Hãy sáng tác từ sự rung động, đừng quan liêu cả với trái tim mình

GD&TĐ - Hãy sáng tác từ sự rung động của trái tim. Hãy đổi mới và cách tân bút pháp. Hãy bắt đầu từ cội nguồn thực tiễn. Đừng quan liêu cả với trái tim mình… 

NSND Đặng Nhật Minh.
NSND Đặng Nhật Minh.

Các văn nghệ sĩ nổi tiếng của Thủ đô đã nhấn mạnh như thế khi tham gia tọa đàm về truyền thụ những kinh nghiệm sáng tác vừa được Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức.

Rung động từ cội nguồn thực tiễn

NSND Đặng Nhật Minh nói rằng, một tác phẩm nghệ thuật phải xuất phát từ rung động trái tim của người sáng tác.

Theo ông, người nghệ sĩ không xúc động chỉ chằm chằm chờ đến ngày kỷ niệm được Nhà nước tài trợ, làm nhanh. Làm xong tác phẩm đó cũng được cấp trên khen nội dung tốt, trống dong cờ mở giới thiệu nhưng không ai xem.

Thêm nữa, có một quy luật là hãy làm những gì xuất phát từ trái tim, về những mảng hiện thực sờ nắm được chứ không phải ngồi hư cấu, bịa đặt theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa; hoặc có đi về vài nơi gọi là thâm nhập thực tế rồi vắt chân lên cổ viết nhanh nhanh để đạt được nguồn tài trợ.

Trước hết, phải tự nung nấu về hiện thực mà mình biết. Và tác phẩm nghệ thuật phải là những thực tế mà mình trải nghiệm, trải nghiệm đến nỗi nó nung nấu, tích vào trong tiềm thức khi đủ độ chín thì bật ra.

Tất nhiên, đã là tác phẩm nghệ thuật thì phải có hư cấu nhưng liều lượng không nhiều. Để chứng minh điều này, NSND Đặng Nhật Minh đã dẫn ra câu nói của nhà văn Marquez - được xem là “ông trùm hiện thực huyền ảo” với người viết trẻ: “Nếu phải nói với người viết trẻ một điều gì đấy thì lời đầu tiên của tôi sẽ là hãy viết những gì xảy ra quanh mình. Bao giờ cũng dễ khi kể lại một câu chuyện xảy ra với mình hay mình đã được nghe, được đọc, được thấy ở đâu đó”.

GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh.
GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh.

Trong khi đó, GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh thì nhấn mạnh đến việc sáng tác luôn có nguồn cội từ thực tiễn. Từ kinh nghiệm của một chuyên gia về múa cổ, ông cho rằng, sáng tạo tác phẩm múa phải từ thực tiễn, đi lên từ thực tiễn. Nhất là những tác phẩm múa dân gian, dân tộc, nhất thiết phải đến địa phương tộc người có múa để học múa trực tiếp từ nghệ nhân và phải ghi chép đầy đủ về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, nghi lễ, nghệ thuật, từ đó nghiên cứu sáng tác có cơ sở lí luận, thực tiễn, khoa học…

“Thành công sẽ không đến khi ai đó chộp một vài động tác để sáng tác, hoặc ngồi bàn giấy để tưởng tượng, ngồi ở Hà Nội để sáng tác điệu múa ở mãi Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang…” - GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh nhấn mạnh.

Đừng trùng lặp và “nhai lại”

Nhà thơ Bằng Việt đã từ chối không muốn nhận làm “thầy” cho ai trong sáng tác. Cũng bởi lẽ, mỗi thế hệ sáng tác thường rất coi trọng đến việc đổi mới, cách tân bút pháp và phong cách. Điều này nhằm đặt ra được những vấn đề mới cho thời đại và thế hệ, để không trùng lặp, “nhai lại” những gì thế hệ đi trước đã khai thác.

Có như thế thì văn học nghệ thuật mới tiến lên được và không bị rơi vào sự nhàm chán, sáo mòn, chỉ “ăn theo” nội dung, hình thức của những người đi trước.

