10 nhóm vấn đề về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trao đổi 10 vấn đề được các đại biểu đề cập trong phiên thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), chiều 22/6.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Theo Bộ trưởng, dự án Luật Căn cước là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước. Qua đó, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự và nhiều tiện ích khác, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở nước ta.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, qua thảo luận tại tổ và hội trường, các đại biểu đã phát biểu về một số vấn đề:

Thứ nhất, về sự cần thiết và hồ sơ dự án luật. Các ý kiến của đại biểu đều thể hiện sự nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Căn cước và đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ dự án luật của Chính phủ.

Các tài liệu trong hồ sơ dự án luật đã đầy đủ, cơ bản đảm bảo nội dung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời Chính phủ cũng đã kịp thời có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội ngay sau khi họp.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu thảo luận tại hội trường.

Thứ hai, về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, sự phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tính khả thi của dự thảo luật. Đa số đại biểu thống nhất với những chính sách, nội dung lớn quy định trong dự thảo Luật Căn cước.

Những quy định của dự thảo luật là tương đồng với pháp luật của nhiều nước trên thế giới, nhất là các quốc gia phát triển và phù hợp với quy định của Hiến pháp, không xung đột với các luật khác.

Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát lại các quy định của dự thảo luật đảm bảo thống nhất với các quy định liên quan trong hệ thống pháp luật, vừa đánh giá kỹ sự phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ ba, về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng. Một số đại biểu có thêm ý kiến cân nhắc rà soát và quy định cụ thể hơn nội dung này để tránh xung đột với Luật Quốc tịch và làm rõ cơ sở thực tiễn khi mở rộng phạm vi điều chỉnh; đồng thời bổ sung đối tượng là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.

Thứ tư, về tên gọi của dự án luật, đa số ý kiến nhất trí với tên gọi là Luật Căn cước nhằm đảm bảo tính bao quát, đầy đủ, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật. Một số đại biểu có ý kiến đề nghị cân nhắc việc sửa đổi tên luật do việc sử dụng cụm từ căn cước công dân đã phổ biến.

Thứ năm, về việc cấp giấy chứng nhận căn cước. Một số đại biểu có ý kiến đề nghị làm rõ điều kiện đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước hoặc cân nhắc việc cấp thẻ căn cước tạm thời đối với người gốc Việt Nam.

Cán bộ Công an đến nhà làm thủ tục cấp căn cước công dân cho người già. Ảnh: Báo Công an.

Cán bộ Công an đến nhà làm thủ tục cấp căn cước công dân cho người già. Ảnh: Báo Công an.

Thứ sáu, về thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin. Nhiều đại biểu nhất trí với quy định về việc bổ sung, mở rộng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước. Đây là yêu cầu tất yếu để phục vụ cho xây dựng Chính phủ số, xã hội số. Bên cạnh đó, có một số ý kiến đề nghị quy định rõ thẩm quyền khai thác, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thứ bảy, về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước. Một số đại biểu có ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá thêm việc đổi tên thẻ căn cước và thông tin in trên thẻ căn cước chỉ nên thể hiện những thông tin không có sự thay đổi nhiều trên thẻ căn cước. Đồng thời, cũng có một số đại biểu đề nghị bổ sung một số những thông tin như là quê quán hoặc một số các thông tin khác.

Thứ tám, quy định về cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi. Đa số đại biểu có ý kiến nhất trí với quy định về việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước, phát huy giá trị tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng có ý kiến đề nghị làm rõ hơn sự cần thiết của quy định này và chỉnh lý cho rõ ràng hơn.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Thứ chín, việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước. Đa số đại biểu có ý kiến nhất trí với quy định này và khẳng định đây là quy định tiến bộ, tạo thuận lợi cho người dân, giúp cải cách hành chính, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc lựa chọn loại thông tin tích hợp đảm bảo tính khả thi và thực hiện ngay được, không giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định việc tích hợp giấy tờ khác.

Thứ mười, về cấp, quản lý căn cước điện tử. Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về thủ tục cấp căn cước điện tử và ứng dụng của căn cước điện tử vào các hoạt động quản lý nhà nước, thực hiện giao dịch điện tử.

Ngoài những vấn đề chính nêu trên, các đại biểu còn đóng góp ý kiến vào những điều luật cụ thể của dự thảo Luật Căn cước như: quy định về giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý căn cước; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước; quyền và nghĩa vụ của cá nhân; trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước; việc thu thập, cập nhật thông tin, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu.

Các ý kiến của đại biểu đều đã được Chính phủ báo cáo rõ và hướng tiếp thu giải trình tại Báo cáo số 311 ngày 20/6/2023. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội có tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân cho phù hợp, đảm bảo hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2023).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.