Y án tử hình cho cựu giám đốc OceanBank chi nhánh Hải Phòng

GD&TĐ - Ngày 5/4, TAND cấp cao Hà Nội tiếp tục xử phúc thẩm vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) chi nhánh Hải Phòng.

Các bị cáo tại phiên xử ngày 31/3. Ảnh: N.H.
Các bị cáo tại phiên xử ngày 31/3. Ảnh: N.H.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử gồm: Bị cáo Trần Thị Kim Chi (Giám đốc OceanBank - Chi nhánh Hải Phòng), Lê Vương Hoàng (nguyên Kiểm soát viên), Nguyễn Thị Minh Huệ (nguyên Trưởng phòng Kế toán kho quỹ) và Chu Văn Nha (nguyên Thủ quỹ OceanBank - Chi nhánh Hải Phòng).

Tại phiên toà phúc thẩm, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo cũng như đại diện Ngân hàng Oceanbank. Hội đồng xét xử khẳng định bản án tại phiên toà sơ thẩm là có căn cứ.

Sau quá trình xét xử, Hội đồng xét xử tuyên giữ nguyên bản án đã tuyên với các bị cáo trước đó. Theo đó, bị cáo Trần Thị Kim Chi lĩnh mức án tử hình. Các bị cáo Lê Vương Hoàng và Nguyễn Thị Minh Huệ lĩnh án tù chung thân; bị cáo Chu Văn Nha nhận mức án 20 năm tù cùng về tội Tham ô tài sản.

Trước đó, tại phiên xét xử diễn ra vào ngày 4/9,  TAND TP. Hải Phòng đã tuyên phạt các bị cáo trên với mức án tương tự.

Theo nội dung cáo trạng, từ năm 2012 đến tháng 8/2017, dưới sự chỉ đạo của Trần Thị Kim Chi, Lê Vương Hoàng, Nguyễn Thị Minh Huệ, Chu Văn Nha đã sử dụng thông tin cá nhân của người thân, nhân viên chi nhánh, khách hàng vãng lai lập 109 thẻ tiết kiệm (tổng cộng hơn 2,5 tỷ đồng) để lấy phôi thẻ chưa in thông tin nội dung giao dịch của khách hàng.

Sau đó, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, các bị cáo đã thực hiện tất toán, lập khống hồ sơ vay cầm cố thẻ tiết kiệm của khách hàng rút tiền từ ngân hàng, nhận tiền gửi tiết kiệm của khách nhưng không hạch toán vào hệ thống.

Các bị cáo tại phiên xử ngày 31/3. Ảnh: N.H.
Các bị cáo tại phiên xử ngày 31/3. Ảnh: N.H.

Từ phôi thẻ này, nhóm bị cáo dưới quyền của Chi phát hành thẻ tiết kiệm ngoài hệ thống, chiếm đoạt hơn 400 tỷ đồng của Chi nhánh OceanBank Hải Phòng. Theo đó, các bị cáo rút hơn 110 tỷ đồng từ ngân hàng và nhận từ khách hàng hơn 242 tỷ đồng cùng gần 2,8 triệu USD của khách hàng gửi tiết kiệm.

Với khoản tiền hơn 110 tỷ đồng gửi tiết kiệm của khách hàng tại OceanBank Hải Phòng, nhóm bị cáo Chi đã thực hiện tất toán, lập hồ sơ khống cầm cố thẻ tiết kiệm để rút ra.

Dưới sự chỉ đạo của bị cáo Chi, các bị cáo lập hồ sơ tất toán khống thẻ tiết kiệm của khách hàng, trong đó, Hoàng chịu trách nhiệm làm thủ tục tất toán trên hệ thống, Huệ duyệt bút toán, Nha xuất quỹ tiền mặt giao cho Hoàng.

Trước đó, tại phiên xét xử diễn ra ngày 31/3, bị cáo Chi cho rằng nhiều thông tin về số tiền chiếm đoạt chưa được làm rõ và việc quy kết cho bị cáo này tham ô tài sản, sử dụng cá nhân là không có căn cứ. Bị cáo cho biết không rõ số tiền hơn 400 tỷ đồng thất thoát hiện nay đang ở đâu nên đề nghị tiếp tục làm rõ số tiền trong các sổ tiết kiệm liên quan.

Đại diện OceanBank cũng đề nghị trả hồ sơ để điều tra, làm rõ một số thông tin liên quan sổ ghi chép của các bị cáo, sổ tiết kiệm, lãi suất tiền gửi.

Luật sư Trương Anh Tú - bào chữa cho bị cáo Trần Thị Kim Chi cho rằng, số tiền khách hàng đã đưa trực tiếp cho các bị cáo với mong muốn gửi ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng chưa xác lập quyền sở hữu số tiền khách gửi trước khi bị chiếm đoạt. Do đó, các bị cáo đã xâm phạm quyền sở hữu của công dân, phải xử tội Lừa đảo chiếm đoạt chứ không phải tội Tham ô.

Tại phiên xét xử ngày 31/3, trước những ý kiến trên, Hội đồng xét xử đã quyết định tạm dừng phiên toà đến ngày 5/4 tiếp tục xét xử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhi bị rắn cắn điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC

Nguy cơ tử vong khi trẻ bị rắn cắn

GD&TĐ - Rắn độc cắn là một tai nạn khá thường gặp, có thể dẫn đến tử vong nếu xử trí không thích hợp, đặc biệt khi bị rắn hổ cắn.