Xu hướng công nghệ tương lai

GD&TĐ - Thực tế tăng cường, điện toán sương mù, trí tuệ nhân tạo – đó là một số xu hướng công nghệ được dự đoán cho tương lai gần.

Xu hướng công nghệ tương lai

Gia tăng hoạt động trên Internet và nhu cầu kết nối băng thông rộng

Đến năm 2020 hoạt động toàn cầu trên Internet sẽ lớn hơn 95 lần so với hoạt động được ghi nhận vào năm 2005. Sự gia tăng khổng lồ này là kết quả của sự gia tăng số người sử dụng mạng toàn cầu (4,1 tỷ người vào năm 2020), sự gia tăng số thiết bị kết nối với Internet, sự gia tăng lưu lượng dữ liệu qua băng thông rộng và sự phổ biến của truyền phát video.

Đến năm 2020, 71% hoạt động giao thức Internet là do các thiết bị khác PC (máy tính cá nhân) như tablet, smartphone, tv... gây ra. Hoạt động trên Internet gia tăng còn do sự chuyển dịch sang kỹ thuật số của các doanh nghiệp và sự phổ biến của các hệ thống Internet các vật dụng IoT.

Sự gia tăng lượng dữ liệu chuyển giao trên Internet cũng có nguyên nhân từ việc áp dụng các công nghệ như giám sát bằng video, các thiết bị đo, thiết bị cảm ứng kết nối mạng, các thiết bị y tế hoạt động từ xa, theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân hay dịch vụ M2M (giao tiếp giữa máy với máy thông qua kết nối mạng).

Số hóa đòi hỏi mạng tương thích

Hiện nay tất cả mọi người (nhà sản xuất, doanh nghiệp công nghệ, công ty tư vấn, các chính trị gia…) đều nói về số hóa. Tại Hội thảo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) năm 2016, chủ đề chính thường được nhắc tới chính là số hóa. Số hóa là yếu tố cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bởi vì thế giới đang trở nên số hóa, tất cả bắt đầu bằng việc kết nối mạng, cho nên dữ liệu trở thành nguồn tài nguyên mang ý nghĩa chiến lược đối với mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia.

Khả năng đảm bảo an toàn dữ liệu, truy cập dữ liệu không rối nhiễu và sử dụng dữ liệu là những điều kiện cơ bản để doanh nghiệp hoặc tổ chức nhà nước đạt được thành công.

Tuy nhiên điều kiện quan trọng và tiên quyết để việc số hóa đạt hiệu quả là sự tiếp cận mạng sẵn sàng cho chuyển dịch sang số hóa.

Tương tự như trường hợp mạng toàn cầu WWW (World Wide Web) với nhiều vấn đề kỹ thuật Internet phức tạp được giấu kín, khiến cho nó trở nên dễ tiếp cận đối với mọi người, công nghệ mạng sử dụng trong các hệ thống doanh nghiệp cũng tiến hóa theo hướng sử dụng các mô hình mở.

Những hệ thống chuẩn bị cho số hóa có thể cho phép sử dụng cơ chế tự động hóa dựa trên kiểm soát và phân tích mạng trong thời gian thực.

Bằng cách nào mà những mạng mở tạo điều kiện cho chuyển dịch sang số hóa diễn ra dễ dàng? Trước hết, các mạng này cung cấp cơ chế giúp theo dõi các hoạt động trên mạng, tự động hóa các quá trình và bảo vệ hệ thống trước các mối đe dọa.

Trong thời đại số hóa, những ví dụ điển hình có thể là các thiết bị mạng có khả năng tự động phát hiện và phong tỏa những sự kiện đáng ngờ diễn ra trong đường truyền (chẳng hạn trong đường dây truyền năng lượng) hoặc cung cấp thông tin về các hoạt động dịch vụ cần thiết trước khi xảy ra sự cố trong các hệ thống công nghiệp.

Trí tuệ nhân tạo mở ra khả năng mới phòng chống tội phạm điều khiển học

Quy mô các mối đe dọa điều khiển học gia tăng đến mức chúng ta không có khả năng đương đầu với chúng. Hiện tại chúng ta trông chờ vào khả năng tự động phát hiện và chống lại những mối đe dọa này.

