Tình trạng quá tải về rác tại Hà Nội cũng như việc áp dụng công nghệ xử lý còn thiếu và nhiều bất cập. Rác được xử lý phần lớn là chôn lấp thô sơ bằng cách vùi lấp, tạo nên nguồn ô nhiễm rất lớn ảnh hưởng xấu tới môi trường sống cũng như sinh hoạt của người dân.
Thói quen không dễ thay đổi
Bất cứ lúc nào, ở đâu, ta đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh không mấy thiện cảm tại những tuyến đường, con phố, đó là ở các gốc cây, góc tường, vườn hoa, vỉa hè... những đống rác thải, túi to, túi nhỏ vứt bừa bãi, thậm chí cả những phế liệu xây dựng đổ tràn xuống cả sông - tóm lại bất cứ nơi nào cảm thấy vứt được thì vô tư “xả” rác.
Đây là thực trạng đáng báo động mà các đô thị (trong đó có Hà Nội) đã và đang phải hứng chịu. Hà Nội đang dần đánh mất đi hình ảnh của một thành phố xanh, sạch, đẹp và văn minh.
Thay vào đó là tình trạng ô nhiễm nặng nề, đầy rác và nước thải bẩn, cũng như cuộc sống nhếch nhác, cộng với ý thức văn hóa cộng đồng còn rất thấp của một bộ phận không nhỏ người dân…
Trước thực trạng rác thải đô thị ngày một gia tăng, khó kiểm soát, ông Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng) - cho rằng:
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là hầu hết chất thải rắn (CTR) đều chưa được phân loại từ nguồn, phương pháp xử lý phổ biến vẫn là chôn lấp (từ 70 - 85% tổng lượng thu gom); tỷ lệ chế biến thành phân hữu cơ còn thấp, chất lượng chưa cao, khó tiêu thụ rộng rãi.
Đặc biệt, cũng chưa có địa phương nào trong cả nước có mô hình xử lý CTR sinh hoạt hoàn thiện, đạt chuẩn các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế - xã hội và môi trường…
Theo ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, khối lượng CTR trên địa bàn thành phố tăng trung bình gần 20%/năm.
Lượng CTR đô thị phát sinh đã tới gần 7.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt ở các quận nội thành ước tính đạt khoảng 95%, các huyện ngoại thành chỉ đạt khoảng 65 - 70%.
Lượng CTR công nghiệp được thu gom đạt khoảng 85 - 90% và chất thải nguy hại được thu gom mới chỉ đạt 65 - 75%. Việc xử lý, tiêu hủy, tái chế CTR hiện chủ yếu dựa vào chôn lấp...
“Không phải loại rác nào cũng có thể xử lý theo kiểu chôn lấp, bởi có những loại rác không thể tiêu hủy hoặc có những loại rác nếu tiêu hủy rất nguy hại đối với môi trường không khí, đất và nước.
Chính vì vậy mà các bãi chôn lấp rác của Hà Nội đều luôn trong tình trạng quá tải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của các hộ dân xung quanh...” - Ông Tiến cho biết.
Mô hình cần nhân rộng
Vài năm trở lại đây, tại nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô Hà Nội như: Quận Hoàng Mai, quận Long Biên… đã xuất hiện các mô hình xã hội hóa thu gom và xử lý rác thải.
Dù mới chỉ đạt được những thành công bước đầu và còn nhiều khó khăn, nhưng những mô hình này đã phần nào thay đổi thói quen, có ý thức, vứt rác có giờ, khoa học, đúng cách hơn.
Một điển hình của mô hình này là của Công ty CP Thăng Long, đang được triển khai rất có hiệu quả tại một số địa bàn thuộc quận Hoàng Mai và Long Biên (Hà Nội).
Với mô hình này, ngoài hình thức công nhân đẩy xe tay đi thu gom rác, các xe tải chuyên dụng sẽ di chuyển dọc theo các con phố, ngõ phố phù hợp, đánh kẻng báo để người dân tự mang rác ra đổ lên xe. Giờ thu gom rác cố định từ 17 - 20 giờ hàng ngày. Rác thải sẽ được trở về khu xử lý rác thải...
Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai cũng là “điểm sáng” với mô hình xã hội hóa xử lý rác. Đơn vị này đang hoàn thành dự án xây dựng nhà máy xử lý rác công nghệ cao với tổng vốn trên 100 tỷ đồng, bảo đảm xứ lý rác triệt để cho các huyện Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai…
Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, các mô hình xã hội hóa xử lý rác đạt hiệu quả cao giúp bộ mặt môi trường các khu vực đô thị được cải thiện rõ rệt.
Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đang có nhiều chính sách để khuyến khích các khối tư nhân tham gia vào mô hình này, nhằm giảm gánh nặng ngân sách và giải quyết triệt để vấn đề rác thải sinh hoạt cho người dân.
“Nếu được quan tâm đúng mức từ các cơ quan chức năng, sự tham gia, ủng hộ của người dân và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, các mô hình xã hội hóa sẽ là lời giải nhanh nhất cho “bài toán” rác thải sinh hoạt đang vô cùng cấp bách hiện nay ở Thủ đô Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung” - Ông Tiến cho biết.