10 dấu ấn tiêu biểu Công an Thủ đô năm 2022

GD&TĐ - Công an thành phố Hà Nội đã công bố 10 dấu ấn tiêu biểu của Công an Thủ đô năm 2022.

Hình ảnh Công an TP Hà Nội.
Hình ảnh Công an TP Hà Nội.

10 dấu ấn tiêu biểu Công an Thủ đô năm 2022 gồm:

1. Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) diễn ra trên địa bàn Thành phố.

Năm 2022, Công an TP Hà Nội tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp, lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn gần 2.000 lượt kỳ, cuộc, sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội diễn ra trên địa bàn Thành phố; đặc biệt là Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) – sự kiện thể thao lớn nhất khu vực. Quá trình thực hiện, CBCS Công an Thành phố đã nêu tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, các đơn vị của Bộ Công an và thành phố Hà Nội, huy động được sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp Nhân dân Thủ đô… góp phần đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Thành uỷ, UBND Thành phố giao.

2. Kiềm chế, kéo giảm tội phạm và vi phạm pháp luật, tạo môi trường ổn định, an ninh, an toàn, phục vụ hiệu quả phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của Thủ đô.

Năm 2022, Công an TP Hà Nội đã triển khai toàn diện các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần phục vụ đắc lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Thủ đô, sau đại dịch Covid-19. Qua đó kéo giảm 19,8% (so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát) số vụ phạm tội về TTXH; tỉ lệ điều tra khám phá các vụ án đã vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều được tập trung, khẩn trương điều tra làm rõ...

3. Triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) trên địa bàn TP Hà Nội.

Công an TP Hà Nội là đơn vị đi đầu của TP Hà Nội trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, trong đó đã triển khai 54 dịch vụ công tiếp nhận hoàn toàn trực tuyến từ ngày 10/10/2022 (với tỷ lệ tiếp nhận trực tuyến là 100%), 22 dịch vụ công phấn đấu tiếp nhận hoàn toàn trực tuyến từ ngày 1/1/2023, đem lại hiệu ứng tích cực, được nhân dân Thủ đô đồng tình ủng hộ, đánh giá cao và được Bộ Công an phổ biến, nhân rộng trong toàn quốc.

4. Tập trung xây dựng công tác cán bộ thực sự trở thành khâu “then chốt của then chốt”.

Ngày 3/3, Đảng ủy Công an Thành phố ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Công an Thành phố đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đây là văn bản định hướng mang tính “xương sống” để các đơn vị trong Công an Thành phố từng bước xây dựng, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có tâm, có tầm, thực sự chuyên nghiệp chuyên sâu về trình độ nghiệp vụ, là chuyên gia trong lĩnh vực mình phụ trách, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô.

5. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chế, quy trình theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, đồng bộ, liên thông và linh hoạt”.

Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, xây dựng, đề xuất và ban hành 19 quy định, quy trình, quy chế trong các lĩnh vực công tác Công an, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp và đúng quy trình, quy định, qua đó tạo cơ sở pháp lý để lãnh đạo, chỉ đạo điều hành tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Thành phố đến Công an cơ sở.

Đồng thời, tăng cường mối quan hệ phối hợp, sự gắn kết chặt chẽ, liên kết hữu cơ giữa các đơn vị, các lực lượng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy trong Công an Thành phố.

6. Tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, để nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của Công an xã, thị trấn chính quy, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, giải quyết hiệu quả tình hình ANTT ngay tại cơ sở.

Năm 2022, Công an Thành phố đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của Công an xã, thị trấn chính quy. Đặc biệt, ngày 26/3, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với các đồng chí nữ Cảnh sát khu vực, Công an xã để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất kiến nghị của các đồng chí nữ công tác trực tiếp tại địa bàn cơ sở, trên cơ sở đó kịp thời có chính sách động viên, khích lệ phù hợp.

7. Phát động đợt học tập chính trị sâu rộng về gương dũng cảm của 03 liệt sỹ Công an Thủ đô “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Sự dũng cảm, quyết tâm chiến đấu của 3 liệt sỹ: Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng uý Đỗ Đức Việt, Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc thuộc Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an quận Cầu Giấy, hy sinh trong quá trình chữa cháy, là tấm gương sáng chói về ý chí chiến đấu, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Đồng thời, thể hiện phẩm chất cao đẹp của người Công an nhân dân “Bản lĩnh - Nhân văn - Vì nhân dân phục vụ”, sẵn sàng vì bình yên của cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân...

8. “Vinh quang chiến sỹ Cảnh sát Thủ đô với sứ mệnh bảo vệ bình yên”.

Công an TP Hà Nội đã tổ chức thành công chuỗi hoạt động ý nghĩa nhân dịp 60 năm ngày truyền thống của lực lượng CSND, được các cấp lãnh đạo đánh giá cao. Nổi bật nhất là việc tổ chức triển lãm quy mô, hoành tráng, trưng bày gần 1.000 hình ảnh, tư liệu, hiện vật khái quát quá trình 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng và buổi lễ mít tinh kỷ niệm, một chương trình nghệ thuật đặc biệt, kết hợp giữa các màn sử thi, phim tài liệu, giao lưu với các nhân chứng lịch sử trong hành trình 60 năm qua.

9. Câu lạc bộ Phản ứng nhanh hiến máu tình nguyện Tuổi trẻ Công an Thủ đô đạt giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2022.

Thành lập từ ngày 14/6/2021, với 6.687 thành viên, Câu lạc bộ Phản ứng nhanh hiến máu tình nguyện Tuổi trẻ Công an Thủ đô đã huy động hiến máu khẩn cấp, hỗ trợ cấp cứu 42 bệnh nhân vượt qua nguy hiểm, vận động 6.751 lượt thành viên tham gia hiến máu, thu về 5.882 đơn vị máu an toàn, được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương ghi nhận là mô hình câu lạc bộ hiến máu có quy mô lớn nhất trong toàn lực lượng Công an nhân dân...

Năm 2022, đã vinh dự được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia và được cộng đồng mạng bình chọn là tổ chức uy tín, hiệu quả nhất.

10. Công an thành phố Hà Nội vinh dự được tiếp quản Câu lạc bộ bóng đá Công an nhân dân.

Thực hiện “Đề án phát triển Câu lạc bộ Bóng đá CAND theo hướng chuyên nghiệp”, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã chỉ đạo chuyển giao Câu lạc bộ bóng đá Công an nhân dân về Công an TP Hà Nội quản lý và đổi tên thành Câu lạc bộ bóng đá Công an Hà Nội với kỳ vọng sẽ tiếp nối truyền thống của một đội bóng từng 4 lần đoạt chức vô địch toàn quốc, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba, là niềm tự hào của người hâm mộ và cán bộ chiến sĩ Công an Thủ đô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...