1 người lập 116 công ty trong 4 tháng, Cục Thuế TPHCM nói gì?

GD&TĐ - Đại diện Cục Thuế TPHCM vừa trả lời liên quan việc 1 người mở liên tiếp 116 công ty tại TPHCM chỉ trong 4 tháng (từ 12/2023 đến 3/2024).

1 người lập 116 công ty trong 4 tháng, Cục Thuế TPHCM nói gì?

Một cá nhân lập tới 116 doanh nghiệp trong 4 tháng

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho hay, ngày 19/6, Chi cục Thuế quận 6 đã có văn bản cảnh báo gửi Cục Thuế TPHCM và các chi cục thuế trên địa bàn TPHCM về việc phát hiện bà Nguyễn Thị Hương (SN 1990, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đang làm đại diện pháp luật cho 116 công ty trên địa bàn TPHCM.

Chi cục Thuế quận 6 đã kết hợp với UBND phường kiểm tra xác minh thực tế trụ sở của 5 công ty trên địa bàn quận này. Kết quả cho thấy 5 công ty đều không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Từ đó, Cục Thuế TPHCM cũng tổ chức rà soát và phát hiện 116 công ty này đều chưa có hoạt động kinh doanh, chưa đăng ký xuất hóa đơn. Các công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, có nơi địa chỉ không đúng.

116 công ty này đều đăng ký tại TPHCM và đăng ký với tên nước ngoài.

Người dân khai thuế tại Chi cục Thuế quận 1. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Người dân khai thuế tại Chi cục Thuế quận 1. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Địa chỉ các doanh nghiệp này gồm 5 doanh nghiệp đăng ký địa chỉ tại quận 6, 22 doanh nghiệp ở quận Tân Bình, 15 doanh nghiệp ở quận Tân Phú, 11 doanh nghiệp tại TP Thủ Đức, 10 doanh nghiệp đăng ký ở quận 10 và quận 7, 9 doanh nghiệp ở quận 5.

Còn lại ở các quận huyện khác của TPHCM cá nhân này đứng đại diện pháp luật thành lập từ 2 - 5 doanh nghiệp.

Ông Dũng cho hay, thời gian tới, Cục Thuế TPHCM sẽ mở rộng rà soát đối với những cá nhân sở hữu nhiều doanh nghiệp.

Theo đại diện Cục thuế TPHCM, hiện nay, quy định cấp phép thành lập doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư rất thoáng. Do vậy, thời gian qua nhiều trường hợp đã lợi dụng thành lập hàng loạt doanh nghiệp để mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT…

"Do vậy, sau khi doanh nghiệp thành lập, để được sử dụng hóa đơn điện tử, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp phải hiện diện để đối chiếu Căn cước công dân. Một mặt vừa phổ biến chính sách pháp luật về thuế nhưng một mặt là để nhận diện, nắm bắt, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ", ông Dũng nhấn mạnh.

Có sai luật?

Liên quan đến trường hợp cá nhân đứng tên nhiều doanh nghiệp, TS Kinh tế - Luật sư Lê Bá Thường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Văn hóa Doanh nghiệp cho hay, theo quy định, mỗi cá nhân nếu thành lập doanh nghiệp theo loại hình doanh nghiệp tư nhân thì mỗi người chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.

Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh (Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020).

Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Điều 56 Nghị định 122/2021/NĐ-CP).

TS Kinh tế - Luật sư Lê Bá Thường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Văn hóa Doanh nghiệp.

TS Kinh tế - Luật sư Lê Bá Thường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Văn hóa Doanh nghiệp.

Pháp luật chỉ không cho thành lập doanh nghiệp với người thuộc các trường hợp: Cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng Vũ trang nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp Nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự (Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020).

Do đó, pháp luật hiện hành không có quy định cấm một người thành lập nhiều doanh nghiệp với các loại hình công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.

Tuy nhiên, ông Thường cũng lưu ý, trường hợp doanh nghiệp mở nhiều văn phòng nhưng không thực hiện hoạt động kinh doanh tại đây mà lại thực hiện hoạt động kinh doanh ở một địa điểm khác nhưng không có thông báo với cơ quan chức năng thì sẽ vi phạm pháp luật quy định về trụ sở công ty (Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020).

"Nếu doanh nghiệp có hành vi kinh doanh không hoạt động tại trụ sở thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Điều 54 Nghị định 122/2021/NĐ-CP).

Doanh nghiệp còn có thể chịu hình phạt bổ sung nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần cụ thể là tước giấy phép kinh doanh từ 1 tháng đến 3 tháng, thậm chí sẽ bị đóng mã số thuế (điểm d, khoản 2 Điều 39 Luật Quản lý thuế 2019)", luật sư Lê Bá Thường nói.

Luật sư Lê Bá Thường cũng lưu ý những vi phạm dễ mắc phải khi thành lập nhiều doanh nghiệp:

Thứ nhất, nếu doanh nghiệp thành lập không có kinh doanh nghiêm túc đúng theo pháp luật mà có hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước thì tuỳ theo giá trị thu lợi bất chính sẽ có thể đối diện với hình phạt tù giam đến 3 năm (Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015).

Thứ 2, trường hợp người kinh doanh nhiều doanh nghiệp mà có hành vi trốn thuế thì tuỳ theo giá trị và hành vi vi phạm có thể đối diện với tù giam đến 7 năm (Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.