Điều này đồng nghĩa chúng ta cần tìm cách ngăn chặn tình huống xấu nhất. Một trong những nỗ lực đảo ngược tình thế là đề xuất hồi sinh một số loài đã biến mất từ lâu, còn gọi là “phục hồi tuyệt chủng”.
Cơ hội phục hồi hệ sinh thái
Việc hồi sinh các loài đã tuyệt chủng mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho nhân loại. Đại khủng hoảng đa dạng sinh học là một phần của cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu. Tuy nhiên, phục hồi tuyệt chủng có thể giúp cân bằng hệ sinh thái.
Đầu tiên, kế hoạch này sẽ khôi phục hệ sinh thái đã mất. Một số loài tuyệt chủng có vai trò quan trọng trong cân bằng sinh thái. Ví dụ, voi ma mút lông mịn có thể giúp duy trì đồng cỏ tại Bắc Cực, hạn chế sự phát triển quá mức của rừng và giúp giảm khí hậu ấm lên.
Voi ma mút từng đóng vai trò quan trọng trong việc làm mát hành tinh. Chúng nén chặt băng vĩnh cửu, hạn chế khí mê-tan thoát ra, bẻ gãy cây bụi, tạo điều kiện cho thảo nguyên phát triển, giúp phản chiếu ánh sáng Mặt trời và giảm tốc độ nóng lên toàn cầu. Kể từ khi voi ma mút biến mất, khu vực Bắc Cực đã bị bao phủ bởi rừng phương Bắc hấp thụ nhiệt nhiều hơn, góp phần đẩy nhanh biến đổi khí hậu.
Phục hồi tuyệt chủng có thể trở thành công cụ hữu ích trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học. Một số tổ chức bảo tồn đã quan tâm đến ý tưởng này mà không cần sử dụng nhân bản hay kỹ thuật di truyền.
Đơn cử, Tổ chức Trees for Life đang lai tạo chọn lọc để tái tạo loài bò rừng châu Âu đã tuyệt chủng, với mục tiêu đưa chúng trở lại vùng Cao nguyên Scotland. Tương tự như voi ma mút của Colossal, những con bò rừng được kỳ vọng sẽ giúp tái tạo môi trường sống cho nhiều loài khác.
Thứ hai, kế hoạch sẽ thúc đẩy khoa học và công nghệ sinh học. Công nghệ chỉnh sửa gen như CRISPR phát triển mạnh nhờ vào nghiên cứu hồi sinh loài tuyệt chủng, có thể ứng dụng trong y học, nông nghiệp và bảo tồn các loài đang gặp nguy hiểm. Còn kĩ thuật nhân bản và di truyền từ việc hồi sinh các loài tuyệt chủng có thể bảo vệ sự đa dạng sinh học, điều trị bệnh ở người.
Thứ ba, nghiên cứu các loài tuyệt chủng giúp hiểu rõ hơn về lịch sử tiến hóa, khả năng thích nghi với môi trường; từ đó, con người có hướng bảo vệ các loài hiện nay khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Những loài được hồi sinh mang lại lợi ích về kinh tế và du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao ý thức bảo tồn thiên nhiên.

Rào cản từ thực tế
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trái chiều về việc hồi sinh các loài tuyệt chủng. Tỷ lệ tuyệt chủng hiện tại được cho là cao gấp nhiều lần so với tốc độ tự nhiên, cho thấy công tác bảo tồn rất cần được chú trọng. Việc bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng và ngăn chặn tình trạng này trong tương lai là ưu tiên hàng đầu nhưng thiếu hụt ngân sách nghiêm trọng.
Vì vậy, nhiều nhà bảo tồn cho rằng phục hồi tuyệt chủng chỉ là một sự lãng phí không cần thiết và tiêu tốn nguồn lực đáng lẽ nên được dành cho các dự án bảo vệ môi trường.
Một nghiên cứu gần đây chỉ ra, nếu sử dụng ngân sách công cho những nỗ lực phục hồi tuyệt chủng có thể gây mất mát đa dạng sinh học, bởi cứ 2 loài bị tuyệt chủng, ta mới có thể phục hồi được một loài. Cùng với đó, một số dự án bảo tồn đang chật vật duy trì hoạt động.
Ông Ben Lamm, nhà sáng lập kiêm CEO Colossal, công ty khởi nghiệp về khoa học sinh học, nhận định: “Khoản tiền này nên được đầu tư vào việc phát triển công nghệ, giúp chúng ta có trong tay những công cụ phục hồi tuyệt chủng cần thiết để ứng phó khi cần, thay vì không có gì cả”.
Nói cách khác, thay vì đặt cược tất cả vào bảo tồn truyền thống, chúng ta cần phát triển các công nghệ cứu hộ di truyền như một phương án dự phòng trong trường hợp các nỗ lực bảo tồn không đạt kết quả mong muốn.
Hơn nữa, bằng cách cung cấp miễn phí các công nghệ này cho các tổ chức bảo tồn, Colossal tin rằng nỗ lực của họ sẽ giúp tăng đáng kể cơ hội bảo vệ những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Nghiên cứu của Colossal đã giúp tạo ra vắc-xin phòng virus herpes nội mô ở voi - căn bệnh gây tử vong cho 20% số voi, còn nghiêm trọng hơn cả nạn săn trộm hay xung đột với con người.
Bên cạnh đó, lịch sử cho thấy con người chưa sẵn sàng chung sống với động vật săn mồi lớn, nhất là những loài đã tuyệt chủng. Nếu không có kế hoạch dài hạn, phục hồi tuyệt chủng có thể trở thành một dự án tốn kém nhưng vô ích.
Tương tự, TS Heather Browning, chuyên gia về Phúc lợi động vật tại Đại học Southampton, Anh, cho rằng đây là một kế hoạch không thực tế.
“Môi trường sống hiện tại không giống với Kỷ Băng hà. Việc đưa các loài này trở lại có thể vô tình tạo ra một loài xâm lấn mới”, TS Heather nói và cho hay, khi việc phục hồi tuyệt chủng thành công, vẫn có nhiều thách thức cần giải quyết.
Một vấn đề quan trọng là đảm bảo các loài hồi sinh có thể thích nghi với môi trường sống hiện tại, thay vì gây hại cho hệ sinh thái mới. Ngoài ra, những loài này có thể đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng một lần nữa nếu con người không thay đổi cách quản lý môi trường.
Dù vậy, những công nghệ phát triển từ quá trình phục hồi tuyệt chủng có thể mang lại lợi ích lớn cho công tác bảo tồn. Các phương pháp như lưu trữ mô sinh học, giải trình tự gen, và tạo tế bào gốc có thể giúp bảo vệ các loài đang nguy cấp ngay từ bây giờ.
Nhìn chung, phục hồi tuyệt chủng không nên thay thế bảo tồn truyền thống, mà cần được xem như một công cụ bổ trợ giúp tăng cường khả năng bảo vệ đa dạng sinh học trong tương lai.