Thay đổi lịch sử
V-League 2022 đã rơi vào trạng thái “trầm cảm” và thậm chí mất phương hướng ngay từ giai đoạn đầu. Lý do bởi, sân chơi chuyên nghiệp Việt Nam phải dừng thi đấu từ ngày 14/3 đến ngày 2/7 mới trở lại để dành thời gian cho các đội tuyển quốc gia làm nhiệm vụ.
Quãng nghỉ kéo dài gần 4 tháng đã khiến cho các câu lạc bộ hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề trong tâm trạng “ấm ức”, song không thể làm gì khác bởi khái niệm “ưu tiên nhiệm vụ quốc gia”.
Trước đó, V-League đã “chết lâm sàng” từ tháng 5/2021 do dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước. Đến tháng 8/2021, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các câu lạc bộ đã thống nhất hủy giải đấu 2021 vì không thể tổ chức tiếp tục do dịch bệnh.
Các đội bóng phải nghỉ thi đấu 9 tháng liên tục, cầu thủ, người lao động và hàng loạt các dịch vụ ăn theo mất thu nhập, câu lạc bộ bị cắt giảm tài trợ, mất nhiều nguồn thu...
Các câu lạc bộ bước vào mùa giải 2022 trong bức tranh toàn cảnh có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quá ưu ái cho nhiệm vụ ở các đội tuyển quốc gia, V-League buộc phải chịu thiệt thòi và đi kèm là những khoản chi rất lớn ngoài kế hoạch để duy trì cỗ máy chờ ngày giải đấu trở lại.
Thậm chí, nhiều bộ phận “ngồi chơi xơi nước” nhưng vẫn hưởng lương bởi việc trái bóng ngừng lăn nhường chỗ cho đội tuyển quốc gia không có trong hợp đồng.
Nhìn ở góc độ chuyên môn, huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm của Hải Phòng cho rằng, việc V-League dừng gần 4 tháng ảnh hưởng rất lớn đến các câu lạc bộ.
Cầu thủ đã được xác định điểm rơi phong độ từ đầu tháng 2/2022 nhưng chỉ đá 4 vòng rồi nghỉ 4 tháng. Đến lúc thi đấu trở lại, phải mất vài vòng đấu thì cầu thủ mới lấy lại được trạng thái tâm lý và phong độ. Ngoài ra, lãnh đạo các câu lạc bộ hao tổn thời gian và tiền bạc để quản quân, duy trì phong độ.
“Đội tuyển quốc gia đá vòng loại World Cup nằm trong lịch FIFA Days, V-League phải dừng là đúng. Nhưng V-League phải dừng cho đội tuyển U23 tập trung là điều vô lý.
Vì những áp lực thành tích ở đội tuyển quốc gia mà các nhà quản lý chưa quan tâm đến giải nếu V-League không tốt thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả ở đội tuyển quốc gia”, ông Nghiêm cho biết.
Lãnh đạo một đội bóng tham dự V-League ngao ngán cho rằng, không có nước nào trên thế giới lại cho giải vô địch quốc gia nghỉ vài tháng để các đội tuyển quốc gia làm nhiệm vụ như ở Việt Nam.
Các đội tuyển quốc gia của họ khi tập trung cũng chỉ tập vài ngày, thi đấu xong là trả quân cho câu lạc bộ. Việc thi đấu ở giải chuyên nghiệp là nền tảng để cầu thủ đạt phong độ tốt nhất khi được gọi vào đội tuyển. Do đó, quyết định “bắt” V-League dừng gần 4 tháng để ưu tiên cho đội tuyển là “điều quá vô lý”.
Trước những lời ca thán từ các câu lạc bộ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã đặt V-League vào sự khởi đầu mới.
