Các thói quen bảo quản, chế biến thực phẩm sai cách không chỉ làm mất hết những chất dinh dưỡng mà còn gây ra tác hại không hề nhỏ cho sức khỏe. Dưới đây là 10 sai lầm trong nhà bếp mà các bà nội trợ nên tránh để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình:
1. Đun nóng dầu quá lâu
Sử dụng bếp hay lò nướng khi chưa được làm nóng đúng cách sẽ làm mất thời gian nấu hoặc có thể khiến thức ăn bị chín không đều hoặc bị cháy.
Làm nóng chảo dầu vượt quá ngưỡng quy định (dấu hiệu nhận biết đơn giản là dầu bị bốc khói) sẽ khiến dầu ăn bắt đầu bị phân hủy, phá hủy các chất chống oxy hóa có lợi của dầu và tạo thành các hợp chất có hại.
2. Sử dụng chảo không dính ở nhiệt độ cao với dụng cụ kim loại
Nhiệt độ cao có thể làm cho lớp lót không dính ở chảo giải phóng chất PFC (perfluorocarbons) dưới dạng khói. PFC là chất có liên quan đến tổn thương gan và các vấn đề sức khỏe khác. Bạn nên kiểm tra mức nhiệt độ được nhà sản xuất khuyến cáo ghi ở dưới đáy chảo.
Một lưu ý khác khi sử dụng chảo là tránh xa các dụng cụ kim loại. Bạn có thể vô tình làm trầy xước bề mặt chảo, điều này khiến bạn ăn phải chất PFC trong lớp lót không dính. Nên sử dụng dụng cụ cao su bằng gỗ hoặc an toàn nhiệt khi sử dụng chảo không dính.
3. Rửa rau bằng nước muối
Nước muối loãng không có tác dụng loại bỏ các dư lượng bảo vệ thực vật hoặc tác động gì đến trứng giun và các vi khuẩn gây bệnh. Cách rửa rau tốt nhất là rửa dưới vòi nước đang chảy. Sau đó rửa lại thêm nhiều lần, vớt ra và vẩy ráo trước khi ăn.
4. Làm đông thực phẩm nhiều lần trong tủ lạnh
Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là cách kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn chứ không thể giết chết vi khuẩn. Thực phẩm được đưa ra ngoài tủ lạnh (rã đông) tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tái sinh sôi.
Nếu cấp đông trở lại, có thể khiến lượng vi khuẩn tăng lên gấp đôi, gây ngộ độc cấp tính và các bệnh lý khác cho cơ thể.
5. Rã đông thịt bằng lò vi sóng
Lò vi sóng chỉ khiến cho bề mặt ngoài mềm ra, nhưng thực ra phần bên trong vẫn chưa được rã đông hoàn toàn. Thực phẩm nửa chín nửa sống tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn tấn công nếu không được chế biến ngay.
Cách tốt nhất là rã đông trong ngăn mát của tủ lạnh, hoặc cho thực phẩm vào túi bóng và ngâm vào nước.
6. Làm nguội trứng bằng nước lạnh
Việc ngâm trứng luộc vào nước lạnh giúp chúng ta bóc vỏ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nước lạnh chứa nhiều vi khuẩn có hại, trong khi trứng chín phần vỏ sẽ không còn tác dụng ngăn chặn vi khuẩn nữa.
Vì thế, hãy để trứng nguội tự nhiên trước khi bóc vỏ hoặc làm nguội trứng bằng nước đun sôi.
7. Không rửa nồi khi chế biến món khác
Khi gặp nhiệt độ cao, các vụn thức ăn thừa còn lại ở món trước đó sẽ sinh ra các chất gây ung thư như benzopyrenne. Vì vậy hãy rửa sạch nồi khi chế biến món ăn khác, vừa tránh việc tạo ra các chất độc hại vừa giữ được mùi vị đặc trưng của món ăn.
8. Để đồ ăn đã nấu chín lẫn với thịt sống
Sử dụng chung dao, thớt để thái thịt sống và chín có thể dẫn đến việc gây ô nhiễm chéo. Mầm bệnh hay các vi khuẩn từ thịt sống dễ dàng lây lan sang thực phẩm đã được nấu chín và gây ngộ độc thực phẩm.
Vì vậy hãy luôn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ dao, thớt sau khi thái thịt, gia cầm, hải sản sống rồi mới được sử dụng cho đồ chín. Cách tốt nhất nên sử dụng các dụng cụ này riêng rẽ.
9. Để thực phẩm ở ngoài tủ lạnh quá lâu
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, không nên để thực phẩm đã được bảo quản trong tủ lạnh ra ngoài nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ và không quá 1 giờ nếu nhiệt độ bên ngoài khoảng 32°C. Bởi vì vi khuẩn gây bệnh có thể phát triển nhanh chóng trong điều kiện nhiệt độ từ 4°C - 60°C.
10. Không vệ sinh sạch sẽ miếng rửa bát hay các dụng cụ vệ sinh nhà bếp
Miếng lưới/bọt biển rửa bát, miếng sắt cọ nồi là một trong những dụng cụ bẩn nhất trong nhà bếp. Sau mỗi lần sử dụng, nếu không vệ sinh sạch sẽ chúng trước lần dùng tiếp theo, bạn đã vô tình truyền thêm vi khuẩn gây bệnh vào thực phẩm.