10 hồ nước ấn tượng nhất thế giới

Nhiều hồ trên thế giới gây ấn tượng bởi có màu đỏ như máu, chứa toàn nhựa đường hay luôn sôi sùng sục.

10 hồ nước ấn tượng nhất thế giới

Hồ nước mặn Laguna Colorada ở Bolivia có đỏ như máu, do trầm tích lắng đọng và màu sắc của một số loại tảo gây nên, theo Mother Nature Network.

Hồ có chiều dài hơn 10km, rộng 9,6km, xung quanh là những đảo muối trắng xóa. Sự kết hợp đầy nổi bật giữa hai màu trắng và đỏ một cách tự nhiên đã khiến hồ trở thành một địa điểm thú vị. Ảnh: iStock.

Hồ Nước sôi (Boiling Lake) thuộc quốc đảo Dominica có màu xanh xám và luôn sôi ở nhiệt độ khoảng 90°C.

Khí gas thoát ra từ dòng dung nham nóng chảy bên dưới khiến mặt hồ luôn bị che phủ bởi hơi nước bốc lên nghi ngút như một nồi nước sôi. Ảnh: Emily Eriksson.

Vườn Quốc gia Hồ Plitvice ở Croatia là một trong những nơi đẹp nhất thế giới, bao gồm 16 hồ nước kết nối với nhau thông qua hàng loạt thác nước và hang động.

Khu vực này còn có những khu rừng sồi, thông và rừng hỗn giao xung quanh, là nơi cư trú cho các loài động vật thuộc họ nhà gấu, chó sói và chim. Ảnh: iStock.

Hồ Nyos ở phía tây bắc Cameroon hình thành trên miệng núi lửa cách đây 400 năm. Nước hồ có lượng khí CO2 bão hòa rất cao.

Hiện tượng phun trào CO2 của hồ vào năm 1986 đã khiến 1.700 người và 3.500 gia súc xung quanh hồ chết do ngạt thở. Ảnh: Fabian Plock.

Biển Aral là một trong 4 hồ nước lớn nhất thế giới, nhưng ngày nay nó chỉ còn khoảng 10% diện tích ban đầu.

Kể từ năm 1960, biển Aral thu hẹp lại đáng kể do thiếu kiểm soát nguồn nước và các dự án xây dựng đập ở Liên Xô trước đây. Ảnh: NASA.

Hồ Pitch nằm ở làng La Brea phía tây nam Trinidad là hồ nhựa đường lớn nhất thế giới, với diện tích khoảng 40ha và sâu 75m. Hồ nhựa đường hình thành khi loại vật chất này rỉ ra từ mặt đất, tạo ra những vũng sệt lộ thiên.

Nhựa đường trong hồ Pitch dày đến mức có thể đi bộ trên bề mặt, nhưng nếu đứng yên quá lâu, mọi sinh vật có thể từ từ chìm xuống hồ. Ảnh: Anton Ivanov.

Hồ nước mặn nhất trên thế giới là Don Juan Pond, nằm ở Thung lũng khô McMurdo, Nam Cực. Nó có độ mặn trên 44%, gấp 12 lần so với nước biển.

Chính vì quá mặn nên hồ không bao giờ đóng băng, dù nằm ở cực Nam của Trái Đất. Ảnh: Flickr.

Biển Chết là một hồ nước trong đất liền, nằm giáp biên giới Jordan, Israel và Palestine, theo Live Science. Nó được công nhận là một trong những hồ nước có độ mặn cao nhất thế giới, với độ mặn gần gấp 10 lần nước biển bình thường.

Không một loài cá, chim hay thực vật nào sống được trong môi trường có độ mặn cao ở Biển Chết. Ảnh: Wikimedia.

Hồ Balkhash nằm ở Kazakhsta là hồ lớn thứ 15 trên thế giới. Hồ này rất đặc biệt vì một nửa hồ chứa nước ngọt và nửa hồ còn lại chứa nước mặn. Ảnh: NASA.

Hồ Baikal, Nga, được xem là hồ nước ngọt sâu nhất và cổ xưa nhất trên Trái Đất, hình thành khoảng 20 - 25 triệu năm trước từ vết nứt trong lục địa.

Nơi sâu nhất của hồ lên đến 1,6km. Hồ Baikal chứa khoảng 20% lượng nước ngọt trên thế giới, do có hơn 300 dòng sông và con suối đổ vào. Ảnh: Kyle Taylor.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