Có một Điện Biên như thế

GD&TĐ - Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc ở Điện Biên!

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, biểu tượng cho sự đoàn kết, lòng yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, biểu tượng cho sự đoàn kết, lòng yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam

Yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng và sự chỉ đạo sát sao Ủy ban kháng chiến hành chính, đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu (cũ) nay được tách thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu đã đóng góp nhiều sức người, sức của vào chiến thắng chung của cả nước, bao gồm 2.666 tấn gạo (vượt 64 tấn), 226 tấn thịt (vượt 43 tấn), 210 tấn rau xanh; huy động được 16.972 dân công, tính ra ngày công bằng 568.139 ngày, 348 ngựa thồ; 62 thuyền, hàng trăm mảng; góp 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội vượt qua.

Đó là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu, trong điều kiện đời sống của đồng bào còn khó khăn, thiếu thốn, có vùng không đủ ăn, không đủ mặc, nhưng khi biết bộ đội đến đánh đuổi giặc Pháp xâm lược, những kẻ trước đó cướp của, giết người, cào nhà, phá bản của dân nên đồng bào sẵn sàng "đói hơn", vất vả hơn để nhường lương thực cho bộ đội, đã cho thấy tinh thần "cả nước cùng ra trận" đúng như những lời nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Quân và dân ta vận chuyển lương thực lên chiến trường Điện Biên
Quân và dân ta vận chuyển lương thực lên chiến trường Điện Biên 

Đối với Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung, chiến thắng Điện Biên Phủ đã chấm dứt hoàn toàn sự chiếm đóng, áp bức, bóc lột của thực dân Pháp; mang lại cuộc sống tự do cho đồng bào các dân tộc tỉnh trong tỉnh và cả khu vực Tây Bắc.

Sau chiến thắng, đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên) phấn khởi tập trung khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi; phát động phong trào toàn dân đẩy lùi giặc dốt - xóa mù chữ; tăng cường công tác vệ sinh phòng dịch và chăm sóc sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa, đẩy lùi tệ nạn mê tín dị đoan, vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất, chú trọng đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, hệ thống bệnh viện, trường học, trạm y tế... vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; tích cực đóng góp sức người, sức của cùng quân và dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Sau khi tỉnh Điện Biên được thành lập, dưới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước; cùng sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, tỉnh đã tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đạt nhiều thành tựu, kết quả quan trọng.

Nỗ lực đi lên

Mặc dù luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm thường xuyên, Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân 19 dân tộc anh em trong tỉnh cũng luôn hết sức cố gắng, song Điện Biên hôm nay vẫn chưa thoát khỏi tỉnh nghèo.

Bởi thế, trong những năm qua, các thế hệ lãnh đạo ở tỉnh Điện Biên luôn đau đáu tìm hướng đi lên. Ông Lê Văn Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khẳng định, trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, Điện Biên đã lựa chọn và đang thực hiện 3 khâu đột phá với mong muốn sớm đưa Điện Biên sánh kịp với các tỉnh trung bình khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Một góc của Thành phố Điện Biên Phủ
Một góc của Thành phố Điện Biên Phủ 

Thứ nhất là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị. Tỉnh Điện Biên đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện mạng lưới giao thông, liên kết giữa các vùng trong tỉnh, với các tỉnh trong khu vực, ưu tiên nâng cấp mở rộng sân bay Điện Biên Phủ theo quy hoạch điều chỉnh được duyệt; khai thác nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển.

Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa bàn vùng cao, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Xây dựng thành phố Điện Biên Phủ đến năm 2020 đáp ứng tiêu chí đô thị loại II và là trung tâm kinh tế khu vực Tây Bắc. Xây dựng thị xã Mường Lay trở thành thị xã Văn hóa - Du lịch giai đoạn 2015-2020 và trở thành đô thị loại III vào năm 2025.

Thứ hai, đó là tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng nhằm mục tiêu: phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của tỉnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông, lâm nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ; đáp ứng nhu cầu của xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững; củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh; Xây dựng tỉnh Điện Biên trở thành một trong các trung tâm đào tạo nghề của khu vực Tây Bắc.

Song song với đó là việc nâng cao trình độ học vấn, trình độ nghề cho lao động; Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ chuyên môn, năng lực tiếp nhận, chuyển giao khoa học, công nghệ của quốc gia và khu vực ở một số lĩnh vực. Điện Biên còn xây dựng đội ngũ doanh nhân, chuyên gia, quản trị doanh nghiệp, có năng lực tổ chức sản xuất, kinh doanh thích ứng với cơ chế thị trường.

Thứ ba, đó là đột phá về thể chế. Để làm được điều này, tỉnh Điện Biên đã kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương vào điều kiện thực tế của tỉnh để hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khai thác tiền năng lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.