Có ý kiến cho rằng, việc TPHCM triển khai các chương trình quét mã QR để truy xuất nguồn gốc rau sạch chỉ là biện pháp mà người tiêu dùng phải bỏ tiền ra để mua niềm tin cho chính mình. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc rau sạch đã được Sở NNPTNT triển khai trong thời gian dài vừa qua, thông qua việc kiểm soát chất lượng tại các hộ sản xuất, hướng dẫn nông dân canh tác theo VietGAP hay như các biện pháp lấy mẫu, kiểm tra nhanh các lô hàng trước khi đưa ra thị trường…
Việc dán thêm mã QR chỉ là biện pháp tăng cường niềm tin cho người tiêu dùng. Thời gian tới, thành phố sẽ tiến hành xây dựng bản đồ số hóa các vùng sản xuất rau sạch, bản đồ này sẽ được tích hợp và con tem truy xuất nguồn gốc. Khi đó, khi quét mã QR, người tiêu dùng sẽ biết vùng sản xuất rau này có đủ tiêu chuẩn không, hộ sản xuất có VietGAP chưa…
Vì quá nhiều chương trình, mục tiêu nên đã dẫn đến tình trạng 1 gói rau của TP.HCM nhưng có đến 4 con tem xác nhận chất lượng sản phẩm, gồm nhãn VietGAP, tem “Chuỗi thực phẩm an toàn” của TPHCM, tem truy xuất nguồn gốc của Sở NNPTNT và tem truy xuất của riêng đơn vị sản xuất. Như vậy, có lãng phí, chồng chéo không, thưa bà?
- Hiện tại chương trình truy xuất nguồn gốc đang chạy thí điểm, do đó, trong thời gian tới, các con tem này sẽ được nghiên cứu tích hợp vào một, hạn chế việc chồng chéo, lãng phí.
Dù được nhiều người đồng tình, ủng hộ, một số ý kiến cho rằng TPHCM vẫn đang “rối bời” vì chất lượng vệ sinh thực phẩm. Vì thế mới có chuyện, cả Sở NNPTNT, Sở Công Thương và nhiều cơ quan khác thực hiện các chương trình truy xuất nguồn gốc rau, thịt?
- Chương trình “Truy xuất nguồn gốc rau sạch” của Sở NNPTNT TPHCM sẽ giúp cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát chất lượng sản phẩm rau củ quả khi đưa đến tay người tiêu dùng.
Nông nghiệp TP.HCM chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu rau củ. Số còn lại phải nhập từ các tỉnh khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn hơn.
Còn đối với Sở Công Thương TPHCM, sắp tới, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu để phối hợp thực hiện các chương trình, sẽ có sự thống nhất giữa hai Sở để không chồng chéo chỗ này, thiếu sót chỗ kia.
Xin cảm ơn bà!