Xót xa que xiên thịt đâm xuyên lưỡi bé 3 tuổi

GD&TĐ - Bé T.K.M (3 tuổi) được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện A Thái Nguyên trong tình trạng có dị vật là một que xiên thịt sắc nhọn đâm xuyên lưỡi.

Que xiên thịt được các bác sĩ lấy ra khỏi lưỡi bệnh nhi. Ảnh: BVCC.
Que xiên thịt được các bác sĩ lấy ra khỏi lưỡi bệnh nhi. Ảnh: BVCC.

Người nhà bệnh nhi cho biết, bé T.K.M 3 tuổi (TP. Thái Nguyên) cầm xiên que tự chơi đùa và ngã. Sau đó, que đâm vào lưỡi, gây thương tích. Khi nhập viện, bé vẫn tỉnh táo, xiên que đâm xuyên qua lưỡi, cắm xuống phía sàn miệng, gây chảy máu.

Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhi được các bác sĩ Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện A Thái Nguyên xử trí rút dị vật, cầm máu vết thương. Các bác sĩ cũng thăm khám để chắc chắn rằng không còn mảnh vỡ, dằm của xiên que sót lại tại vùng lưỡi bệnh nhi. Sau khi về nhà, gia đình cần theo dõi vết thương và vệ sinh hằng ngày cho bệnh nhi theo hướng dẫn của bác sĩ.

Theo BSCKI. Phạm Thế Hùng - Trưởng khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện A Thái Nguyên, người trực tiếp xử lý ca bệnh, xiên que đâm xuyên không trúng vào các mạch máu và dây thần kinh ở lưỡi. Vì vậy, bé không bị chảy máu ồ ạt, vết thương ở lưỡi sau khi lành cũng không gây ảnh hưởng đến vị giác cũng như khả năng nói, phát âm của bé.

"Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp trẻ bị thương tích do tai nạn sinh hoạt mà bệnh viện tiếp nhận. Những tai nạn thường gặp nhất là thương tích do ngã, tai nạn cắt, đâm do vật sắc nhọn (dao, kéo, đũa, que…), tai nạn do bỏng, sặc…”, chuyên gia cho biết.

Theo bác sĩ Hùng, thường xuyên xảy ra tình trạng trẻ em bị vật nhọn như đũa, tăm, que, bút viết… đâm vào miệng phải nhập viện cấp cứu. Thường trẻ bị đũa, tăm đâm vào miệng, họng khi đang ăn, đặc biệt là vừa ăn vừa chơi vô cùng nguy hiểm.

Qua trường hợp này, bác sĩ Hùng khuyến cáo, cha mẹ cần chú ý cẩn thận trong quá trình chăm sóc trẻ. Đồng thời, sát sao khi trẻ chơi đùa, đặc biệt không để bé vừa nô đùa vừa cầm đồ vật sắc nhọn để tránh những tổn thương đáng tiếc có thể xảy ra. Trong trường hợp trẻ chẳng may bị dị vật đâm, phụ huynh phải bình tĩnh. Không được tự ý rút dị vật ra mà cố gắng giữ cố định nguyên trạng dị vật và đưa bé đến bệnh viện để các bác sĩ có chuyên môn xử lý càng nhanh càng tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.