Theo đó, kể từ cuối năm 2023, các giải vô địch quốc gia sẽ có sự điều chỉnh về thời gian. Mùa giải sẽ bắt đầu từ cuối năm trước và vắt sang đầu năm sau. Việc điều chỉnh thời gian tổ chức mùa giải mới sẽ mang lại một số thuận lợi như tối ưu hóa lịch thi đấu các giải, đồng bộ thị trường chuyển nhượng cầu thủ giữa châu Á và châu Âu.
Việc tổ chức theo hình thức mới cũng giúp thu hút sự quan tâm từ khán giả, đảm bảo sức khỏe cầu thủ, phân bổ đều hơn các trận đấu của câu lạc bộ hàng năm để duy trì sự cân bằng với các trận đấu của đội tuyển quốc gia.
Như vậy, để bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bắt nhịp với thể thức mới, VPF đề xuất tổ chức hai mùa V-League liên tục trong năm 2023. Cụ thể, V-League 2023 dự kiến tổ chức từ tháng 1/2023 đến 30/8/2023 và V-League 2023 - 2024 sẽ bắt đầu từ tháng 11/2023 đến 30/6/2024. Tháng 9 và 10/2023 là thời gian nghỉ để bóng đá Việt Nam chuẩn bị bước vào thay đổi lịch sử.
Trong năm 2023, đội tuyển Việt Nam sẽ tập trung và thi đấu trong khoảng 9 - 10 ngày ở đợt tháng 3, tháng 6 (trong quãng thời gian diễn ra V-League 2023). Ngoài ra, SEA Games 2023 dự kiến tổ chức từ 1 – 16/5. Bên cạnh đó, ASIAD 2022 dự kiến tổ chức từ 16/6 - 16/7/2023.
Trước tình hình này, VPF đề xuất phương án tổ chức V-League 2023 theo hình thức rút gọn, tương tự như V-League 2020 và 2021. Cụ thể, sau giai đoạn lượt đi, các đội sẽ tiến hành tách nhóm, chia hạng tranh chức vô địch và tranh suất trụ hạng.
Bình Định (bên trái) và SLNA đều là ứng cử viên vô địch. |
Nhận diện điểm nóng
V-League 2022 mới trải qua được 4 vòng đấu, nhưng đã chứng kiến rất nhiều thay đổi ở cabin huấn luyện. Điều đáng nói, những biến động trên ghế thuyền trưởng lại rơi vào hai đội bóng rất mạnh như Hà Nội FC và Viettel. Ngay trước vòng 1, ông Park Choong Kyun đã từ chức và sau đó Hà Nội FC đưa trợ lý Chun Jae Ho lên làm huấn luyện viên trưởng. Sau Hà Nội FC đến lượt Viettel. Đội bóng thuộc doanh nghiệp Quân đội đã đưa huấn luyện viên thể lực Bae Ji Won lên ngồi ghế huấn luyện trưởng, thay cho cựu tuyển thủ Trương Việt Hoàng.
Để thích ứng với “tình hình mới”, nghỉ 4 tháng, các câu lạc bộ tích cực tham dự các giải tập huấn, đá giao hữu. Cúp giao hữu tứ hùng Hải Phòng 2022 quy tụ 4 đội bóng gồm chủ nhà Hải Phòng, Hà Nội FC, HAGL và Viettel. Hà Nội FC đã giành chức vô địch.
Mới đây, giải giao hữu tứ hùng miền Trung 2022 với sự góp mặt của chủ nhà SLNA, HL Hà Tĩnh, Thanh Hóa và SHB Đà Nẵng, diễn ra trên sân Vinh.
Chủ nhà SLNA đã lên ngôi vô địch. Ở phía Nam, câu lạc bộ TPHCM, Sài Gòn FC, B.Bình Dương cũng tích cực đá giao hữu. Bình Định cũng Nam tiến làm một tour du đấu…
Việc các câu lạc bộ tự tổ chức các giải giao hữu để cho cầu thủ cọ xát, huấn luyện viên kiểm tra lực lượng được coi là bước chạy đà quan trọng quyết định đến sự thành bại.
