16 người là những số phận, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chung quy vì nhẹ dạ cả tin, nghe lời dụ dỗ. Họ là những người dân tộc thiểu số đến từ Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum.
Về lại với gia đình với quê hương
Có mặt trong buổi bàn giao các đối tượng vượt biên cho chính quyền huyện Chư Prông (Gia Lai) tổ chức, ông Rahlan A Mưu - Thôn trưởng thôn Piơr, xã Ia Piơr (Chư Prông) vẫn chưa tin rằng sẽ có ngày được gặp lại những đứa con của mình.
Hơn 1 năm kể từ ngày chúng nghe theo lời bọn xấu bỏ trốn gia đình, bỏ vợ con ra đi, ông luôn phải sống trong tủi hổ. Lúc nhận được tin 2 đứa con trốn sang Campuchia, ông bàng hoàng, không tin vào những gì mình nghe thấy.
Là thôn trưởng, không biết bao lần ông đứng ra tuyên truyền giáo dục cho những người trong làng lầm đường lạc lối, đưa những đối tượng này ra kiểm điểm trước làng.
Thế nhưng, giờ đây 2 đứa con ông lại nằm trong số người đó. Giờ đây khi chúng trở về, đứng trước mặt thì ông không còn lời nào để trách cứ.
Bồng trên tay đứa con vẫn còn đỏ hỏn chưa tròn 2 tháng tuổi, chị H’Pân Mlô (buôn Đ’rao, xã Cư Né, Krông Buk, Đắk Lắk) cho biết: Chỉ vì tin lời người anh rể mô tả về một cuộc sống sung túc, giàu có nơi nước Mỹ xa xôi mà cả gia đình chị (7 người) bỏ nương, bỏ rẫy khăn gói đi theo.
Chưa một lần bước ra khỏi dãy núi nơi có Yang (trời) che chở, thấy họ vẽ cuộc sống sung sướng, tưởng thật tôi đồng ý ngay. Sau khi chồng đủ tiền công dẫn đường, các tay cò cũng đưa tôi băng rừng, vượt suối để vượt biên sang Campuchia. Đến đất nước xa lạ, tôi bị bỏ lại trong 1 phòng trọ xập xệ, với lời dặn “sẽ có người đến đón đi Mỹ”, chị HPân nói trong nước mắt.
Câu chuyện liên tục bị ngắt quãng vì những cái ôm siết chặt đoàn tụ của gia đình chị H’pân. Trái với suy nghĩ ban đầu, tháng ngày sống trong trại tỵ nạn (Campuchia) là những ngày dài khổ cực, đói khát, không có công ăn việc làm.
Một mình chị phải xoay sở với 5 đứa con, đứa lớn nhất 17 tuổi và nhỏ nhất là cái thai 1 tháng tuổi chị đang mang trong người. Cuộc sống bức bối, khốn khó cộng với nỗi nhớ nhà, nhớ nương rẫy đã thôi thúc chị trở về với cuộc sống bình dị trước đây.
Và rồi ngày đó, ngày mà chị đặt chân trên mảnh đất quê hương cùng với những đứa con của mình đã đến, tuy chưa được trọn vẹn vì chồng chưa về cùng. Nhưng với chị bấy nhiêu là đủ lắm rồi.
Dường như hiểu được nỗi lòng của mẹ và cảm nhận được hơi ấm của đất mẹ Việt Nam, đứa con chị sinh ra trên đất nước Campuchia vẫn say sưa giấc nồng, mặc những ồn ào, huyên náo xung quanh.
Gia đình nhỏ chị H’pân ngày trở về quê hương. |
Những lời dụ dỗ ngọt ngào
Cũng chỉ vì tin vào lời đồn được sang Mỹ sống trong giàu sang, Ksor Win (SN 1996, làng Yam, thị trấn Ia Kha, Ia Grai) đã nghe theo lời bạn trốn sang Campuchia bỏ lại người vợ mới cưới vừa mang bầu được 2 tháng.
Nhưng mọi thứ không như những lời đồn thổi. Nếm trải tháng ngày cơ cực trong trại tỵ nạn, Win mong mỏi được quay về sống với người vợ yêu thương và đứa con đã gần 3 tháng tuổi mà chưa được biết mặt cha. “Em sẽ không nghe lời người ta xúi giục nữa, lần này trở về em sẽ lo làm ăn để nuôi vợ con”-Win tâm sự.
Trường hợp như 16 số phận trên là khá may mắn khi tìm được đường về nước. Nhiều người khác khi vượt biên đã sống trong đói rét, cơ cực và họ sớm nhận ra miền đất hứa chính là nơi có gia đình mình đang sinh sống, không phải đâu xa xôi.
Bên tiếp nhận là chính quyền địa phương cũng hứa, những người sau khi vượt biên trở về sẽ được các cấp được chính quyền tuyên truyền không bị kẻ xấu lợi dụng, đồng thời giải quyết việc làm, an sinh xã hội nhằm cải thiện đời sống.
Tại buổi nhận bàn giao các đối tượng vượt biên trở về, ông Nguyễn Anh Dũng-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo chính quyền cấp xã, thôn tạo điều kiện cho những người này sớm được hòa nhập cộng đồng.
Cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương sẽ giúp họ nhận thức được những việc làm sai trái của mình, rút kinh nghiệm để từ đó ổn định cuộc sống, an tâm đầu tư phát triển sản xuất”.