Từ năm học 2013 - 2014, các cơ sở GD-ĐT từ cấp THPT trở lên đưa nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào giảng dạy theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả tích cực
- Ông nhận định thế nào về kết quả đạt được sau 10 năm ngành Giáo dục đưa nội dung PCTN vào giảng dạy?
- Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo (GD-ĐT) được thực hiện từ năm học 2013 - 2014. Đây là chủ trương đúng đắn, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cơ sở GD-ĐT, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên và sự đồng tình của xã hội.
Triển khai Chỉ thị số 10, Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã thường xuyên quán triệt chủ trương triển khai, thực hiện, nghiên cứu, chỉ đạo cập nhật nội dung chương trình, tài liệu giảng dạy về công tác PCTN, tiêu cực từ năm học 2023 - 2024 phù hợp với yêu cầu thực tế.
Bộ GD&ĐT đã bố trí nhân sự, phân công nhiệm vụ cụ thể, ban hành các văn bản bản chỉ đạo hướng dẫn thực hiện Chỉ thị; biên soạn tài liệu giảng dạy cho các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý; tập huấn cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý; chú trọng thanh tra, kiểm tra....
Công chức, viên chức ngành Giáo dục đã nhận thức đúng về tác hại của tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Từ đó, với chức năng, nhiệm vụ được giao, từng cá nhân, đơn vị đề ra được biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động.
Đến nay, 100% các trường thuộc cấp THPT đã tổ chức giảng dạy nội dung PCTN; tuyệt đại bộ phận học sinh THPT được tiếp cận, học tập nội dung này.
Ngoài tích hợp vào môn Giáo dục công dân, các cơ sở giáo dục chủ động tích hợp giảng dạy trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp dưới hình thức sân khấu hóa, hoạt động văn hoá văn nghệ, sinh hoạt chính trị đầu năm, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật…
Các nhà trường đã chỉ đạo Đoàn thanh niên tổ chức hoạt động ngoại khóa (trung bình mỗi trường tổ chức được 3 chương trình ngoại khóa/năm học) với nhiều nội dung, có tích hợp, lồng ghép PCTN với những chủ đề phù hợp.
Nhà trường cũng phối hợp với Công an địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trong đó có nội dung PCTN; tuyên tuyền bằng hình thức phát thanh học đường về PCTN đến học sinh...
Đối với các học viện, đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm, giảng dạy về PCTN có chuyển biến tích cực và đang từng bước đi vào nền nếp theo hướng giáo dục đạo đức lối sống liêm chính. Đặc biệt có sự phân chia giữa các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo trình độ đại học, cao đẳng chuyên về luật và không chuyên về luật để xây dựng nội dung, cách thức đưa kiến thức PCTN vào nhà trường phù hợp.
Đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy về PCTN có lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao; chủ động, linh hoạt trong tham gia tập huấn, tiếp cận, nghiên cứu tài liệu để đưa nội dung phù hợp vào bài giảng; chủ động, sáng tạo về phương pháp sư phạm.
Có thể nói, 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10 đã góp phần quan trọng trang bị cho người học kiến thức cơ bản về PCTN; nâng cao ý thức của người học trong thực hiện nghĩa vụ công dân và trách nhiệm với cộng đồng. Hình thành, phát triển phẩm chất liêm chính, năng lực tự vệ của người học trước thực trạng tham nhũng và thái độ lên án, đấu tranh với tham nhũng.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường. |
Còn vướng mắc cần tháo gỡ
- Bên cạnh kết quả đạt được, có khó khăn, bất cập gì trong chỉ đạo, tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chỉ thị 10, thưa ông?
- Kết quả thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 10 những năm qua cho thấy, thực hiện Chỉ thị có một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Trước hết là nhận thức của các cấp lãnh đạo, quản lý về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chỉ thị chưa đồng đều. Một số lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm chưa coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác PCTN.
Với trường THPT, tài liệu biên soạn từ giai đoạn trước, giảng dạy trong Chương trình 2006 còn dàn trải, nội dung chưa phong phú, thiết thực, thiếu minh họa; thiếu tư liệu, hình ảnh, video nội dung PCTN phù hợp với học sinh THPT. Với Chương trình 2018, dạy tích hợp PCTN chưa có hướng dẫn cụ thể.
