Đây là hoạt động do CLB Di sản văn hóa truyền thống và Hán Nôm Việt Nam (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam), Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, Đoàn nghệ thuật Tiếng vọng sông Ngân phối hợp tổ chức.
NSƯT Bạch Vân trình diễn bài ca trù "Tiếng vọng sông Ngân" - chuyển soạn từ bài thơ cùng tên của nữ sĩ Ngân Giang. Ảnh: Bình Thanh. |
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, TS Đinh Công Vĩ – Chủ nhiệm CLB Di sản văn hóa truyền thống và Hán Nôm Việt Nam cho biết, đã 17 năm nữ sĩ Ngân Giang rời cõi tạm thế nhưng, những áng thơ của bà vẫn mãi mãi ngân vang không chỉ hôm qua mà cả hôm nay và mai sau.
“Trọn đời Ngân Giang có biết bao kỉ niệm, có vui và cũng có biết bao nỗi buồn, trải qua nhiều ghềnh thác nhưng vẫn đứng vững suốt dọc thế kỷ 20 và vượt qua một phần đầu thiên niên kỷ mới, để lại cho đời hơn 4.000 bài thơ” – TS Đinh Công Vĩ nhấn mạnh.
Tại lễ tưởng niệm, rất nhiều bài thơ nổi tiếng của nữ sĩ Ngân Giang như “Say”, “Tiếng vọng sông Ngân”, “Những lời trong chiêm bao”, “Hương trầm hỡi” “Tại tương tư bán”… được vang lên qua đủ loại hình nghệ thuật như: Ngâm thơ, hát văn, hát xẩm, hát chèo…
Trung tâm phát triển nghệ thuật và âm nhạc Việt Nam trình diễn các bài hát xẩm, hát văn được chuyển soạn từ thơ của nữ sĩ Ngân Giang. Ảnh: Bình Thanh. |
Những tiếng thơ ấy đã đem đến cho mỗi người biết bao cảm xúc, biết bao dòng suy tưởng về nữ sĩ tài hoa năm xưa. Đó là cô gái Đỗ Thị Quế (sinh tại Hàng Trống, Hà Nội) mới 9 tuổi đã có bài “Vịnh Kiều” đăng trên báo “Đông Pháp”.
Năm 16 tuổi, bà đã xuất bản tập thơ “Giọt lệ xuân”, 20 tuổi tiếp tục càng vang danh với “Tiếng vọng sông Ngân” (1946) và nối tiếp sau đó là “Thơ Ngân Giang” (3 tập)…
Cũng tại lễ tưởng niệm, Ban tổ chức đã ra mắt cuốn kỷ yếu hội thảo khoa học “Ngân Giang – nữ hoàng Đường thi Việt Nam thế kỷ XX” được tổ chức cách đây… 13 năm, năm 2006.