Trí tuệ nhân tạo giúp các chuyên gia bảo mật phân tích và theo dõi những hoạt động đáng ngờ trên mạng. Ứng dụng của trí tuệ nhân tạo còn giúp phát hiện các vụ tấn công điều khiển học trước khi những thông tin nhạy cảm bị rò rỉ.

Hơn nữa, các thiết bị sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể phân tích một lượng dữ liệu khổng lồ và tự động học được cách phân biệt các hoạt động bình thường và hoạt động lệch chuẩn trên mạng của doanh nghiệp. Kết quả là các chuyên gia có thể phát hiện những mối nguy hiểm tiềm ẩn và biết cách chống lại những đợt tấn công điều khiển học mới. Sự tự động hóa như vậy có ý nghĩa rất căn bản đối với trường hợp các hệ thống IoT (Internet các vật dụng).

Điện toán sương mù

Trong năm 2017, việc tái tạo trong “điện toán sương mù” (fog computing) sẽ làm gia tăng hiệu quả những hệ thống đám mây nhờ chuyển một phần khối lượng tính toán sang các thiết bị cuối, nằm rải rác khắp nơi thay vì tập trung tại một vài trung tâm dữ liệu khổng lồ.

Công nghệ điện toán sương mù sẽ ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong cơ sở hạ tầng những đô thị thông minh (Smart City). Công nghệ này trang bị cho phần lớn thiết bị IoT khả năng tự động tái tạo dữ liệu, lưu trữ dữ liệu trong bộ nhớ dung lượng lớn.

Công nghệ điện toán sương mù còn làm gia tăng hiệu quả nhiều dịch vụ như theo dõi và điều khiển giao thông, điều khiển hệ thống chiếu sáng và các hệ thống an ninh đô thị.

Chẳng hạn, một camera đang theo dõi hoạt động giao thông đường phố, bỗng phát hiện ánh đèn nhấp nháy của xe cứu thương đang lao đến, ngay lập tức nó đổi ánh sáng đèn tín hiệu giao thông ở ngã tư để xe cứu thương có thể đi nhanh qua một cách an toàn.

Các thiết bị cảm ứng sử dụng công nghệ điện toán sương mù lắp đặt trên tàu hỏa có thể theo dõi trực tiếp tình trạng tất cả các bộ phận quan trọng của con tàu. Trong trường hợp phát hiện một sự cố nào đó, thiết bị cảm ứng sẽ gửi tín hiệu báo động đến bộ phận điều khiển tàu, chẳng hạn, gửi thông tin về việc bắt buộc phải dừng tàu ở nhà ga kế tiếp để thực hiện sửa chữa, khắc phục sự cố.

Công nghệ điện toán sương mù cũng giúp cải thiện hệ thống phân phối điện năng. Các cảm ứng IoT lắp đặt trong các thiết bị cuối, dựa trên cơ sở dữ liệu về sử dụng điện năng hiện tại, có thể tự động ngắt nguồn và tối ưu hóa chi phí sử dụng điện.

Sự phổ biến của công nghệ thực tế luân phiên

Sự pha trộn những kiểu thực tế ảo khác nhau sẽ là xu hướng nổi bật trong năm 2017. Những công ty lớn cho tới nay vốn chỉ bán hàng trên Internet đã kịp đưa dịch vụ đến các địa điểm trong đời thực (những hiệu sách Amazon và cửa hàng Amazon Go), còn trò chơi Pokemon Go đã mang các yếu tố công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented reality) đến với đại chúng.

Sự phát triển của các công nghệ liên quan đến thực tế ảo đạt tới đỉnh điểm mà mọi khách hàng đều có thể tiếp cận được. Những thiết bị như smartphone, tablet và các nền tảng dựa trên các chương trình mở cho phép các công ty sử dụng thực tế ảo để tiến hành kinh doanh - trong không gian Internet, môi trường ảo hay môi trường thực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.