Chương trình môn Giáo dục công dân cấp THPT đang có nhiều nội dung tích hợp, lồng ghép. Do đó, để bảo đảm đủ số lượng tiết học theo chương trình khung, không làm tăng nội dung chương trình học, việc cung cấp kiến thức về PCTN cho học sinh còn hạn chế.
Nhiều trường thiếu giáo viên dạy Giáo dục công dân và hầu hết không được đào tạo chuyên sâu về pháp luật, thường kiêm nhiệm giảng dạy môn học khác. Trong khi đó, PCTN là nội dung mới, khó, nên tổ chức giảng dạy, phân công giáo viên, phân bổ thời gian, chuyển tải nội dung giáo dục theo yêu cầu của Chỉ thị gặp không ít khó khăn.
Ảnh minh họa/ INT |
Với trường đại học, cao đẳng, do thời lượng giảng dạy lồng ghép nội dung PCTN hạn chế nên giảng viên không thể đi sâu vào các vấn đề khoa học. Một số trường triển khai còn hình thức, một số đại học vùng giao cho đại học thành viên triển khai thực hiện.
Về kinh phí, tại cơ sở giáo dục, do nội dung PCTN được giảng dạy lồng ghép nên hầu hết không bố trí kinh phí riêng cho công tác này. Nhiều địa phương, cơ sở giáo dục còn lúng túng trong dự toán kinh phí thực hiện Chỉ thị. Cũng do kinh phí eo hẹp nên nhiều trường chưa tổ chức được hoạt động ngoại khóa về nội dung PCTN và các hoạt động khác có liên quan ...
Thực hiện theo chiều sâu
- Ông có thể cho biết về phương hướng, giải pháp, đề xuất nhằm tiếp tục nâng cao thực hiện Chỉ thị số 10 trong thời gian tới?
- Về phương hướng, giải pháp, trên cơ sở tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10, Chính phủ sẽ có chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ có hướng dẫn, Bộ GD&ĐT tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN; tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10 theo chiều sâu tại các cơ sở giáo dục.
Bộ GD&ĐT cũng tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý để nâng cao nhận thức chung về PCTN; ban hành, cung cấp tài liệu cho người học, giáo viên, giảng viên; ban hành hướng dẫn dạy học tích hợp PCTN với chương trình môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật (Chương trình GDPT 2018).
Cùng đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra; tiếp tục cung cấp bổ sung tài liệu các tình huống về PCTN phù hợp; hỗ trợ tổ chức tập huấn, giúp cơ sở giáo dục trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giảng dạy về PCTN.
Với các sở GD&ĐT, bên cạnh tiếp tục chỉ đạo, quán triệt nâng cao nhận thức cho đội ngũ, cần chỉ đạo cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện đưa nội dung PCTN vào chương trình chính khóa, bảo đảm thời lượng theo quy định; tăng cường tổ chức hoạt động ngoại khóa; lựa chọn hình thức phù hợp lồng ghép giảng dạy về PCTN.
Đồng thời, tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng giáo viên giảng dạy nội dung PCTN; cung cấp tài liệu, thông tin về tham nhũng cho giáo viên. Khuyến khích giáo viên các môn khoa học xã hội lồng ghép giáo dục đạo đức liêm chính, pháp luật về PCTN vào giáo án; sử dụng phương pháp giảng dạy linh hoạt, hiệu quả.
Lãnh đạo các cấp, nhà trường quan tâm, chỉ đạo sâu sát thực hiện Chỉ thị số 10. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tổ chức đưa nội dung PCTN vào giảng dạy. Biểu dương khen thưởng kịp thời cơ sở giáo dục, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị 10…
Về đề xuất, kiến nghị: UBND các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo về PCTN. Quan tâm bố trí kinh phí cho các cơ sở giáo dục trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giảng dạy PCTN. Bộ Tài chính cần bố trí đủ kinh phí cho các đơn vị triển khai Chỉ thị 10 theo quy định.
Với cơ sở giáo dục THPT: Hiệu trưởng các trường tăng cường chỉ đạo thực hiện Chỉ thị về đưa nội dung PCTN vào giảng dạy. Giao tổ nhóm chuyên môn tổ chức dự giờ các tiết dạy có nội dung tích hợp về PCTN. Bố trí kinh phí để mua tài liệu cho giáo viên…
- Xin cảm ơn ông!