Báo động tình trạng trẻ em bị bắt cóc
Gần đây liên tiếp tiếp xảy ra tình trạng trẻ em bị bắt cóc, một số trường trên địa bàn TP HCM phải dán thông báo trước cổng để phụ huynh cùng giáo viên cảnh giác.
Trước đó, chị Nguyễn Thị Bé Hai (35 tuổi, ngụ quận Tân Bình) bị kẻ xấu giật con 5 tuổi nhưng không thành trên đường Tân Bình.
Bé Lê Thanh Bích Ngọc (học sinh lớp 3, Trường tiểu học Phù Đổng, quận 7) bị một thanh niên chạy xe Wave cùng phụ nữ mặc áo tím dụ dỗ lên xe chở đến quận 8, lột hết tài sản rồi thả bé xuống.
Tại Đà Lạt, Lâm Đồng, Phòng GD&ĐT thành phố đã có thông báo đến các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn, đề nghị nâng cao cảnh giác trước tình trạng người lạ đến trường dụ dỗ học sinh.
Trên thực tế, tại Đà Lạt, một số học sinh (chủ yếu bậc tiểu học) bị người lạ dụ dỗ, ép buộc lên xe chở đi sau giờ tan trường.
Đây không phải lần đầu tiên tình trạng bắt cóc trẻ em đáng báo động. Trước đó, tháng tháng 6/2015, một clip mang tên Bắt cóc trẻ em với thông điệp “Chỉ vài giây bất cẩn, có thể bạn sẽ vĩnh viễn mất đi đứa trẻ của mình” thức tỉnh nhiều người.
Dạy cho trẻ lối sống độc lập là điều cha mẹ nên làm ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Tuy nhiên làm thế nào để trẻ có thể tự mình độc lập mà vẫn an toàn, tránh khỏi những nguy hiểm?
Không tiết lộ tên con
Tuyệt đối bạn không nên viết tên trẻ lên đồ dùng cá nhân, điều này sẽ khiến người lạ dễ dàng tiếp cận được thông tin của bé.
Thay vào đó, cha mẹ nên viết số điện thoại của mình lên đó, điều này sẽ có ích khi món đồ bị thất lạc, mất cắp hay trẻ bị lạc.
Chạy ngược lại xe đang tới gần
- Các nghiên cứu chỉ ra rằng: 28% kẻ bắt cóc sẽ lừa trẻ lên xe; 25% dùng kẹo, tiền hay động vật để dụ dỗ bé; 18% kẻ nhờ làm giúp việc gì đó. Vì vậy, cha mẹ nên dạy con rằng một người lớn hay người cần giúp đỡ sẽ không yêu cầu trẻ con mà sẽ nhờ những người lớn khác.
Một người lớn tốt bụng sẽ không nhờ con dẫn đường, nhờ cùng đi tìm “một chú chó con bị thất lạc” hay nói với con rằng cha mẹ con đang gặp rắc rối và họ sẽ đưa con đi gặp cha mẹ.
Cha mẹ hãy dạy bé tuyệt đối không được phép đến gần xe của người lạ. Chưa hết, cần dạy bé thêm một quy tắc nữa: Nếu một chiếc xe tới gần và người trong xe đang cố gắng thu hút sự chú ý của bé, hãy nhanh chóng chạy theo hướng ngược lại. Điều này sẽ giúp người lạ khó xoay sở, đồng thời trẻ sẽ có thời gian gọi người giúp đỡ.
Nghĩ ra mật khẩu cho bé
Giữa cha mẹ và bé nên có mật khẩu riêng. Ví dụ một ngày khi bé ở trường, có người lạ tới gặp và nói muốn đưa bé về, điều bé cần làm là hỏi lại: “Bố mẹ cháu tên là gì? Mật khẩu nhà cháu là gì?”.
Bạn nên nghĩ ra một mật khẩu ít người nghĩ đến nhưng lại dễ nhớ nhất, ví dụ như “mèo tơ lông vàng”.
