Xử trí khi trẻ bị ho
Trong trường hợp khi bé ho do cảm lạnh kèm sổ mũi, không sốt hoặc sốt nhẹ nhưng bé vẫn ăn uống, chơi đùa bình thường, không nôn, có thể theo dõi bé ở nhà.
Nên chăm sóc bé bằng cách cho bé uống nhiều nước cam, chanh hoặc ăn trái cây tươi, nấu cháo hoặc súp để bé dễ ăn hơn và theo dõi nhiệt độ của bé.
Để giảm ho có thể dùng thuốc ho có nguồn gốc chiết xuất từ thiên nhiên chứa tinh dầu tràm, bạc hà, gừng, tần dày lá. Các thuốc này có tác dụng điều trị các chứng ho, sát trùng đường hô hấp, làm loãng niêm dịch làm dịu ho… rất an toàn và hiệu quả.
Ngoài ra, có thể sử dụng một số bài thuốc dân gian như: mật ong hấp quất, hẹ, hoa đu đủ đực…Nếu bé đỡ ho, ăn uống tốt, không sốt, thở dễ thì thường bé sẽ khỏi trong vòng một tuần. Nếu bé hắt hơi sổ mũi thì nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý.
Cần đưa bé đi đến cơ sở y tế khi:
Trẻ ho đột ngột kèm co thắt, khò khè, hoặc thở rít, tím tái. Đây có thể là do trẻ bị dị vật đường thở, phải sơ cứu ban đầu và cho trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Ho kéo dài trong 1 tuần hoặc hơn mà không có dấu hiệu thuyên giảm. Khi trẻ ho kèm nôn hoặc sốt cao 38,5 độ C trở lên, trẻ ho kèm khó thở, thở nhanh, nông, trẻ co giật hoặc li bì khó đánh thức, trẻ ho kèm thở mệt, cánh mũi phập phồng, co lõm ngực, Khi ho kèm theo tiết đờm nhớt nhiều... cũng cần được nhanh chóng đi gặp bác sĩ.
Dinh dưỡng khi trẻ bị ho
Hẹ và mật ong trị ho cho trẻ. |
Mùa lạnh, cần giữ ấm thân thể, tránh để bị lạnh, bị ẩm đột ngột kéo dài. Giữ vệ sinh sạch sẽ, tránh ô nhiễm… Nên tránh xa những người bị cảm cúm. Mặt khác, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhỏ là rất quan trọng đặc biệt cần thiết khi trẻ đang ốm vì thời gian này trẻ thường lười ăn.
Cách chọn thực phẩm: Khi trẻ bị ho cần ăn những món có nhiều nước, dễ tiêu nhưng cũng đầy đủ dưỡng chất như: súp, cháo, sữa... đảm bảo 4 nhóm bột, béo, đạm, rau và phù hợp với khẩu vị hàng ngày của trẻ.
Bên cạnh đó, trẻ cũng rất cần tăng sức đề kháng để chống bệnh. Vì thế nên cho trẻ ăn những thực phẩm giàu sinh tố A, giàu chất kẽm và chất sắt như: thịt bò, gà, trứng, rau có màu xanh, đỏ. Cần hạn chế những món ăn chế biến có quá nhiều mỡ như: chiên, xào…
Đối với món cá, đôi khi trẻ có cảm giác tanh, dễ gây nôn, do vậy nên đợi sau khi bé hết bệnh hãy cho tập ăn trở lại.
Cách cho trẻ ăn: Do trẻ ho nhiều có thể nôn ra thức ăn vừa mới ăn xong kèm theo nhiều đờm nhớt, vì thế trước khi cho trẻ ăn nên cho uống vài thìa nước nhỏ, sau đó cho trẻ nằm sấp rồi vỗ về lưng trẻ nhằm giúp đờm nhớt không còn đọng ở cổ trẻ.
Điều này giúp trẻ đỡ ho và ăn bớt nôn. Thức ăn có nhiều nước giúp làm loãng đờm nhớt ở trẻ, không bị kích thích ho nhiều. Điều nên nhớ là cần chia bữa ăn ra làm nhiều lần, cho ăn nhiều lần trong ngày.