10 dấu ấn của ngành giáo dục TPHCM năm 2023

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sở GD&ĐT TPHCM vừa công bố 10 dấu ấn của ngành giáo dục TPHCM trong năm 2023.

Trẻ mầm non TPHCM tham gia chương trình “Năng lượng mới - cả ngày vui”.
Trẻ mầm non TPHCM tham gia chương trình “Năng lượng mới - cả ngày vui”.

Chuyển đổi số-nền tảng cơ bản đổi mới giáo dục

Năm 2023 đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của ngành giáo dục TPHCM trong chuyển đổi số giáo dục. Với việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành, xác thực với Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia của Đề án 06 đạt 90%, là nền tảng cơ bản cho các giải pháp chuyển đổi số khác.

Ngành giáo dục đã áp dụng bản đồ GIS để thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn. Bên cạnh đó, ngành giáo dục thực hiện mô hình lớp học số tại những nơi có điều kiện khó khăn, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên các bộ môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mĩ thuật. Đưa vào sử dụng hệ sinh thái giáo dục thông minh, thư viện thông minh, phòng thí nghiệm thực hành hiện đại, xây dựng và phát triển học liệu số ở tất cả các môn học thuộc Chương trình GDPT 2018.

Toàn ngành giáo dục TP phấn đấu thực hiện công trình xây dựng 50 trường học số chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Nâng cao thể lực, tầm vóc giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện

Ngành giáo dục mầm non TP trong năm qua đã đẩy mạnh các hoạt động xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đổi mới các bài tập vận động. Năm 2023, Sở GD&ĐT đã triển khai thành công sự kiện “Năng lượng mới - cả ngày vui” góp phần nâng cao tầm vóc Việt cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu đời. Sự kiện đã có sức lan tỏa sâu rộng: 100% các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ tham gia từ cấp cơ sở đến quận, huyện.

Lớp học thông minh tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức).

Lớp học thông minh tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức).

Đổi mới dạy học trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018

Việc triển khai chương trình GDPT 2018 đã được Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị thực hiện một cách nghiêm túc, chú trọng thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Giáo dục Tiểu học đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học lịch sử thông qua các hoạt động phong phú, đa dạng như: Tổ chức Hội thi nhạc kịch lịch sử bằng tiếng Anh lần lượt từ cấp trường, cấp quận huyện đến cấp TP, đây là sân chơi giúp các em học sinh có khả năng giới thiệu về lịch sử Việt Nam và lịch sử TPHCM bằng tiếng Anh khi giao lưu và giao tiếp với học sinh và khách quốc tế và Ngày hội “Em yêu sử Việt” tại trường với các trò chơi, múa dân vũ, xem các phim lịch sử, phim hoạt hình về lịch sử Việt Nam, các hoạt động đố vui...giúp học sinh tiếp thu kiến thức lịch sử một cách nhẹ nhàng, vui tươi.

100% học sinh THCS được hỗ trợ học phí

Ngành giáo dục và đào tạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/2023/NQ-HĐND về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn TPHCM trong năm học 2023-2024. Trên cơ sở vận dụng chính sách hỗ trợ học phí theo Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND đã thực hiện cho năm học 2022-2023, Nghị quyết số 36/2023/NQ-HĐND đã có đột phá mới: Áp dụng sớm 2 năm so với lộ trình miễn học phí đối với học sinh THCS quy định tại khoản 9 Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ: “9. Học sinh trung học cơ sở không thuộc đối tượng quy định tại khoản 8 Điều này được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026 (được hưởng từ ngày 1/9/2025)”.

Kinh phí thực hiện miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở là 1.114 tỷ đồng (Công lập: 1.053 tỷ đồng, Ngoài công lập: 61 tỷ đồng).

Thực hiện trường học hạnh phúc

TPHCM là một trong những đơn vị đi đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện bộ tiêu chí trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc với 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn: Về con người, về dạy học và hoạt động giáo dục, về môi trường; dựa trên nguyên lí trải nghiệm hạnh phúc của con người: Kết nối với bản thân - Kết nối với người khác - Kết nối với thế giới tự nhiên. Mục tiêu hướng tới là góp phần xây dựng hình ảnh con người TPHCM “Sống tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo”, hình thành mối quan hệ tốt đẹp trong mỗi nhà trường, là nơi hình thành tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp, tạo môi trường giáo dục thân thiện, học tập tích cực.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Trong năm qua, ngành Giáo dục TP đã triển khai nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên ngành giáo dục tổ chức hội nghị đối thoại cùng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực giáo dục đào tạo nhằm lắng nghe doanh nghiệp trình bày những vấn đề đang gặp khó khăn, đang còn thắc mắc cần giải đáp.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Năm 2023, ngành GD&ĐT đã triển khai thực hiện xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

100% cơ sở giáo dục đã xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh một cách trang trọng, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế cả về văn hóa vật thể, phi vật thể, trên không gian mạng, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình thực hiện.

Toàn Thành phố có hơn 1.418 mô hình, công trình vật thể trưng bày tại trường học.
Tuyển dụng viên chức, thu hút nhân tài

Sở GD&ĐT đã tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm tìm kiếm nguồn cán bộ quản lý chất lượng cho cơ sở giáo dục trong năm học 2023 – 2024; đồng thời triển khai tuyển dụng viên chức viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo quy định hiện hành .

Sở Giáo dục và Đào tạo là một trong những đơn vị của Thành phố tiên phong trong công tác tuyển dụng viên chức từ nguồn sinh viên xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục chung của Thành phố.

Xã hội học tập

Trong năm 2023, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” năm 2023 trên địa bàn Thành phố và Quyết định 2914/QĐ-UBND về quy định tạm thời chuẩn phổ cập bậc trung học trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023 – 2030, tổ chức triển khai đến Ban chỉ đạo các quận huyện và Thành phố Thủ Đức thực hiện; Sở GD&ĐT đã hoàn thành xây dựng và sử dụng hệ thống dữ liệu dùng chung cho toàn Thành phố phục vụ công tác Phổ cập giáo dục – Xóa mù chữ.

Hội thảo của Hội đồng Hiệu trưởng khối ngành sức khỏe.

Hội thảo của Hội đồng Hiệu trưởng khối ngành sức khỏe.

Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học

Hội đồng Hiệu trưởng các Trường Đại học trên địa bàn TPHCM là tổ chức đặc thù cấp tỉnh được thành lập đầu tiên tại TPHCM so với cả nước, có chức năng giúp Ủy ban nhân dân TP triển khai thực hiện một số nội dung nhiệm vụ về việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học trên địa bàn.

Trong năm 2023, Hội đồng Hiệu trưởng TP được kiện toàn và mở rộng thành viên tham gia là các trường thành viên thuộc Đại học Quốc gia TPHCM và các trường thuộc Bộ Quốc phòng, Công an, đồng thời đẩy mạnh Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020-2035 và Đại học chia sẻ.

Các Trường Đại học thành viên Hội đồng Hiệu trưởng TPHCM đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học cấp Thành phố và quốc tế, khai thác góc nhìn học thuật của các nhà khoa học đối với các vấn đề thực tiễn của TP, làm cơ sở để Thành phố nghiên cứu, ban hành các chiến lược xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