Tình trạng sản xuất, tiêu thụ GPLX giả diễn ra công khai trên mạng xã hội; cách thức giao hàng thông qua nhiều đầu mối khác nhau; khi tin tưởng tuyệt đối với người mua thì chúng mới quyết định giao hàng, sau đó thì nhận tiền. Do đó, lực lượng chức năng rất khó phát hiện và xử lý các đường dây sản xuất, tiêu thụ GPLX giả.
GPLX giả được các đối tượng vi phạm sản xuất rất tinh vi, người bình thường không thể nhận ra, chỉ có lực lượng chuyên trách mới phát hiện hoặc truy nhập, kiểm tra dữ liệu hồ sơ gốc lưu tại các Cơ sở đào tạo, sát hạch GPLX mới có thể biết GPLX là thật hay giả.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau như bận công việc, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được cấp GPLX, sợ tốn kém chí phí... nên đã có một số người dân không đăng ký và theo học tại các Cơ sở đào tạo, sát hạch GPLX. Để hợp thức hóa việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông của mình, họ đã chọn cách mua GPLX giả để sử dụng nhằm qua mắt lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông.
Chính vì sử dụng GPLX giả nên người điều khiển phương tiện giao thông không thể nắm rõ các quy định của Luật Giao thông đường bộ, các quy tắc lái xe an toàn, không thể nhận biết các biển báo hiệu, tín hiệu, biển chỉ dẫn… nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn giao thông, là hiểm họa khôn lường đối với người tham gia giao thông.
Hiện nay, mức phạt đối với hành vi sử dụng GPLX giả được quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người Điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3…(điểm a, khoản 5, Điều 21 Nghị định 46); Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người Điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe ô tô, máy kéo… (điểm b, khoản 7, Điều 21 Nghị định 46).
Tuy nhiên, mức phạt này chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm. Khi người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông, nếu cảnh sát giao thông xử phạt thì sẽ bị tạm giữ GPLX để đảm bảo cho việc chấp hành quyết định xử phạt và người vi phạm sẳn sàng bỏ GPLX giả và tiếp tục liên hệ mua GPLX giả khác để sử dụng. Do đó, việc xử phạt không phát huy tác dụng mà còn làm gia tăng tình trạng sản xuất, tiêu thụ và sử dụng GPLX giả hiện nay.
Chính vì vậy, cần phải có biện pháp nghiêm khắc hơn để ngăn chặn tình trạng sản xuất, tiêu thụ và sử dụng GPLX giả để góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Lực lượng chức năng phải thường xuyên kiểm tra, truy tìm, triệt phá các địa điểm sản xuất, tiêu thụ GPLX giả để xử lý nghiêm.
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, giáo dục người dân không nên mua bán, sử dụng GPLX giả, vì nếu bị phát hiện sử dụng GPLX giả khi tham gia giao thông sẽ bị phạt rất nặng; có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng và có thể bị xử lý hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự./.