Làm bằng giả, lĩnh án tù thật

Làm bằng giả, lĩnh án tù thật

(GD&TĐ) - Từ 2 giấy phép lái xe có những dấu hiệu bất thường bị đội CSGT thị xã An Khê, Gia Lai thu giữ, với tinh thần trách nhiệm của mình, Công an thị xã An Khê đã tiến hành xác minh và phát hiện đường dây cung ứng bằng giả liên tỉnh lớn nhất từ trước đến nay.

Chỉ chưa đầy 3 tháng, đường dây này đã bị đánh sập, hơn 30 đối tượng liên quan bị triệu tập đến cơ quan điều tra. Trước những chứng cứ, nghiệp vụ sắc bén của lực lượng điều tra, các đối tượng đã cúi đầu nhận tội và chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật…

Hành trình phạm tội

Đầu năm 2008, Ngô Kim Phượng (SN 1968, trú tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) vô tình quen biết với đối tượng tên Lùn (chưa xác định lai lịch) tại bến xe tỉnh Bình Dương. Phượng được Lùn giới thiệu mình có thể làm giấy phép lái xe giả, bằng THPT, TC, ĐH với giá từ 250.000 đồng đến 2.600.000 đồng/bằng (tùy loại bằng) và đề nghị Phượng tham gia làm đầu mối thu gom hồ sơ các loại giấy tờ của những người có nhu cầu cho Lùn để hưởng tiền chênh lệch.

Trước viễn cảnh kiếm tiền dễ dàng, Phượng lập tức đồng ý và bắt đầu phát triển hệ thống chân rết ra địa bàn các tỉnh. Tại Gia Lai, Phượng đã liên hệ với Hoàng Tiến Tùng (SN 1982, trú phường Phù Đổng, TP. Pleiku, Gia Lai) để làm đầu mối thu gom hồ sơ làm bằng giả với giá từ 300.000 đồng đến 3.000.000 đồng/bằng.

Với lòng tham của mình, Tùng tiếp tục liên hệ làm ăn với Nguyễn Thái Bảo (huyện Chư Prông, Gia lai), Trần Thị Châu (thị xã An Khê), Đỗ Duy Hiến (Chư Sê, Gia Lai), Dương Thị Nhị Phương, Điêu Văn Hải (Ia Grai, Gia Lai), Nguyễn Hữu Hiền, Trương Thị Thu, Nguyễn Văn Qúy, Võ Hoàng Sơn (TP.Pleiku, Gia Lai) và đôn giá lên từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng/GPLX A1, bằng tốt nghiệp giá từ 3.500.000 đồng đến 20.000.000 đồng/bằng để hưởng tiền chênh lệch.

Sau khi được các đầu mối thu gom hồ sơ, Tùng đã liên hệ với bạn học cùng quê của mình là Trịnh Thành Nguyên ( trú tại tỉnh Bình Dương) làm trung gian để nhận hồ sơ và tiền Tùng chuyển vào giao cho Phượng và nhận bằng theo chiều ngược lại, mỗi lần làm trung gian Nguyên sẽ được nhận 1.000.000 đồng tiền hoa hồng.

Hai đối tượng cầm đầu Tùng -Phượng
Hai đối tượng cầm đầu Tùng -Phượng

Ngoài việc thu gom hồ sơ từ các đầu mối, Tùng còn cùng vợ là Nguyễn Thị Hằng cũng trực tiếp đi thu gom hồ sơ làm bằng giả. Chỉ trong một thời gian ngắn, đường dây làm bằng giả của Phượng và Tùng đã tạo được hệ thống chân rết khá đông đảo với hơn 30 đối tượng trải rộng trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Hành trình phạm tội của Tùng kéo dài một thời gian dài và thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng từ việc làm bằng giả.

Đến tháng 1/2010 khi giấy phép lái xe giả đầu tiên bị phát giác, bằng các biện pháp nghiệp vụ Công an thị xã An Khê đã lần ra đường dây làm bằng giả và ngày 21/4/2010 Tùng sa lưới pháp luật, 6 ngày sau Nguyễn Kim Phượng cũng bị Công an thị xã An Khê bắt giữ sau đó các đối tượng trong đường dây làm bằng giả liên tỉnh đều lần lượt sa lưới.

Trả giá…!

Từ cuối năm 2008 đến khi bị bắt, với 12 đầu mối chính mà Tùng gây dựng được trên địa bàn tỉnh Gia Lai, các đối tượng đã thu gom giao lại cho Tùng được 190 hồ sơ với tổng số tiền 224.150.000 đồng. Nhưng khi giao 190 hồ sơ cho Phượng, Tùng chỉ giao 94.500.000 đồng và hưởng lợi 120.950.000 đồng.

Sau hai ngày xét xử sơ thẩm, tại phiên tòa các bị cáo đã cúi đầu nhận tội. Ngày 24/5/2011, với tội danh “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”,Tòa án nhân dân thị xã An Khê đã tuyên phạt hai đối tượng cầm đầu Ngô Kim Phượng và Hoàng Tiến Tùng mức án 27 tháng tù; Trịnh Thành Nguyên, Trần Thị Châu,  Đinh Thị Hằng 24 tháng tù; Đỗ Xuân Mai 18 tháng tù; Nguyễn Thái Bảo, Đỗ Duy Hiến, Trần Thị Hảo 12 tháng tù.

Các bị cáo Trương Thị Thu, Nguyễn Thị Hồng Vâng, Nguyễn Hữu Hiền, Dương Thị Nhị Phương, Vũ Văn Kình, Trần Thị Sang, Lê Mộng Tuấn, Trần Thế Vũ, Triệu Văn Lý, Đặng Văn Diệp bị xử phạt 9 tháng tù cho hưởng án treo. Hai đối tượng Phạm Văn Sáng, Trần Văn Minh mỗi bị cáo nộp phạt với số tiền 6 triệu đồng. Bên cạnh đó các bị cáo trong đường dây làm bằng giả còn nhận hình phạt bổ sung với số tiền 60 triệu đồng.

Đây là bản án nghiêm khắc dành cho các đối tượng vì hám lợi mà bất chấp pháp luật. Qua vụ án này cũng cần biểu dương tinh thần trách nhiệm của các cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT và lực lượng điều tra Công an thị xã An Khê đã nhanh chống khám phá và đánh sập đường dây làm bằng lái giả, đem lại niềm tin cho nhân dân.

                                                                             Bài và ảnh: Lê Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.