Cháu C.T.N.T. (8 tuổi, trú tại Thanh Sơn - Ba Chẽ) được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên trong tình trạng đau vùng cổ, nuốt đau. Sau khi khai thác thông tin từ người nhà và qua quá trình thăm khám, các bác sĩ phát hiện trẻ có dị vật tại thực quản. Sau khi hội chẩn, bệnh nhi được chỉ định nội soi lấy dị vật.
Trong quá trình nội soi, các bác sĩ phát hiện tại thực quản vị trí xoang lê có 1 dị vật sắc nhọn cắm ngang qua, bề mặt niêm mạc thực quản trầy xước. Dị vật là một đoạn xương gà kích thước khoảng 5cm, 2 đầu sắc nhọn. Kiểm tra dọc thực quản xuống dạ dày không phát hiện thêm dị vật. Sau khi gắp dị vật ra, cháu bé T. đã thấy thoải mái hơn, còn đau nhẹ vùng cổ.
Bác sĩ nội soi chia sẻ: “Thủ thuật này không khó, nhưng cần sự khéo léo của bác sĩ để việc lấy xương diễn ra nhanh chóng, dứt khoát. Điều này tránh cho cháu bé bị đau lâu và hoảng loạn khi dụng cụ gắp xương đưa vào họng. Bởi vì nếu cháu hoảng loạn, giãy giụa, bác sĩ sẽ rất khó thao tác và nguy cơ làm gãy xương hoặc xương đâm sâu hơn khi chưa lấy được xương ra khỏi họng có thể xảy ra”.
Theo các bác sĩ, thông thường, khi bị hóc dị vật như các loại xương, que tăm..., người dân thường cố gắng khạc, dùng tay móc lấy xương hoặc ăn miếng cơm lớn để nuốt xuống dạ dày…
Tuy nhiên, thực tế, những việc này sẽ làm cho viêm mạc họng bị trầy xước, nhiễm trùng, viêm nhiễm đường họng. Khi nuốt thêm còn làm cho xương xuống sâu, hoặc cắm sâu vào tổ chức hơn khiến việc lấy xương gặp nhiều khó khăn.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa dị vật thực quản, trẻ em nên tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ, khi ăn hạn chế nói chuyện. Không nên vừa ăn vừa đùa giỡn. Ngồi ăn và không nên vừa nằm vừa ăn để tránh bị dị vật đường ăn, đường thở.
Trong trường hợp nghi bị hóc xương, nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời, đúng cách, tránh xảy ra các biến chứng không đáng có.