LS Trương Anh Tú đề xuất: “Chẳng hạn cứ để HS làm bài thi bình thường, chúng ta tiến hành lập biên bản rằng có sự nhầm lẫn đó, thay vì chữ ký của người chấm ở vị trí bên này thì các giáo viên chấm thi ký phần còn lại. Chúng ta không nên máy móc xử lý tình huống bằng việc cho các em làm bài thi mới. Bởi làm vậy, làm khổ tất cả mọi người.
Trong tình huống đó (cho các em làm bài thi mới - PV), xử lý như vậy, tôi cho rằng không ổn, không nhanh nhạy. Bởi, chỉ vì một sai sót ở một phòng thi mà bắt học sinh cả tỉnh thi lại. Sai một vị trí chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra giải pháp và xin ý kiến chỉ đạo của Sở GD&ĐT cũng như các ngành chức năng ngay để có biện pháp xử lý tốt hơn...”.
LS Trương Anh Tú cho biết thêm, trong tình huống hy hữu như vậy thì việc ký vào phần còn lại đối với cán bộ chấm thi là đảo vị trí không thay đổi bản chất bài thi. Nếu phải làm lại bài thi sẽ tạo sự vất vả, mệt mỏi cho HS. Trong trường hợp bị mệt, ốm sau kỳ thi, các em không quay lại thi thì giải quyết thế nào? Hoặc nhiều gia đình cho các em đi nghỉ hè, đi du lịch, đi thăm người thân, vé tàu xe, khách sạn đã trả tiền … thì kinh phí ai chịu?
“Các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình cần xem xét hỗ trợ mọi mặt trong đó có cơ sở vật chất, tài chính để phục vụ cho việc thi lại tốt hơn. Đây là bài học rút kinh nghiệm cho cả nước, xin chia sẻ với ngành Giáo dục Quảng Bình, xin chia sẻ với các em HS, các bậc phụ huynh đã có một kỳ thi vô cùng vất vả...”, LS Trương Anh Tú bày tỏ.
Liên quan đến thông tin đề thi môn Ngữ văn sáng ngày 3/6 tại Quảng Bình khá giống với đề kiểm tra Học kỳ II năm học 2018 - 2019 của Phòng GD&ĐT TP Đồng Hới (Quảng Bình), LS Trương Anh Tú cho rằng, HS làm bài thi trùng với các nội dung đã học, ôn luyện hay thi, kiểm tra trước đó không phải là vấn đề nghiêm trọng. “Thi là để kiểm tra xem trình độ, nhận thức về Ngữ văn của các em đến đâu và như thế nào. Không nhất thiết phải máy móc khi gặp trường hợp như vậy mà đánh giá là đề thi không bảo đảm, không công bằng. Như thế là không thuyết phục…”, LS Trương Anh Tú chia sẻ.