Mẹ vất vả nuôi hai em cho đến một hôm mệt nhoài nằm xuống nghỉ không bao giờ tỉnh lại. Có lần Quyên thấy bố trong mơ nhưng đuổi theo mãi không kịp!
Hạnh phúc chỉ là có bữa no
Chúng tôi đến thăm nhà 2 chị em Y Lệ Quyên vào một chiều tháng 6 mưa bay. Con đường dẫn vào thôn nhớp nháp bùn đất càng khiến cho nơi này thêm ảm đạm, thê lương. Ngôi nhà của 2 chị em Y Lệ Quyên được xây tạm bằng gạch nằm im lìm ở cuối thôn.
Trong căn nhà nhỏ, tuềnh toàng, không có nổi một món đồ giá trị, bà Y Lý, 61 tuổi, trú thôn Plei Trum, phường Ngô Mây (TP Kon Tum, Kon Tum), là bà ngoại của 2 đứa trẻ đang chăm lo cho người mẹ già yếu. Bà Lý kể: Năm 2019, mẹ của bà bị tai biến, nằm một chỗ nên cần người chăm sóc. Là con một nên bà đưa mẹ về nhà để thuận tiện việc chăm lo. Mặc dù có 2 người con gái, nhưng các con đã lập gia đình, hoàn cảnh khó khăn nên chẳng phụ giúp được bà là bao.
Tháng 7/2020 chồng của cô con gái đầu là Y Lượm (38 tuổi) bị ung thư phổi. Toàn bộ số tiền gia đình tích góp đều được dùng vào việc chữa trị nhưng chồng Y Lượm vẫn không qua khỏi. Khi đó, Y Lượm phải đi làm thuê, quần quật sớm hôm nuôi 2 người con nhỏ ăn học. Chật vật mãi, mấy mẹ con mới có những bữa no bụng. Nhưng bất hạnh chưa dừng lại, đầu năm 2021, Y Lượm đau ốm triền miên nên sức khỏe giảm sút. Gia đình khuyên Lượm đi khám nhưng sợ tốn kém nên chị ở nhà tự mua thuốc về uống.
Tháng 4 vừa qua, đi làm về chị Y Lượm thấy mệt nên nằm nghỉ. Không thấy Y Lượm thức dậy nên người nhà vào lay gọi thì phát hiện chị đã bất tỉnh. Lúc này, gia đình mới tá hỏa đưa chị vào viện nhưng chỉ nhận lại cái lắc đầu. Các bác sĩ cho biết chị đã tử vong vì căn bệnh áp xe não.
Từ ngày con gái mất, vợ chồng bà Y Lý gánh thêm trọng trách chăm sóc 2 người cháu ngoại. Để có tiền lo cho các cháu ăn học, ai thuê gì bà đều nhận làm. Tuy nhiên, vẫn phải dành thời gian chăm sóc người mẹ già nên số tiền bà Y Lý kiếm được cũng chẳng đủ lo cho 5 miệng ăn.
“Mọi chi phí sinh hoạt giờ đây đều trông chờ vào đồng lương bệnh binh của chồng tôi. Tôi tuổi cũng đã cao, sức yếu nên chẳng làm được những công việc nặng nhọc. Giờ đây ai cần phụ gì tôi cố gắng giúp để kiếm thêm chút tiền, rau cháo nuôi các cháu khôn lớn. Nhưng sức khỏe cũng giảm sút dần, tôi chẳng biết có thể lo cho gia đình nhỏ này được bao lâu nữa. May mắn 2 người cháu hiểu chuyện, chẳng đòi hỏi gì ông bà. Lâu lâu, thằng út lại hỏi: “Biết khi nào con mới được bố mẹ đi họp phụ huynh cho nữa bà nhỉ”. Nhìn gương mặt non nớt của 2 đứa cháu thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, tôi xót xa vô cùng”, bà Y Lý nói.
“Tôi còn một cô con gái nữa, nhưng nhà cháu cũng nghèo lắm. Bên cạnh đó còn phải nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn học. Nếu tôi gửi thêm 2 người cháu qua đó nữa thì chắc không đủ gạo mà ăn. Thôi thì vợ chồng tôi cố gắng nuôi các cháu, hôm nào no thì cả nhà hạnh phúc, còn hết gạo thì rau cháo cùng nhau. Chỉ hy vọng các cháu khỏe mạnh, ngoan ngoãn và nghe lời”, bà Y Lý tâm sự.
