Xử lý nghiêm tàu cá 'đi lạc'

GD&TĐ - Cả nước hiện có 29 nghìn tàu đánh cá, dài từ 15m trở lên được gắn thiết bị giám sát hành trình, đạt 97%.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Hiện vẫn còn 3% số tàu chưa gắn thiết bị giám sát, trong đó có một số tàu nằm bờ lâu nay không hoạt động, số còn lại là “đi lạc” sang nhiều cảng biển ở tỉnh khác để tránh phải thực hiện gắn thiết bị nhằm lén lút đánh cá bất hợp pháp.

Theo quy định hiện hành, tất cả các tàu đánh bắt xa bờ, có chiều dài 15 mét trở lên đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Điều kiện bắt buộc này nhằm mục đích để lực lượng chức năng trên bờ dễ quản lý, tránh tình trạng ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp, ảnh hưởng đến việc gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) vào cuối năm nay.

Cũng có những tàu đã lắp thiết bị giám sát mà không thể liên lạc được với đất liền nhưng những trường hợp như thế, cơ quan chức năng rất cân nhắc khi kiểm tra, xem xét “lời khai” của các chủ tàu có đúng với hiện trạng hay không. Nếu có gì khuất tất khi lực lượng chức năng kiểm tra thì chủ tàu cũng bị phạt nặng.

Có điều này, ngư dân từng ý kiến với ngành chức năng cần xử lý để họ không bị thiệt thòi. Theo quy định, nếu tàu nào đi đánh bắt xa bờ mà không liên lạc được trong 10 ngày liên tục thì buộc tàu phải quay về bờ để kiểm tra cho chính xác.

Có những tàu ra khơi chưa khai thác cá được bao nhiêu mà thiết bị giám sát hành trình bị trục trặc, để tránh bị phạt, chủ tàu cho tàu về lại đất liền nên rất tốn kém mà không biết lấy khoản nào để bù vào. Hồi tháng 5/2024, trên 200 tàu đánh cá ở Quảng Bình “mất liên lạc” cũng do trục trặc kỹ thuật từ thiết bị giám sát hành trình.

Tàu “đi lạc” có hai dạng, một dạng là cố tình ngắt kết nối để cơ quan chức năng trên bờ không biết tàu đang hoạt động ở vùng biển nào, có vi phạm lãnh hải của nước khác không, để họ dễ bề hoạt động. 100 tàu đánh cá ở Quảng Ngãi bị phạt 2,5 tỷ đồng từ đầu năm đến nay là ở dạng này.

Ở dạng thứ hai là tàu không về các bến cảng của tỉnh mình đăng ký biển số mà “đi lạc” ở các tỉnh khác. Tình trạng này khá phổ biến. Hiện tại, các tỉnh đã có công văn gửi cho nhau cùng phối hợp để buộc các tàu “đi lạc” ấy phải quay về tỉnh mình để gắn thiết bị giám sát hành trình.

Chỉ cần một vài tàu trong số 3% số tàu không gắn thiết bị hành trình kia vi phạm các quy định trong quá trình đánh cá trên biển thì coi như mọi cố gắng lâu nay của cả nước để gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu sẽ thành công cốc!

Được biết, Ủy ban châu Âu sẽ có đợt kiểm tra cuối cùng vào cuối năm nay để xem xét có gỡ thẻ vàng cho Việt Nam hay không. Các tỉnh có tàu đánh cá trên biển đã và đang quyết liệt trong việc xử phạt các chủ tàu vi phạm các quy định hiện hành.

Tuy nhiên, đây đó vẫn có những tàu cố tình vi phạm các quy định của cơ quan chức năng. Vì cái chung, vì sự phát triển của đất nước, mỗi ngư dân, mỗi chủ tàu cần phải ý thức điều đó để tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.