“Trong văn học nghệ thuật đỉnh cao, người ta không bao giờ tôn trọng sự lặp lại nhau, sự bắt chước nhau, chưa kể là nếu bắt chước quá lộ liễu thì còn bị coi là “đạo văn”, nhà thơ Bằng Việt nói.

Nhà thơ Bằng Việt.
Nhà thơ Bằng Việt.

Tuy nhiên, theo nhà thơ Bằng Việt, việc truyền thụ, đúc rút kinh nghiệm, trao đổi về đề tài sáng tác, cách thể hiện tác phẩm… rất cần sự bình đẳng, có sự giao lưu dân chủ với nhau giữa các thế hệ, cần sự trao đổi chân thành và thuyết phục.

Vì vậy, các hình thức như nói chuyện, tọa đàm về tác phẩm, thuyết trình về một trào lưu mới, mở các lớp bồi dưỡng sáng tác, đi thực tế, tổ chức trại sáng tác, tổ chức các cuộc vận động sáng tác… đều là để truyền thụ kinh nghiệm đầy hữu ích giữa các văn nghệ sĩ.

Nhà thơ Vũ Quần Phương đã lấy làm tiếc vì lúc trẻ tuổi đã không sớm ý thức được việc tự tích lũy để có một hiểu biết rộng và sâu về Hà Nội. Thế nhưng, theo ông, dù ở tuổi nào thì sự bắt đầu vẫn là có ích và còn kịp.

Vậy việc tích lũy cần được bắt đầu từ đâu? Nhà thơ Vũ Quần Phương gợi ý: Đọc sách và nghiên cứu về Hà Nội, trong tất cả mọi lĩnh vực, luôn luôn là cần thiết cho việc tích lũy kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội, khoa học…

Thế nhưng, giữa biển sách - trong đó sách kém chất lượng không ít - mỗi người cần kỳ công lựa chọn, có thể từ những hiệu sách cũ vì dường như những cuốn trước năm 1975, 1945 phong phú thông tin hơn.

Tìm hiểu Hà Nội trên thực địa là điều được các văn nghệ sĩ đặc biệt lưu tâm. Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, những tác giả đang sống trên Hà Nội mà không sớm nhập thân vào công việc này, thật sự là một lãng phí, lãng phí cái công được sống của mình trên đất Thủ đô hơn nghìn năm tuổi.

Nhà thơ Vũ Quần Phương.
Nhà thơ Vũ Quần Phương.

Cũng nhân đây, nhà thơ Vũ Quần Phương chỉ ra những trái khoáy: Sống hàng ngày với Hà Nội, quen thuộc gắn bó đến mức không cần quan tâm đến nó. Rồi khi, người tứ xứ đến Paris ai cũng thích trèo lên đỉnh tháp Effel, nhưng có ông Tây già nhà ngay gần đấy thì giờ cũng chưa lên.

“Nói không quá, mỗi bước đi của chúng ta trên đất Hà Nội này, nếu lắng nghe nó đều âm vang lên bao chuyện cũ và chuyện tương lai. Với những cụ, những ông như Tô Hoài, Như Hà đều thành ra văn lí thú cả. Hội ta nên tổ chức thường kỳ, dài hạn những chuyến đi thực tế. Ít nhất chúng ta cũng bớt được tính quan liêu, quan liêu ngay với trái tim mình” - nhà thơ Vũ Quần Phương bày tỏ.

Ở một góc nhìn khác, nhà lý luận phê bình sân khấu PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng, văn học nghệ thuật là một chuyên ngành sáng tạo, rất khó truyền thụ cho các thế hệ kế cận. Thế nên, đã không có hiện tượng “cha truyền con nối” để thành những dòng họ thống trị nghệ thuật mang tên Shakespeare, Moliere, Gogol, Goethe, Chekhov…

Vì vậy, thay vào việc truyền thụ kinh nghiệm sáng tác thì PGS.TS Trần Trí Trắc đề xuất: “Tạo mọi cơ hội và chăm sóc toàn diện để mỗi tác giả có quyền sáng tạo tự do, tự chủ để được mang phong cách cá nhân độc đáo, hữu ích, giá trị thẩm mĩ cao và hóa được vào dòng thị hiếu thẩm mĩ của khán giả”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.