Xu hướng đa ngoại ngữ: Cơ hội trong kỷ nguyên toàn cầu hóa

GD&TĐ - Xu hướng học đa ngoại ngữ đang ngày càng trở nên phổ biến...

Người trong nghề tiết lộ, một buổi dẫn của MC song ngữ thường có thù lao dao động từ 5 - 8 triệu đồng. Ảnh: NVCC
Người trong nghề tiết lộ, một buổi dẫn của MC song ngữ thường có thù lao dao động từ 5 - 8 triệu đồng. Ảnh: NVCC

Trong bối cảnh thị trường việc làm có sự cạnh tranh gay gắt, khả năng giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ trở thành một lợi thế quan trọng, mở ra nhiều cơ hội tiềm năng.

Trở ngại khi không có ngoại ngữ

Hiện nay, với sự mở rộng của hợp tác quốc tế, sự lớn mạnh của nền công nghiệp đa quốc gia, ngoại ngữ trở thành cầu nối và cánh tay đắc lực. Thế nên không chỉ các bạn học sinh, sinh viên mà ngay cả những người đã đi làm cũng mạnh dạn đầu tư thời gian học tập nhằm “chinh phục” nhiều ngôn ngữ mới.

Sau mỗi ngày làm việc, anh Mai Tùng Lâm (30 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại tranh thủ về nhà để tự học tiếng Hàn Quốc. Đây là thói quen mà anh Tùng Lâm đã duy trì nghiêm túc cả năm qua với mục tiêu giao tiếp thành thạo ngôn ngữ của xứ sở kim chi.

Là một huấn luyện viên làm việc tại câu lạc bộ yoga, tệp khách hàng của anh Tùng Lâm đa số là người nước ngoài. Trong công việc hàng ngày, anh thường sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với khách. Tuy nhiên khu vực Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - nơi anh Tùng Lâm làm việc có rất nhiều người Hàn Quốc và không phải ai cũng sử dụng thành thạo tiếng Anh.

“Muốn tư vấn bán các gói tập, thực phẩm và mang đến cho khách hàng trải nghiệm tập luyện, dinh dưỡng tốt nhất, tôi phải đầu tư thời gian học thêm tiếng Hàn Quốc. Vì không biết tiếng Hàn Quốc, tôi đã bỏ lỡ nhiều khách hàng tiềm năng. Hiện nay, có nhiều ứng dụng học ngoại ngữ trên thiết bị di động, từ miễn phí đến có thu phí. Bởi vậy, chuyện học ngoại ngữ trở nên vô cùng thuận tiện với người có nhu cầu”, anh Tùng Lâm chia sẻ.

Dù công việc hiện tại không đòi hỏi sử dụng đa ngôn ngữ, song chị Trần Thị Hoài Thu (24 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn kiên trì với việc học tiếng Trung Quốc. Chị Hoài Thu chia sẻ, trong thời đại công nghệ số và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, khả năng giao tiếp đa ngôn ngữ sẽ trở thành thế mạnh. Kể về lần đầu tiên đi xin việc, bạn trẻ này ngậm ngùi chia sẻ, dù hồ sơ rất đẹp, song chị vẫn thất bại trước các ứng viên cùng ứng tuyển.

Lý do, vì đây là tập đoàn đa quốc gia nên nhà tuyển dụng ưu tiên chọn những người thành thạo đa ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Trung. Trong khi đó, chị Hoài Thu chỉ có bằng tiếng Anh trình độ B2.

“Đôi khi, học thêm một ngôn ngữ mới có thể giúp bạn tăng gấp đôi số lượng công việc mà bạn có thể ứng tuyển. Càng biết nhiều ngoại ngữ, các bạn trẻ càng nắm chắc trong tay chiếc chìa khóa mở cánh cửa trở thành công dân toàn cầu”, chị Hoài Thu nhận định.

xu-huong-da-ngoai-ngu2-2527.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Phát huy tối đa lợi thế

Dù mới học lớp 9, song em Hoàng Duy Hùng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã đạt 7.5 IELTS và giao tiếp thành thạo tiếng Pháp. Duy Hùng chia sẻ, điều tuyệt vời khi biết nhiều ngoại ngữ là em có thể tự tin trò chuyện, kết nối dễ dàng hơn với mọi người, đồng thời thích nghi linh hoạt trong nhiều nền văn hóa.

Ngoài ra, vì có vốn ngoại ngữ phong phú cùng với thành tích học tập khá, Hùng còn có cơ hội đi trao đổi học tập trong kỳ nghỉ hè ở một số quốc gia trên thế giới như Pháp, Singapore… Trong tương lai, Duy Hùng dự định sẽ tiếp tục trau dồi vốn ngoại ngữ và “săn” học bổng để có cơ hội học tập và khám phá ở nhiều vùng đất mới.

Gắn bó với nghề MC tại các sự kiện lớn nhỏ đã gần 5 năm, chị Nguyễn Giang Hà Phương (25 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tiết lộ, trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập, một loại hình MC đang rất “hot” là dẫn chương trình song ngữ.

Ở Việt Nam hiện nay, MC song ngữ như Việt – Anh, Việt – Nhật, Việt – Pháp, Nhật – Trung đều được săn đón ở những sự kiện ngoại giao hay văn hóa du lịch, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM…

“Một buổi dẫn của MC song ngữ thường có thù lao dao động từ 5 – 8 triệu đồng, cao hơn hẳn so với người dẫn chương trình thông thường. Vì vậy để cải thiện mức thu nhập và kỹ năng, nắm bắt nhiều cơ hội hơn, tôi đang tập trung nâng cao trình độ tiếng Nhật của bản thân.

Nghề của tôi có sự cạnh tranh và đào thải rất lớn. Tôi buộc phải trau dồi và học hỏi những điều mới mỗi ngày. Biết nhiều ngoại ngữ thật sự là một lợi thế cực kỳ lớn trong ngành nghề của tôi nói riêng và mọi ngành nghề trong xã hội 4.0 nói chung”, chị Nguyễn Giang Hà Phương khẳng định.

Theo PGS.TS Vương Toàn - nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, học ngôn ngữ không đơn thuần là chỉ học mặt chữ, cách phát âm, mà còn là sự nghiên cứu để hiểu và tiếp cận những điều thú vị về văn hóa và con người của một đất nước. Khi phá bỏ được rào cản giao tiếp, con người sẽ dễ dàng mở lòng để trò chuyện và từ đó, nhiều cơ hội mới được mở ra.

“Khi tiếp cận với một ngôn ngữ khác, đặc biệt là các ngôn ngữ mới, các bạn sẽ biết được mọi người đang quan tâm điều gì, công nghệ đang phát triển theo hướng nào…

Nhờ tiếp cận các thông tin một cách khách quan đa chiều, các bạn sẽ không bị lạc hậu. Ngoài ra, việc thử những điều mới như việc học một ngôn ngữ mới sẽ cho các bạn cái nhìn khác hơn về những thứ quen thuộc vẫn làm, thoát khỏi các ràng buộc vốn có đồng thời cởi mở hơn trước những điều mới lạ”, PGS.TS Vương Toàn cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.