Ông đánh giá thế nào về thuận lợi của kỳ tuyển sinh năm nay với các trường, thí sinh và phụ huynh?
- Khác với năm trước, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh quy chế tuyển sinh theo hướng tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh.
Thí sinh được đăng ký tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành và không được thay đổi nguyện vọng trong quá trình xét tuyển.
Điều này tăng thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh vào được trường, ngành phù hợp.
Quy định không cho rút hồ sơ trong từng đợt xét tuyển (khác với năm trước) ngoài việc tạo công bằng cho các thí sinh đăng ký tham gia xét tuyển, đồng thời làm giảm tâm lý bất an “đứng núi này trông núi nọ” của thí sinh như kỳ xét tuyển năm 2015.
Đợt 1 của mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay đã xảy ra một hiện tượng lạ. Đó chính là sự “đổi ngôi” giữa các trường khi rất nhiều trường đại học ngoài công lập, top giữa tuyển gần như đủ thí sinh trong khi nhiều trường top trên phải tuyển bổ sung. Sự “đổi ngôi” ấy theo quan điểm của ông đến từ đâu?
- Mùa tuyển sinh trước, các trường do đặc thù (cho phép rút rồi nộp lại), nhiều trường tốp trên có mức điểm trúng tuyển quá cao, vì thế tạo tâm lý lo… rớt khi thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển.
Năm nay, thí sinh và phụ huynh tham khảo kết quả mùa trước, điểm chuẩn để quyết định chọn trường xét tuyển nhằm tăng cơ hội trúng tuyển.
Chính điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng hồ sơ nộp ở các trường tốp trên ở đợt xét tuyển đầu tiên. Các trường tốp giữa và tư thục lại hưởng lợi từ việc này khi thí sinh nhắm được khả năng trúng tuyển của họ cao hơn.
Ngoài ra, hình thức xét tuyển dựa trên học bạ (phương thức tuyển sinh riêng) cũng giúp các trường tư thục có thêm nguồn tuyển.
Ông có cho rằng việc tạo cơ chế tuyển sinh thuận lợi cho học sinh, giúp học sinh chọn lựa đúng ngành nghề, đúng với nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp sau khi ra trường tất yếu sẽ đẩy các trường “cực” hơn?
- Việc “cực” hay không đối với các trường chỉ có khái niệm tương đối và hoàn toàn không phải là yếu tố mà chúng tôi quan tâm. Vấn đề là đảm bảo quyền lợi tối đa trong việc lựa chọn ngành nghề cho thí sinh. Khi chọn đúng ngành nghề yêu thích, thí sinh sẽ có xác suất học tập tốt và thành công trong nghề nghiệp tương lai cao hơn.
Hơn nữa, tuyển sinh mới chỉ là bước đầu, đào tạo mới là chặng đường quyết định. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng khi mình vì học sinh, hướng đến một đầu ra chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động thì xứng đáng để mình đổi mới.
Có ý kiến cho rằng sự “lạ lùng” trên là do việc thí sinh trúng tuyển ảo quá nhiều, các trường không nắm được nguồn tuyển. Nhưng trong thực tế chỉ có một số ít trường phải tuyển sinh bổ sung 10-25%. Thống kê nhanh từ các trường đợt xét tuyển bổ sung NV2 cho thấy lượng thí sinh vẫn rất đông. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
- Thực tế cái chúng ta gọi là “ảo” xuất phát từ tỉ lệ nhập học của thí sinh trúng tuyển vào một trường đại học cụ thể. Tỉ lệ nhập học này trực tiếp phản ánh nguyện vọng của thí sinh vào học trường đó.
Như vậy nếu trường có thương hiệu tốt, có sức cạnh tranh cao thì tỉ lệ nhập học sẽ cao, và đương nhiên cái gọi là “ảo” sẽ giảm. Như vậy đây rõ ràng là vấn đề lựa chọn của thí sinh; và theo quan điểm của chúng tôi thì không nên dùng các biện pháp kỹ thuật để gián tiếp ảnh hưởng đến cơ hội, quyền được chọn trường/ngành mình yêu thích của thí sinh.
Ngoài ra, cũng cần nói thêm, trong các cuộc họp chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT cũng đã lường trước được vấn đề này nên đã kêu gọi các trường, đặc biệt là ở tốp trên, tham gia xét tuyển theo nhóm để giảm tỉ lệ “ảo”. Tuy nhiên giải pháp kỹ thuật này đã không được các trường thực hiện rộng rãi.
Năm nay sự chuyển dịch trong định hướng chọn ngành, chọn nghề của thí sinh rất rõ. Nhiều thí sinh thậm chí trúng tuyển đợt 1 nhưng vẫn không học để theo học nghề. Ông có nghĩ sự thay đổi ấy đến từ hiệu quả của các chính sách phân luồng, hướng nghiệp?
- Chúng tôi nhận thấy đã có sự chuyển dịch trong suy nghĩ về lựa chọn tương lai của phụ huynh và học sinh rất lớn. Tâm lý vào đại học như là con đường duy nhất đã có chuyển biến theo hướng tích cực. Nhiều phụ huynh đã chọn con đường phù hợp với điều kiện và năng lực của con em mình cho tương lai.
Đây tất nhiên là kết quả của việc phân luồng, tư vấn hướng nghiệp trong các trường phổ thông và hiệu quả truyền thông của ngành Giáo dục và xã hội trong thời gian qua.
Xin cảm ơn ông!