Bởi sau thời gian dài phải làm lại nền tảng thể lực và rèn luyện kỹ chiến thuật, các đội bóng đều muốn quân của mình có được trạng thái tốt nhất, đặc biệt về tâm lý.
Sự quan trọng nằm ở chỗ, đây là cơ hội để các huấn luyện viên có thể kiểm tra nhân sự, thanh lọc lực lượng, hoàn thiện các mảng miếng chiến thuật... trước khi bước vào cuộc đua căng thẳng.
Bên cạnh đó, những ông thầy, nhất là người ngồi trên “ghế nóng” cũng không hề dễ thở bởi giai đoạn này có ý nghĩa quyết định thành bại không chỉ cho đội bóng, mà còn cả chiếc ghế của chính họ.
Đơn cử như cúp giao hữu tứ hùng ở Hải Phòng mới đây, câu lạc bộ Viettel với 3 trận không thắng đã đứng chót giải, qua đó khiến huấn luyện viên trưởng Trương Việt Hoàng mất việc. Lý do lãnh đạo đội Viettel thông báo với ông thầy họ Trương là “kết quả quá tệ ở giải đấu đã làm mất hình ảnh của đội bóng”.
Quyết định “trảm tướng” đầy bất ngờ và cũng khá khó hiểu của Viettel đã khiến cho nhiều huấn luyện viên có thể đối mặt nguy cơ mất việc bất cứ lúc nào. Huấn luyện viên Ljupko Petrovic như ngồi trên đống lửa bởi Thanh Hóa vừa đứng chót bảng ở giải giao hữu tứ hùng miền Trung 2022.
Thậm chí, người ta còn lo cho cả huấn luyện Kiatisak (HAGL) và Phan Thanh Hùng (SHB Đà Nẵng), bởi đội bóng của 2 chiến lược gia này có bước chuẩn bị không được như ý tại các giải giao hữu, thậm chí nhiều trận có kết quả... rất tệ.
Và cũng cần phải đề cập đến những ông thầy trẻ khác, như Nguyễn Huy Hoàng (SLNA), hay Phùng Thanh Phương (Sài Gòn FC).
Theo nhận định của giới chuyên môn, huấn luyện viên trưởng của đội bóng xứ Nghệ sẽ gặp nhiều thử thách nhất. Cựu trung vệ đội tuyển Việt Nam tiếp quản ghế nóng ở SLNA sau vòng 11 V-League 2021 khi người tiền nhiệm Ngô Quang Trường từ chức.
Vấn đề ở chỗ, nhà tài trợ Tân Long của SLNA sau khi cân nhắc đã quyết định đặt trọn niềm tin vào ê-kíp trẻ, Huy Hoàng và các trợ lý Như Thuật, Văn Quyến, Bùi Lê Minh. Đổi lại, đội bóng xứ Nghệ phải có huy chương V-League 2022.
Vì thế, mục tiêu tốp 3 V-League 2022 thực sự là áp lực đáng kể cho Huy Hoàng và các cầu thủ. Và với đội bóng có quá nhiều người giỏi, nhiều luồng quan điểm, tư tưởng trái chiều như SLNA, nếu ông thầy trẻ Huy Hoàng và các cộng sự không hoàn thành nhiệm vụ cũng đồng nghĩa khả năng mất ghế rất lớn.
Thậm chí, nếu đội bóng xứ Nghệ thi đấu không như mong muốn trong giai đoạn tới, không loại trừ khả năng, lãnh đạo Tân Long sẽ “thay ngựa giữa dòng”.
Trong khi đó, Sài Gòn FC sau khi thất bại với chiến lược Nhật hóa, huấn luyện viên Shimoda và 3 ngoại binh xứ Phù Tang dứt áo về nước, trợ lý Phùng Thanh Phương lên thay.