Mong được bố mẹ đưa đến trường
Câu chuyện của bà Y Lý vừa dứt cũng là lúc 2 chị em Y Lệ Quyên dắt díu nhau từ nhà hàng xóm trở về. Thấy người lạ, 2 đứa trẻ ngượng ngịu cúi chào rồi sà vào lòng bà ngoại. Từ khi bố mẹ mất đi, bà là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của cả 2 đứa trẻ.
Khi được hỏi về gia đình, chị em Y Lệ Quyên ngồi ôm chặt lấy cánh tay bà. Cậu bé A Pơ Ly với gương mặt lấm lem bùn đất lấy viên gạch vẽ những đường nguệch ngoạc lên nền nhà. Y Lệ Quyên cho hay, thương bà vất vả nên mỗi ngày đi học về em phụ quét nhà, nấu cơm… Những hôm bà mệt, chị em lại dắt 2 con bò được Nhà nước hỗ trợ ra ngoài cho ăn cỏ.
“Ông bà thương 2 chúng em lắm. Mỗi khi có gì ngon hay đi đâu về bà ngoại lại gói ghém quà cho chúng em. Em mong ông bà khỏe mạnh, sống mãi mãi với chúng em. Chứ ông bà đừng bỏ 2 chị em mà đi như bố mẹ. Khi đó, chúng em không biết bấu víu vào ai”, Y Lệ Quyên nói.
Cô học trò với thân hình gầy gò, nước da rám nắng kể, trước đây khi bố mẹ còn sống, những hôm rảnh rỗi bố thường dắt tay 2 chị em đến trường. Con đường làng uốn lượn, xanh ngắt những hàng tre. Nhưng giờ đây bố mẹ không còn, quãng đường đến trường của 2 chị em dài đằng đẵng. Có những hôm em trai nhớ bố mẹ, hỏi rằng “bố mẹ đi đâu mà lâu về vậy chị, khi nào bố mẹ mới về”. Khi đó, 2 chị em Y Lệ Quyên chỉ biết ôm nhau khóc nức nở.
“Mỗi ngày đến lớp, thấy các bạn được bố mẹ đón đưa, em rất tủi thân. Có những lúc em ước cũng được bố mẹ đưa đi học như các bạn. Mỗi tối, 2 chị em được nằm trong vòng tay của bố mẹ, kể cho cả nhà nghe những câu chuyện trên lớp.
Những hôm cô giáo đưa giấy mời gia đình lên họp phụ huynh, em chỉ có bà ngoại và dì đi. Em thấy buồn và tủi thân lắm. Từ ngày bố mẹ ra đi, em gặp được bố mẹ trong mơ 2 lần. Bố mẹ nói 2 chị em phải ăn uống đầy đủ, giữ gìn sức khỏe và chăm học. Khi đó, bố mẹ mới vui và hạnh phúc. Bố mẹ nói rồi đi thẳng, em cứ đuổi mãi, chạy mãi nhưng không lần nào theo kịp. Em nhớ bố mẹ lắm”, Y Lệ Quyên tâm sự.
Y Pơ Ly ngồi cạnh bên, quay sang hỏi chị: “Thế bao giờ bố mẹ sẽ về hả chị. Năm học này em được học sinh xuất sắc nên muốn mang giấy khen khoe với bố mẹ. Chắc bố mẹ vui lắm. Em còn muốn sau này bố mẹ thấy em lớn, trở thành một thầy giáo dạy thể dục. Khi đó, em sẽ dạy cho trẻ em nghèo luyện tập để khỏe mạnh, không còn ốm đau, bệnh tật nữa”.
Nghe cậu em trai ngây ngô hỏi, Y Lệ Quyên ngập ngừng, lảng tránh. Cô bé bấu những ngón tay đen nhẻm vào bộ quần áo cũ nhàu, cúi gằm mặt xuống đất nói: “Năm nay em cũng được học sinh xuất sắc, không biết bố mẹ ở nơi xa có biết không. Nhưng em sẽ cố gắng chăm học, nghe lời bà ngoại không để bố mẹ buồn. Ở nơi xa kia bố mẹ sẽ tự hào về 2 chị em. Khi lớn lên em sẽ cố gắng học giỏi để làm cô giáo dạy cho các bạn nhỏ nghèo như em. Có học các bạn sẽ không còn đói nghèo và bệnh tật nữa”.