Yêu thương sai - vô tình tước kỹ năng sống của con

Yêu thương sai - vô tình tước kỹ năng sống của con

"Đau đầu" vì con không biết làm việc nhà

Chị Nguyễn Kiều Trang - một nhân viên văn phòng tại Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, do khá chiều chuộng con, nên ít khi vợ chồng chị để trẻ phải làm việc nhà.

"Các cháu phải đi học khá vất vả, ngoài giờ học trên lớp còn đi học thêm nhiều môn khác. Vì thế, tôi thương con và không bắt cháu phải làm việc nhà".

Nữ phụ huynh cho biết, ở lứa tuổi này, các cháu chỉ nên tập trung vào việc học và có thể vui chơi vào những lúc rảnh rỗi, thay vì vướng bận công việc nhà. Tới nay, con chị Trang dù đã học lớp 8 nhưng không biết tự nấu cơm. Kết quả là, không ít lần vợ chồng chị Trang rơi vào tình cảnh "trớ trêu".

"Thi thoảng vợ chồng tôi phải tăng ca nên về muộn. Nhiều khi rất muốn con có thể tự nấu một số món đơn giản và ăn trước. Tuy nhiên, do không phải làm việc nhà bao giờ, nên cháu thậm chí không biết vị trí nồi, niêu trong nhà. Có những hôm con chờ tới muộn để mẹ về nấu cơm", chị Trang nói.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh lại chọn cách dạy con làm việc nhà từ khi còn nhỏ. Anh Hoàng Linh - chủ một spa tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, bé Bi con anh được rèn tinh thần trách nhiệm với gia đình bằng cách làm việc nhà. Do đặc thù nghề nghiệp, vợ chồng anh thường bận rộn ngay cả ngoài giờ hành chính. Vì vậy, mới lớp 5 nhưng bé Bi thường đổ rác và rửa bát cho bố mẹ.

"Vợ chồng tôi khá yên tâm vì con trai có thể phụ giúp bố mẹ những việc nhà đơn giản. Thậm chí, bé Bi nhà tôi còn có thể đi bộ qua trường mầm non gần nhà để đón em về", anh Linh tâm sự.

Yêu thương sai - vô tình tước kỹ năng sống của con ảnh 1
Trẻ có thể được rèn luyện kỹ năng từ các công việc nhà. Ảnh minh họa.

Rèn khả năng tập trung

Chị Nguyễn Thu Hiền - giáo viên kỹ năng sống tại Câu lạc bộ Kỹ năng sống Cara (Hà Nội), cho biết: "Trẻ từ 4 tuổi trở lên bắt đầu có thể tham gia việc nhà, giúp bố mẹ làm những việc nhỏ như gấp quần áo, tưới cây, dọn dẹp đồ chơi… 

Bố mẹ có thể rủ các con cùng hỗ trợ mình làm việc nhà. Hoạt động này sẽ giúp trẻ sớm có ý thức giữ gìn nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ, rèn tính tự lập từ nhỏ và phần nào giúp trẻ rèn luyện kỹ năng sống và hiểu được sự vất vả của bố mẹ".

Theo nữ giáo viên này, nhiều trẻ tỏ ra không vui khi bố mẹ yêu cầu làm việc nhà. Chính vì vậy, để khuyến khích các con tự giác hơn, cha mẹ nên cho con hình thành thói quen này từ nhỏ.

"Một số người cho rằng, cha mẹ nên tập cho con làm việc nhà từ lúc ba tuổi. Số khác thì khuyên nên làm như vậy từ lúc con hai tuổi hoặc nhỏ hơn. Điều quan trọng là khi còn bé, con rất thích làm việc chung và bắt chước bố mẹ. Do đó, đây sẽ là thời điểm vàng để trẻ học tập, rèn luyện kỹ năng sống, đặc biệt là khả năng tập trung qua các hoạt động hằng ngày", chị Hiền nói.

Bên cạnh đó, để con hào hứng khi làm việc nhà, phụ huynh được khuyến khích nên giao việc phù hợp với độ tuổi của trẻ. Ví dụ, trẻ ba tuổi có thể dọn đồ chơi, phân loại đồ giặt hoặc biết lau sàn khi nước bị đổ ra. Trong khi đó, những trẻ lớn hơn có thể hút bụi, rửa xe và thậm chí là chuẩn bị bữa ăn.

"Hãy giao việc phù hợp với khả năng của con. Bố mẹ có thể sẽ ngạc nhiên khi thấy trẻ ngày càng thích làm việc nhà và tập trung hoàn thành công việc trong khoảng thời gian được giao phó", giáo viên kỹ năng sống chia sẻ. Bố mẹ cần hướng cho các con nhận thấy rằng, làm việc nhà là quan trọng. Tuy nhiên, trẻ sẽ khó để thực hiện được điều đó khi có nhiều bài tập.

Bài học hữu ích

"Theo cuốn The Price of Privilege, không cho con làm việc nhà vì muốn con đạt điểm cao "là dấu hiệu của việc đặt ưu tiên sai chỗ". Làm việc nhà sẽ giúp con học tốt hơn. Ngoài ra, con cũng học được những bài học hữu ích cho gia đình riêng sau này", nữ giáo viên nhấn mạnh.

Phụ huynh cần chú trọng tới mục tiêu thay vì kết quả khi con làm việc nhà. Có thể con làm việc nhà sẽ mất nhiều thời gian hơn bố mẹ nghĩ, hoặc làm chưa thực sự tốt. Tuy nhiên, khi đó, bố mẹ không nên làm thay cho con. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn để con làm xong việc.

"Mục tiêu không phải là để con làm việc nhà tốt như người lớn, mà là giúp con học cách trở thành người có trách nhiệm và tìm được niềm vui trong công việc, cũng như rèn luyện các kỹ năng sống quan trọng, đặc biệt là kỹ năng tập trung cho trẻ", chị Hiền cho biết.

Không ít ý kiến trái chiều được đưa ra về việc trả tiền để con làm việc nhà. Một số phụ huynh cho rằng, trả tiền công sẽ dạy con có trách nhiệm hơn khi làm việc nhà. 

Trái lại, không ít người nhận định, trả tiền để con làm việc nhà sẽ khiến con quan tâm đến những gì có thể lấy từ gia đình hơn là đóng góp. Thậm chí, một số người cảnh báo, nếu dùng cách này, con có thể không làm việc nhà nữa khi có đủ tiền - dấu hiệu cho thấy việc huấn luyện con đã mất tác dụng.

Theo chị Nguyễn Thu Hiền, hầu hết trẻ em tỏ ra hiếu động và rất khó giữ yên lặng hoặc ngồi không. Tuy nhiên, thay vì quát mắng con, phụ huynh có thể cho trẻ làm những việc nhà đơn giản.

"Dạy con làm việc nhà không những giúp trẻ rèn luyện kỹ năng sống, biết lắng nghe, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển, đặc biệt là rèn luyện kỹ năng ở bé", giáo viên kỹ năng sống nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...