Hàng triệu con diệc, cò, vẹt… đã bị giết để phục vụ sở thích thời trang khoa trương của con người và một số loài còn bị săn giết đến mức tuyệt chủng.
Cơn sốt lông vũ
Nhân loại biết sử dụng lông vũ như phụ kiện thời trang từ rất xa xưa nhưng không thời đại nào lại lạm dụng nó hơn thời Victoria (1837 - 1901). Trong lịch sử phương Tây, đây là giai đoạn công nghiệp hóa may mặc bùng nổ, tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi sản xuất, phân phối trang phục và với sự giàu có của tầng lớp thượng lưu, nó nảy sinh thời trang nhanh.
Phụ nữ lý tưởng thời Victoria là người sở hữu tủ quần áo phong phú nhất, không bao giờ mặc lại và mua sắm đồ mới liên tục. Họ phải nhiều váy áo đến mức một ngày cũng thay 3 bộ khác nhau và bộ nào cũng đẹp lộng lẫy.
Tất nhiên là phần lớn phụ nữ không có được tủ quần áo như lý tưởng nên họ cần cách khác và tìm ra phụ kiện đáp ứng là mũ. So với trang phục vừa tốn vải vóc lẫn công may, chiếc mũ không chỉ có chi phí rẻ hơn, mà còn vô cùng sang trọng, toát ra hết vẻ quý phái của người đội.
Cũng trong thời Victoria, xâm lăng và thuộc địa vùng đất mới phát triển mạnh. Các đội quân xâm lược mang danh khám phá, khai hóa vùng đất mới được tận mắt chứng kiến nhiều loài chim lạ, đẹp, điên cuồng săn giết, nhổ lông, lột da làm hàng hóa. Từ mọi vùng đất thuộc địa, các mẫu vật chim chóc và lông chim đẹp lũ lượt đổ về thị trường phương Tây theo mọi con đường, từ buôn bán đến cướp bóc, cống nạp…
Các nhà nghiên cứu chim thi nhau thu thập, khoe tủ kính, phòng trưng bày tràn ngập mẫu vật chim chóc. Càng là người có nhiều mẫu vật chim chóc lạ thì càng được nể phục và dần dà, bộ sưu tập chim chóc biến thành biểu tượng địa vị tối thượng.
Trang trí mũ bằng lông chim là nghệ thuật thủ công có từ ngàn xưa nhưng phải đến thời Victoria mới biến thành trào lưu thời trang. Nó cũng không dừng lại ở việc gắn vài chiếc lông vũ lên mà chuyển sang đính cả con chim. Hàng loạt thợ làm mũ đua nhau học hỏi cách biến xác chim thành phụ kiện sống động nhất. Họ gắn mắt thủy tinh, giữ đôi cánh dang rộng và chải chuốt bộ lông thật mượt mà.
Chẳng mấy chốc, tất cả các xã hội thượng lưu phương Tây đều tràn ngập mũ lông chim. Chỉ trong chuyến đi bộ ngẫu nhiên qua Thượng Manhattan, đô thị được mệnh danh là thiên đường của giới thượng lưu ở Mỹ, một nhà nghiên cứu chim đã đếm được 700 phụ nữ đội mũ lông chim, trong đó có hơn 500 người đội mũ gắn chim nguyên xác.
Ngoài mũ, người ta còn sản xuất áo choàng lông chim, thảm lông chim… bằng cách thuộc da và khâu hàng ngàn tấm da chim lại với nhau. Càng lúc, cơn sốt lông vũ càng mạnh mẽ. Hàng triệu con diệc, cò, vẹt, nuốc nữ hoàng… bị giết và biến thành phụ kiện thời trang. Ở các vùng thuộc địa, chim chóc càng bị săn giết dữ dội hơn, đến mức xác của chúng nhiễm độc đất đai và nhiều loài rơi vào tuyệt chủng.

Tội ác với thiên nhiên
Trong khi phụ nữ thời Victoria điên cuồng trưng diện mũ lông vũ thì đàn ông cũng lấy nó buộc mồi câu. Thời gian này, các quý ông thịnh trào lưu câu cá và để “lấy le” với người khác, họ biến mồi câu thành một hình thức nghệ thuật, sử dụng những chiếc lông chim sặc sỡ, kỳ lạ nhất. Một số người còn viết cả chuyên luận về việc cần phải sử dụng lông chim nhập khẩu thì mới lừa được cá hồi cắn câu.
Khi cơn sốt lông vũ lên đến đỉnh điểm, ngành sản xuất lông vũ có đến hàng trăm nghìn nhân công và phân chia công việc rành rẽ như thợ nhuộm, thương gia, thợ săn… và đặc biệt lạm dụng lao động trẻ em. Quy mô tàn sát chim chóc của ngành này lớn đến nỗi, tính đến năm 1900, chỉ riêng khu vực Bắc Mỹ đã có hơn 200 triệu con chim bị giết.
Bất chấp quần thể chim sụt giảm nhanh chóng, giá lông vũ cứ tăng vọt. Nhiều nhà điểu học phải kêu ca vì không đủ tiền mua mẫu vật chim chóc.
Ngay từ ngày đầu của cơn sốt lông vũ, đã có người cực lực phản đối. Năm 1875, tạp chí Harper’s Bazaar cho đăng bài báo lên án thời trang lông vũ. Tác giả của nó phê phán phụ nữ không biết khiêm nhường và chỉ vì thói khoa trương của bản thân mà khiến các loài lông vũ vô tội bị thảm sát.

Rất nhanh, phụ nữ bị biến thành “vật tế thần”. Các tòa soạn tranh nhau đăng hình những bức biếm họa vẽ phụ nữ với xác chim phủ kín từ đầu đến chân và gọi họ là “kẻ săn chim đích thực”. Sau này, các học giả chỉ ra đây chỉ là một trường hợp đổ lỗi trong xã hội trọng nam quyền.
Bởi vì, ngành sản xuất lông vũ do nam giới thống trị còn nữ giới chỉ là mục tiêu bị nhắm tới. Rất nhiều phụ nữ bị thuyết phục rằng thời trang lông vũ không hề gây hại cho tự nhiên mà còn tạo công ăn việc làm cho dân nghèo. Ngay khi biết được hậu quả của nó, họ đã thành lập các hội phản đối như The Plumage League để tuyên truyền về tác hại cũng như khuyến cáo nên dừng lại.
Cuối cùng, vào năm 1910, cơn sốt lông vũ cũng bị dập tắt. Cả Anh và Mỹ đều thông qua luật cấm nhập khẩu lông vũ và săn bắt các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, 30 năm cơn sốt lông vũ vẫn để lại hậu quả nghiêm trọng. Hơn một thế kỷ sau, 45 loài chim Thiên đường, những loài chim bị săn giết lấy lông nhiều nhất, vẫn chưa phục hồi và hiện còn đang trong nguy cơ bị đe dọa.