Có thể nói, đây là quan điểm rất đúng đắn, tiến bộ và mang tính đột phá không chỉ về nhận thức pháp lý đơn thuần, mà còn thể hiện quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của cả hệ thống chính trị.
Bởi vì, đã là vi phạm pháp luật, tội phạm thì dù còn đương chức hay đã nghỉ hưu cũng đều như nhau. Đó đều là hành vi không làm đúng những quy định của pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội và phải chịu trách nhiệm pháp lý, chế tài theo quy định.
Chúng ta thử đặt ngược lại vấn đề là người dân bình thường không có chức vụ gì nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì bị xử lý theo quy định. Trong khi đó, cán bộ, công chức là những người lẽ ra phải gương mẫu, có ý thức trách nhiệm trong tuyên truyền, thực thi pháp luật lại vi phạm pháp luật nhưng đã về hưu, chuyển công tác lại được miễn xem xét, xử lý khi có tố cáo là bất hợp lý.
Mặt khác, nếu không xem xét giải quyết các tố cáo đối với cán bộ đã nghỉ hưu, chuyển công tác vô tình đã tạo ra sự phân biệt giữa cán bộ và người dân bình thường. Người dân có quyền nghi ngờ có sự ưu ái nào đó đối với cán bộ, công chức, thậm chí tạo ra đặc quyền, đặc lợi, bất bình đẳng trong việc xử lý vi phạm pháp luật. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội và gây mất niềm tin của người dân đối với cơ quan Nhà nước, hệ thống chính trị.
Ngoài ra, không xem xét, giải quyết đơn thư tố cáo đối với người đã nghỉ hưu, chuyển công tác khác sẽ tạo ra kẽ hở, “khoảng trống” pháp luật rất nguy hiểm. Đó là những người sắp về hưu, chuyển công tác có thể lợi dụng để cố ý làm trái, tham nhũng, tiêu cực và “hạ cánh” an toàn mà không sợ bị pháp luật “sờ gáy”.
Quy định này cũng sẽ khuyến khích cán bộ, công chức và người dân tích cực tham gia tố cáo, tố giác tội phạm. Lý do là việc tố cáo những người đang đương chức, đương quyền rất khó khăn, phức tạp, thậm chí nguy hiểm vì người tố cáo có thể trả thù, trù dập hoặc người bị tố cáo có thể dùng quyền lực bưng bít, che chắn nhưng khi họ đã về hưu, chuyển công tác thì mọi việc sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn.
Việc quy định như nói ở trên, sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các trường hợp cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, chuyển công tác có vi phạm pháp luật. Đây là biện pháp quan trọng, hiệu quả để phòng ngừa, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức hiện nay.