(GD&TĐ) - Theo đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ), góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020 của Chính phủ, người dân được vay 100% vốn không lãi suất và được hỗ trợ phí đào tạo, đi lại và ăn ở... Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện số lao động các huyện nghèo đi XKLĐ chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.
Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), đa phần lao động đi XKLĐ chủ yếu là người nghèo, dân tộc ít người nên trình độ còn hạn chế. Họ không quen với chuyện làm ăn xa nhà và không muốn xa gia đình nên nhiều trường hợp sang đến nước ngoài một thời gian đã bỏ về. Hơn nữa, nhiều NLĐ đã tập trung học định hướng trong nước, nhưng gần đến ngày lên đường thì lại cương quyết không chịu đi. Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị cho biết, đa số NLĐ tuy đã qua đào tạo nghề nhưng vẫn còn hạn chế về trình độ, không đáp ứng được công việc, yếu kém về ngoại ngữ, thiếu ý thức kỷ luật, vi phạm nội quy lao động nên bị trả về…
Theo phản ánh từ nhiều địa phương, các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản hay các nước Đông Âu dù có nhu cầu lớn nhưng lại yêu cầu rất cao và chi phí xuất cảnh lớn khiến lao động ở miền núi không thể tiếp cận được. Hơn nữa, trước khi đề án XKLĐ theo Quyết định 71 ra đời, cơ quan chức năng có phần buông lỏng công tác quản lý đối với các công ty lấy danh nghĩa đi tuyển lao động nhưng thực chất là các “công ty chuyên lừa đảo” khiến NLĐ phải chịu cảnh “tiền mất, tật mang”. Thêm vào đó, hiện công tác tuyên truyền chưa sâu sát... nên đã xảy ra tình trạng người dân các huyện nghèo không mặn mà với việc đi XKLĐ. Bởi vậy, nhằm đẩy mạnh công tác XKLĐ ở 62 huyện nghèo Bộ LĐ-TB&XH cần lựa chọn những DN có năng lực và uy tín trong công tác XKLĐ, đơn giản hoá thủ tục vay vốn, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền giúp các lao động ở những huyện nghèo hiểu hơn về chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước…
Ảnh MH |
Trước những thực tế trên, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, nhằm thúc đẩy XKLĐ tại 62 huyện nghèo, trong năm 2013 này Bộ LĐ-TB&XH sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó sẽ lựa chọn kỹ và công khai tên các DN được phép đưa người đi XKLĐ. Ngoài ra, sẽ chú trọng hơn tới công tác đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ cho NLĐ một cách kỹ lưỡng, đó là cơ sở để NLĐ làm việc với công ty nước ngoài tự tin hơn. Về phía NLĐ cũng cần nhận thức rõ về quyền lợi và trách nhiệm khi sang nước ngoài làm việc, thực hiện công việc với thái độ chuyên nghiệp và tìm hiểu rõ nội quy công ty, pháp luật nước sở tại, xoá bỏ lối sống buông thả, thiếu tổ chức kỷ luật…
Hết năm 2012, trong số 73.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thì chỉ có khoảng 7.000 lao động thuộc 62 huyện nghèo. |
Để tạo điều kiện cho lao động ở 62 huyện nghèo đi XKLĐ, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cần phải có sự chung tay của nhiều cơ quan chức năng và các DN XKLĐ cũng như NLĐ. Đặc biệt, các địa phương cũng phải nhìn nhận rõ hơn đây là trách nhiệm và cơ hội tốt của địa phương mình để từ đó có chính sách hỗ trợ nhiều hơn để những lao động nghèo khi XKLĐ có đủ tiền trả nợ ngân hàng. Riêng đối với những người bị trả về nước, các địa phương cần tạo cơ hội việc làm, không để họ phải mang nợ dẫn đến đã nghèo lại càng nghèo hơn để Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được triển khai sâu rộng và tốt hơn nữa...
Ngọc Trinh