Sư cô Huệ Phương, Giám tự chùa Bửu Quang, cho biết: “Tôi về chùa này khoảng 10 năm thì có cây ở đây rồi. Tôi nghe kể lại cây lạ này do chú Tư Hoa (70 tuổi) là người ở địa phương đem về chùa này trồng mấy chục năm trước. Lúc đó chú Tư Hoa xin về 4 cây trồng nhưng chỉ còn lại 1 cây đã cho quả. Khi quả chín rụng xuống có 2 cây con mọc lên được trồng phía sau chùa”.
Theo sư cô Huệ Phương, gần nửa năm trước, cây này bắt đầu có quả chín rụng xuống nên người dân xung quanh thấy lạ lượm đem về cho vui. Thấy quả hình tròn cứng nên mọi người lấy giấy nhám chà thì bên trong có màu đen, chà tiếp thì lại có màu trắng. Vì vậy nhiều người sau khi chà xong đã khoan lỗ xâu thành chuỗi trông khá đẹp mắt.
Tuy nhiên, vì tò mò với cây ra trái lạ nên nhiều người đã tập trung ở sân chùa lượm trái, tranh giành nhau gây mất an ninh trật tự. Nhà chùa đã bàn với phật tử tìm cách hái hết quả trên cây để đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
Một số người dân cho rằng cây này mấy chục năm mới ra quả một lần và sau đó chết luôn. Vì vậy nhà chùa cho chặt hạ cây luôn để hạn chế lượng người hiếu kỳ kéo đến chùa mỗi lúc một đông.
Các vị cao niên ở địa phương cho rằng cây "lạ" này lần đầu tiên họ thấy trong đời; mấy chục năm mới ra hoa kết quả. Vì vậy nhiều người cất công lượm quả về làm trang sức. Ông Trần Thanh Quang, nhà cạnh chùa tham gia lượm được hơn 1.000 quả. Ông Quang nhận đánh vỏ, chà nhám trái cây này và cũng kiếm được khá nhiều tiền.
Ông Quang cho biết: “Tôi nhận chà lớp cỏ bên ngoài ra màu đen giá 5.000 đồng/quả, tới màu trắng là 10.000 đồng/quả vì lớp vỏ khá cứng. Mấy tháng qua tôi kiếm được hơn 20 triệu đồng sắm sửa đồ trong nhà chuẩn bị đón tết”.
Theo một số tài liệu khoa học thì đây là cây Bối có nguồn gốc từ Ấn Độ, thân họ cọ. Cây có thể sống khoảng 70 năm, cây trưởng thành cao khoảng 20m, khi trổ thành nhiều buồng với hàng vạn quả. Trước đây, do lá bối to nên người Ấn Độ thường dùng để lợp nhà, chép kinh Phật, còn trái thì kết thành chuỗi. Tuy nhiên, cây có đặc điểm là chỉ ra quả 1 lần, sau khi quả rụng hết cây sẽ chết.