Cài đặt định vị
Ngày nay, đã có nhiều phụ huynh cho phép trẻ được mang điện thoại tới trường. Cha mẹ có thể qua đó kiểm soát bé dễ dàng hơn. Nhờ chức năng GPS, các ứng dụng như Life360 Locator hay GPS Phone Tracker cho phép bạn giám sát nơi ở chính xác của con và mức pin của điện thoại của bé.
Dùng thiết bị có nút khẩn cấp
Các thiết bị có nút khẩn cấp như BuddyTag, Major-GSM Panic có thể gắn với đồng hồ, chìa khóa… với chức năng này cha mẹ có thể quản lý được lịch trình của con, hoặc khi khẩn cấp, trẻ bấm nút này cha mẹ có thể nhận được tín hiệu.
Ngừng trò chuyện và giữ khoảng cách
Bạn nên dạy con tuyệt đối không được nói chuyện với người lạ. Nếu cuộc trò chuyện kéo dài hơn 5 – 7 giây, bé nên di chuyển ra chỗ khác ngay lập tức. Nếu người lạ tiến lại gần bé, hãy lùi ra sau, duy trì khoảng cách 2 mét. Hãy dạy cho bé khoảng cách 2 mét là thế nào, nhấn mạnh rằng luôn giữ khoảng cách đó dù chuyện gì đi nữa.
Không để người lạ biết rằng cha mẹ vắng nhà
Hãy dạy bé, khi bé ở nhà một mình mà có tiếng gõ cửa, nhất định không được phép mở ra. Nếu trẻ hỏi “ai đấy” mà không có tiếng đáp lại thì trẻ phải gọi điện cho bố mẹ ngay lập tức.
Ngoài ra, trẻ không nên cho người lạ biết rằng bố mẹ không ở nhà, dù người lạ khẳng định họ là bạn của bố mẹ, hoặc là người đến sửa điện đi nữa.
Không để con lên mạng nói chuyện với người lạ
Mạng xã hội là một cạm bẫy rất lớn với trẻ, chính vì thế cha mẹ nên hạn chế con sử dụng mạng khi con còn nhỏ. Hoặc khi trẻ đã đủ lớn, bạn nên giải thích cho con hiểu những nguy hiểm tiềm tàng.
Hãy cảnh báo với trẻ rằng ngày nay tội phạm có thể tìm thấy con mồi thông qua internet, và rằng nếu người bạn trên mạng nói bất cứ điều gì thì không có nghĩa rằng họ nói thật. Việc trò chuyện với người trên mạng khiến bé dễ rơi vào nguy hiểm.
Trẻ phải nhớ không được nói với người lạ – kể cả trẻ con – số điện thoại, tên, địa chỉ của mình. Trẻ nên từ chối việc gặp riêng người lạ quen qua mạng.
Không vào thang máy với người lạ
Hãy dạy trẻ khi chờ thang máy nên dựa lưng vào tường, học cách quan sát. Nếu một người bước vào thang máy và rủ bé vào cùng, bé nên từ chối không vào theo. Tốt nhất là giả vờ quên gì đó để rời đi. Nếu người kia kiên trì mời bé vào thang máy cùng, trẻ nên đáp lại lịch sự “Bố mẹ dặn cháu chỉ đi thang máy một mình hoặc cùng hàng xóm”.
La thật to
Nếu bị một ai đó dùng vũ lực kéo đi, con đừng hoảng sợ, hãy hét to "đây không phải là bố mẹ cháu" khi đang ở nơi đông người.
- Điều này nghe có vẻ dị biệt, nhưng con hãy tập “hét”. Một tiếng hét to, dài sẽ cảnh báo kẻ bắt cóc rằng con không dễ bắt nạt. Tiếng hét to cũng sẽ giúp con tự tin hơn, cho con dũng cảm để bỏ chạy, tuy nhiên chỉ nên hét to khi đang ở nơi đông người.