Xóa dần khoảng cách vùng miền trong đào tạo mũi nhọn

GD&TĐ - Thực tế cho thấy, chất lượng đào tạo học sinh mũi nhọn được các trường đặc biệt chú trọng.

Cô Vương Xuân Thuận gặp gỡ, động viên học sinh các đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi tỉnh. Ảnh: NVCC
Cô Vương Xuân Thuận gặp gỡ, động viên học sinh các đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi tỉnh. Ảnh: NVCC

Nhiều năm trở lại đây, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia không chỉ xướng danh học sinh đến từ trường chuyên, lớp chọn mà nhiều em ở trường vùng khó, trường dân tộc nội trú đã góp mặt và đạt thành tích cao.

Xóa khoảng cách

Kiềng Minh Nghĩa - Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) là thí sinh duy nhất trong đội tuyển Sinh học của tỉnh giành giải Ba tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2023 - 2024. Em có thành tích cao nhất của đội tuyển không đến từ trường chuyên.

Đam mê môn Sinh học từ khi học lớp 6, bởi vậy nam sinh luôn nỗ lực học tốt nhằm thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ. Trong hành trình chinh phục tri thức, Nghĩa chưa từng nghĩ mình sẽ là một trong những thí sinh đại diện cho tỉnh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Nghĩa chia sẻ: “Cuộc thi đã giúp em đến gần với ước mơ. Học sinh các trường THPT DTNT có cơ hội tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia tạo thêm động lực phấn đấu, nối gần khoảng cách giữa học trò nông thôn với thành thị”.

Ôn luyện học sinh giỏi quốc gia không phải là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Trường Phổ thông DTNT tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, khi nhà trường giao nhiệm vụ ôn luyện, cô Hoàng Thị Hà và đồng nghiệp luôn nỗ lực để học trò đạt kết quả cao. Theo đó, năm học 2023 - 2024, nhà trường có một học sinh đoạt giải Ba môn Ngữ văn trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (đứng thứ hai trong danh sách học sinh đoạt giải của Điện Biên).

Trước đó, ngày biết tin học sinh trường mình được chọn vào đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đến thời điểm dự thi chưa đầy một tháng, cả cô và trò đều lo lắng, trăn trở, áp lực. Bởi kinh nghiệm, tài liệu không có nhiều, thời gian ngắn.... cô Hà và đồng nghiệp phân công cụ thể từng chuyên đề, cùng nhau nghiên cứu, tìm tòi, biến kiến thức hàn lâm, trừu tượng sao cho dễ hiểu nhất giúp học sinh tiếp thu bài hiệu quả; bố trí thêm thời gian cuối tuần, buổi tối ôn tập cùng học trò.

“Để có được thành tích trên là sự kết hợp của nhiều yếu tố như sự quan tâm, sát sao của ban giám hiệu; những trăn trở, miệt mài đầy trách nhiệm của cô và trò. Đặc biệt, yếu tố làm nên kỳ tích này chính là sự quyết tâm, nỗ lực của học sinh”, cô Hà chia sẻ và nói thêm: Học sinh các trường DTNT được tham gia đấu trường lớn trong hành trình khám phá tri thức cũng là cơ hội để giáo viên được cọ xát chuyên môn; phát huy những nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo của mình trong quá trình giảng dạy.

Cô Hoàng Thị Hà trong giờ lên lớp. Ảnh NVCC

Cô Hoàng Thị Hà trong giờ lên lớp. Ảnh NVCC

Đãi cát tìm vàng

Không chỉ chú trọng vào công tác giảng dạy, chăm sóc đời sống cho học trò, các trường THPT DTNT còn ươm mầm, phát hiện những học sinh có khả năng học tập nổi trội, từ đó giúp các em tham gia các cuộc thi lớn tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Trường Phổ thông DTNT tỉnh Điện Biên cũng vậy, hàng năm nhà trường luôn chú trọng vào kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi dựa trên nhiệm vụ năm học, chỉ đạo của sở GD&ĐT.

