Sáng ngày 8/1, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức họp báo thông tin kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Tại họp báo, Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, Ủy viên Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia thông tin cho biết, năm 2020, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự điều hành của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đã đạt được một số kết quả tích cực, nhiều đối tượng, đường dây ổ nhóm tội phạm đã bị triệt phá, nhiều đối tượng đã bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 185.461 vụ việc vi phạm (giảm 16,3 % so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp NSNN 24.817 tỷ 656 triệu đồng (tăng 15,39 %so với cùng kỳ), khởi tố 2.543 vụ (tăng 28,3 % so với cùng kỳ), 3.502 đối tượng (tăng 49,46 % so với cùng kỳ). Nhiều đường dây, ổ nhóm đã bị triệt phá, nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu bị bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng thông tin về việc xử lý một số vụ việc điển hình, nhận được sự quan tâm của dư luận. Đó là vụ việc gần 100 xe tải chở hàng Trung Quốc mà cơ quan hải quan đã bắt giữ hồi tháng 7/2020 tại cửa khẩu Kim Thành (tỉnh Lào Cai). Về vụ việc này, ông Nguyễn Văn Ổn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, vụ việc này được lực lượng chống buôn lậu Tổng cục Hải quan phối hợp lực lượng chống buôn lậu Bộ Công an (C03) phát hiện và bắt giữ.
“Số lượng 92 xe hàng Trung Quốc này nếu quy đổi ra thì khoảng 200 container. Tiến độ xử lý vụ việc đến nay đang ở bước xác định giá trị hàng hóa và xác định mặt hàng. Đến nay có thể kết luận là có 4 nhóm sai phạm, trong đó có cả hàng cấm nhập khẩu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Lực lượng chức năng đang xác minh làm rõ chủ thể, hàng vi phạm. Nếu chủ thể đủ điều kiện khởi tố thì sẽ chuyển sang khởi tố, nếu đủ điều kiện xử phạt hành chính thì sẽ bị xử phạt hành chính. Còn hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thì sẽ bị tiêu hủy”, ông Ổn nói.
Về vụ việc, 42 tấn găng tay đã qua sử dụng chứa trong 3 container tại cảng TP. HCM, ông Nguyễn Văn Ổn cho biết số hàng hóa này có xuất xứ Trung Quốc và được khai báo là găng tay nhà bếp.
Tuy nhiên, lực lượng Hải quan đang tổ chức xác minh để xác định mục đích sử dụng số hàng trên là găng tay nhà bếp hay găng tay y tế.“Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, đây là vụ việc nghiêm trọng. Nếu số găng tay trên dùng trong y tế thì sẽ là nguy cơ lây lan dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Ổn thông tin.
Về việc liên quan đến kiểm tra hàng quá cảnh, ông Nguyễn Văn Ổn cho hay: Hiện Cục Điều tra chống buôn lậu đã có văn bản trao đổi với Hiệp hội vận tải Việt Nam - ASEAN. Theo đó, việc kiểm tra hàng hóa của cơ quan Hải quan là đúng quy định của pháp luật. Qua công tác nắm tình hình, lực lượng Hải quan nhận thấy, các đối tượng lợi dụng loại hình quá cảnh để buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan giao cho Cục Điều tra chống buôn lậu xây dựng kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với loại hình này.
Theo đó, trong tháng 7/2020, lực lượng Hải quan đã tập trung cao điểm để triển khai kế hoạch. Qua đó, lực lượng Hải quan đã tổ chức kiểm tra trên 600 container, thực hiện kiểm tra từ 17-20% thực tế hàng hóa. Kết quả, lực lượng Hải quan đã phát hiện 75% hàng hóa vi phạm. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là hàng giả được quá cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam đi Campuchia. Mới đây nhất, qua đấu tranh, lực lượng Hải quan đã phối hợp thu giữ gần 100kg sừng tê giác trong lô hàng quá cảnh.