Ý thức vươn lên thoát nghèo từ những lá đơn làm thay đổi nhận thức

GD&TĐ - Việc bà con viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo là một tín hiệu tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại các huyện miền núi. Đây thực sự là những tấm gương đẹp, góp phần làm thay đổi nhận thức, xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại và cũng là động lực để các hộ nghèo khác nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Một trong những lá đơn xin thoát nghèo của người dân vùng khó khăn. Ảnh minh họa.
Một trong những lá đơn xin thoát nghèo của người dân vùng khó khăn. Ảnh minh họa.

Những lá đơn xin thoát nghèo

Chuyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo quả thật hơi hiếm. Bởi lâu nay, nhiều người dân vẫn mong muốn nhận được sự hỗ trợ của nhà nước dành cho những hộ nghèo và cận nghèo. Thậm chí, nhiều gia đình đã khấm khá hơn cũng không muốn thoát khỏi danh sách ấy, để con cái lớn lên đi học thêm hưởng lợi. Ấy vậy mà, lại có những lá đơn của những người nghèo xin thoát nghèo.

Anh Vương A Lý (Cẩm Sơn, Nghệ Anh) chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Sau khi được biết câu chuyện có cụ bà 83 tuổi còn vươn lên làm giầu để thoát khỏi danh sách hộ nghèo, thiết nghĩ vợ chồng tôi khỏe mạnh, cần phải nỗ lực hơn nữa để làm kinh tế. Chúng tôi đã đơn  xin ra khỏi danh sách hộ nghèo trong thôn”.

Trong đơn, anh Lý viết: “Tôi còn độ tuổi lao động, còn đủ sức lao động sản xuất, đảm bảo đời sống hàng ngày và đủ khả năng vươn lên xóa nghèo”.

Muốn thoát nghèo, ý thức, động lực của người dân là rất quan trọng, nhưng cần có cơ chế, mô hình hiệu quả để bà con triển khai, phát huy tiềm năng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng.

Chị Giàng Thị Xuân (Nậm Pồ, Điện Biên) cho biết: “Tôi là một đảng viên, gia đình nhiều năm thuộc diện cận nghèo, chiếu theo danh sách, quy định hiện hành thì đúng là gia đình tôi nghèo thật. Thế nhưng, tôi không thấy mình nghèo, bởi có rất nhiều người còn khổ hơn tôi. Là đảng viên, tôi xin rút ra khỏi danh sách hộ nghèo để góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội và cũng là để gia đình tự nỗ lực phấn đấu làm kinh tế”.

Chị Xuân cũng cho biết thêm, xin thoát nghèo trước hết là để không ỷ lại, trông chờ vào chế độ, chính sách, nhưng hơn hết, chị mong chính sách giúp đỡ người nghèo đến với những người dân còn nghèo hơn mình.

Ra khỏi hộ nghèo đồng nghĩa với việc gia đình sẽ không được nhận các khoản hỗ trợ cho hộ nghèo, chi phí bảo hiểm y tế cũng không còn được miễn giảm. Nhưng đó lại chính là động lực để cả gia đình quyết tâm xóa cảnh đói nghèo đã đeo bám nhiều năm.

Anh Lương Văn Hoàn – Thọ Xuân, Thanh Hóa, cũng từng viết đơn xin thoát nghèo. Anh viết: Gia đình tôi có ông, bà và 3 đứa con nhỏ, hai vợ chồng đều làm nông. Hồi mới cưới nhau, cuộc sống cũng rất vất vả, từ năm 2016 gia đình tôi thuộc hộ nghèo, năm 2018 đến nay gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo. Hiện tại cuộc sống của gia đình cũng chẳng phải dư giả gì, nhưng mùa nào thức nấy, 2 vợ chồng còn trẻ, còn khỏe, đất đai thì có nên cũng có thu nhập đồng ra đồng vào ổn định. Vì vậy, tôi muốn ra khỏi danh sách được trợ cấp để giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước và xã hội. Đây cũng là mục tiêu để gia đình tôi quyết tâm chuyển hướng canh tác, làm giầu cho chính bản thân mình.

Lòng tin vào đôi bàn tay và khối óc

Những gia đình viết đơn xin thoát nghèo không hẳn vì họ đã khá giả mà chứng tỏ đồng bào đã bắt đầu có ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Hơn thế, trong sâu thẳm tâm can, những gia đình viết đơn mong muốn các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến tay đúng đối tượng, đến những hộ dân thực sự có hoàn cảnh khó khăn hơn, nghèo hơn mình.

Những lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo đã thể hiện ý thức vươn lên, lòng tự trọng không chấp nhận mãi nghèo của nhiều gia đình ở các huyện vùng núi, vùng khó khăn. Rồi từ đây, họ đã không còn phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà đã tự làm chủ cuộc sống của mình. Cuộc đời đã thực sự thay đổi, bước sang trang mới từ chính nỗ lực, quyết tâm của những nông dân nơi đây.

Đó là những tấm gương về ý thức, trách nhiệm, lòng tự trọng, cần được nhân rộng trong cuộc sống. Việc viết đơn xin thoát nghèo không phải là một phong trào cần hô hào nhiều người tham gia, mà đó là tín hiệu đáng mừng trong nhận thức của người dân. Một phần, họ muốn chia sẻ với công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương, của nhà nước. Phần khác, họ căn bản muốn ra khỏi hộ nghèo chính là mục tiêu để thoát cái nghèo.

Không dễ gì mà các hộ gia đình được xét là nghèo lại xin ra khỏi danh sách được trợ cấp ấy, được hưởng lợi ấy. Nhưng, họ có lòng tin rằng mình sẽ khá hơn, sẽ ổn định hơn bằng đôi tay chăm chỉ, đôi chân tìm tòi và cái đầu chịu khó thay đổi tư duy. Họ sẽ là tấm gương cho nhiều người noi theo, và cũng là hành động cùng “lôi kéo” ý thức của người dân miền núi cùng bắt tay vào công cuộc làm giầu cho chính bản thân, gia đình mình. Điều này còn thể hiện công tác xóa đói giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo có những thành công lớn trong việc thay đổi nhận thức của người dân.

Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTTQ giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.