”; chú trọng giáo dục toàn diện về giáo dục đạo đức, văn hóa và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
10. Nỗ lực khắc phục thiên tai, dịch bệnh để dạy học
Quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành GD&ĐT đã nỗ lực, quyết tâm hoàn thành “nhiệm vụ kép” vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa đảm bảo chất lượng dạy và học.
Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động đảm bảo phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19, chủ động với các kịch bản tổ chức dạy học phù hợp, hoàn thành nhiệm vụ năm học theo đúng kế hoạch đề ra. Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin trong toàn ngành đạt tỷ cao.
Lãnh đạo ngành GD&ĐT Quảng Trị trao tặng máy tính bảng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. |
Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức tốt việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho tất cả đối tượng học sinh, bảo đảm mọi học sinh đều được ôn luyện kiến thức.
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã trao tặng 15.358 máy tính bảng cho học sinh khó khăn với tổng số tiền 38,396 tỷ đồng đã kịp thời phục vụ hiệu quả cho việc tổ chức dạy học trực tuyến.