Thầy Vũ Trung Hoàn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngay khi học sinh vào trường, chúng tôi đã phân giáo viên nghiên cứu năng lực thông qua học bạ, tổ chức khảo sát, tìm hiểu nguyện vọng khi tham gia tuyển chọn đội tuyển học sinh giỏi nhằm phát hiện những em có năng khiếu, đam mê đối với môn học để bồi dưỡng. Đồng thời, trường có nhiều hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với học sinh chăm chỉ, vượt khó vươn lên trong quá trình học. Sau khi lựa chọn được đội tuyển, giáo viên phụ trách thực hiện kế hoạch giảng dạy, ôn luyện”.

Bên cạnh đó, kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi được tổ, nhóm chuyên môn Trường Phổ thông DTNT tỉnh Điện Biên thảo luận, xây dựng chi tiết theo từng chuyên đề sao cho phù hợp với nội dung môn học. Nhà trường khuyến khích nhóm chuyên môn phát huy tối đa thế mạnh của các thành viên, xây dựng chuyên đề cho giáo viên trong nhóm. Song song đó, công tác lựa chọn phân công giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi luôn được coi trọng.

Tương tự, tại Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn, để trò có cơ hội tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của tỉnh, giáo viên tham gia lãnh đội phải chủ động tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, học tập từ các chuyên gia đầu ngành. Trong quá trình này, nhà trường khuyến khích giáo viên đề xuất mua bổ sung tài liệu tham khảo, ôn tập nâng cao chất lượng.

Cô Hiệu trưởng Vương Xuân Thuận cho biết: “Khi phát hiện học sinh nổi trội, dẫu nghỉ hè, thầy và trò nhà trường vẫn có kế hoạch học online. Những em được tuyển chọn vào vòng loại tham gia ôn luyện từ tháng 6 cùng học sinh các trường, nhà trường hỗ trợ 100% chi phí ăn ở, tạo điều kiện tốt nhất cho các em yên tâm ôn luyện”.

Đặc thù chung của trường DTNT là năng lực học tập của học sinh không đồng đều, vì vậy việc phát hiện, động viên em nào có tố chất môn học tốt phụ thuộc lớn vào giáo viên bộ môn. Theo đó, thầy cô phải khơi dậy niềm yêu thích môn học, tạo hứng thú, say mê tìm tòi, nghiên cứu và định hướng cho học trò.

“Bên cạnh đó, ban giám hiệu luôn theo sát, động viên học trò và khuyến khích giáo viên khẳng định năng lực bản thân. Trường cũng có hình thức tuyên dương, khen thưởng, bồi dưỡng kịp thời để tạo động lực, từ đó thầy và trò có trách nhiệm cao với bản thân và nhà trường”, cô Thuận cho biết.

Bên cạnh thuận lợi, thầy Vũ Trung Hoàn cũng chỉ ra những khó khăn nhà trường phải đối mặt trong quá trình đào tạo học sinh mũi nhọn như giáo viên lãnh đội chưa có nhiều kinh nghiệm. Tài liệu còn hạn chế, giáo viên phải tự tìm kiếm nguồn đủ tin cậy, định hướng việc học, tự học cho học sinh sao cho khoa học và hiệu quả… Học sinh còn thiếu tự tin, quá lo lắng trước nhiệm vụ ôn thi.

Mặc dù vậy, trước những rào cản trên, các trường THPT DTNT đã khắc phục khó khăn, tập trung mọi nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất để phát hiện, ươm mầm những học sinh có năng khiếu trong các môn học để có cơ hội tỏa sáng.

Số học sinh đam mê, có năng lực vượt trội trong các môn học rất ít, nên khi phát hiện em có tố chất đặc biệt, giáo viên lãnh đội không chỉ đầu tư thời gian cho chuyên môn, học hỏi đồng nghiệp, mà còn phải tạo hứng thú, động lực cho học trò vượt qua áp lực để yên tâm học. - Cô Vương Xuân Thuận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