So với Huy Hoàng, huấn luyện viên họ Phùng có kinh nghiệm khi từng làm trợ lý tại câu lạc bộ Navibank (2010), U23 Việt Nam (2013) và gắn bó với 2 đội bóng chủ sân Thống Nhất từ 2014 đến nay.
Mặc dù vậy, sự kỳ vọng và tham vọng của lãnh đạo Sài Gòn FC vẫn rất lớn. Nếu ông Phương không đáp ứng được mong đợi, khả năng thay tướng ở Sài Gòn FC cũng rất dễ xảy ra.
Điểm nóng được chờ đợi nhất mùa này chính là cuộc đua vô địch giữa thế lực mới và cũ, giữa đội bóng lắm tiền mới nổi và những đội đã thành danh.
Việc chiêu mộ thành công trung vệ Đình Trọng ngoài ý nghĩa đột phá chuyên môn, còn là một biểu tượng cho khát vọng vươn lên của những đội bóng đang được đầu tư mạnh mẽ như Bình Định.
Ngoài ra, đội bóng này đưa về rất nhiều hợp đồng chất lượng như Tấn Tài, Thanh Hào, Tiến Duy, Đức Chinh, Hồng Quân, Jermier Lynch, Rafaelson, Hendrio để tạo dựng thành công đội hình trong mơ, hòng thay đổi cán cân quyền lực ở V-League.
SLNA từng là đế chế của bóng đá Việt Nam. Sự xuất hiện của nhà tài trợ mới, cùng túi tiền “khổng lồ” đã giúp đội bóng xứ Nghệ có điều kiện tăng cường lực lượng.
Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Hoàng đã trở lại trong khi hàng loạt trụ cột như đội trưởng Văn Khánh, Xuân Mạnh, Văn Đức, Văn Hoàng... lần lượt được gia hạn hợp đồng để yên tâm chiến đấu. Chất lượng ngoại binh được cải thiện. Điều đó giúp SLNA trở nên đáng gờm hơn rất nhiều.
Câu lạc bộ Hà Nội đã gặp khó khăn ở 2 mùa giải qua. Nhưng sẽ không ai dám loại họ ra khỏi cuộc đua vô địch khi đội bóng này vẫn sở hữu binh hùng, tướng mạnh. Không còn Đình Trọng, Hà Nội FC có Duy Mạnh và Thành Chung, hoặc 2 trung vệ trẻ đang lên là Việt Anh, Văn Tới.
Quang Hải ra đi, nhưng Văn Hậu trở lại kết hợp với những nội binh chất lượng như Hùng Dũng, Văn Kiên, Tấn Trường, Văn Quyết... và những bổ sung chất lượng từ các đội bóng vệ tinh như tuyển thủ Việt Nam Phạm Tuấn Hải (Hà Tĩnh), Hai Long (Quảng Ninh). Hà Nội vẫn luôn là thách thức lớn nhất với mọi đối thủ.
Viettel vừa thay tướng, nhưng có lẽ vấn đề của đội bóng còn ở góc độ khác. Đội bóng Quân đội vẫn sở hữu đội hình rất mạnh.
Đặc biệt trên hàng công, Geovane và Pedro Paulo đã chứng tỏ được sức mạnh sau 2 năm chơi ở V-League.
Viettel cũng khôn ngoan giữ chân được tiền vệ trụ người Uzbekistan Jaha Abdumuminov, cùng với chân sút người Brazil Caique. Bộ 3 chân sút người Brazil, cộng thêm khả năng đánh chặn và giữ nhịp của Jaha sẽ là nền tảng để họ khai thác hết sự tài hoa của Hoàng Đức. Và đừng quên Viettel vẫn luôn là lò đào tạo trẻ ổn định sản sinh những lứa cầu thủ chất lượng nhất V-League vài năm qua.
Sự trỗi dậy của Bình Định, SLNA cùng với Hà Nội FC và Viettel, chắc chắn sẽ khiến V-League 2022 trở thành giải đấu căng thẳng và khó lường nhất trong nhiều năm trở lại đây.