Không chỉ dừng lại ở chăm sóc sức khỏe
Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo ban hành Luật; Một số ý kiến cho rằng nội dung của Luật được soạn thảo tốt, phù hợp với chuẩn mực của pháp luật và công ước quốc tế, nhưng cần quan tâm tới việc tổ chức thực hiện Luật; Một số ý kiến cho rằng dự thảo còn nhiều quy định chung chung, nguyên tắc mà chưa quy định cụ thể biện pháp, giải pháp, nhiệm vụ cũng như chế tài nếu không thực hiện các quy định đó.
Luật Người khuyết tật có quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc (ảnh minh họa). |
Nhiều ý kiến thống nhất về quan điểm đối với người khuyết tật nên bao gồm cả yếu tố y tế và yếu tố xã hội; có ý kiến cho rằng cần làm rõ sự khác nhau giữa tên gọi khuyết tật của dự thảo Luật với tàn tật trong Pháp lệnh người tàn tật hiện hành; không nên gắn yếu tố rào cản xã hội vào trong khái niệm người khuyết tật; đề nghị làm rõ tiêu chí “một thời gian dài”, “rào cản xã hội”...
Theo Báo cáo Giải trình, tiếp thu và chỉnh lý của UBTVQH, quan điểm về quyền của người khuyết tật trong dự thảo Luật so với Pháp lệnh hiện hành có bước phát triển mới, tiếp cận với Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (2006) mà Việt Nam đã ký kết. Theo đó, vấn đề khuyết tật được nhìn nhận một cách toàn diện hơn ở cả góc độ y tế và góc độ xã hội. Thực tế cho thấy, người khuyết tật khó có cơ hội tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội do những khiếm khuyết về cơ thể hay chức năng, song khó khăn đó sẽ tăng thêm do ảnh hưởng bởi những rào cản khác trong xã hội. Do đó, chính sách đối với người khuyết tật không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng mà còn phải tiến tới giảm thiểu, xoá bỏ các rào cản đối với người khuyết tật nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của Nhà nước, xã hội, gia đình, cộng đồng và của mọi cá nhân đối với người khuyết tật, giúp người khuyết tật chủ động hòa nhập, có cơ hội tham gia một cách bình đẳng vào các hoạt động của xã hội.
Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật còn bỏ sót dạng khuyết tật bẩm sinh về giới tính; đề nghị bổ sung khuyết tật chức năng sinh sản; xem xét lại khái niệm “đa khuyết tật” vì đây là trường hợp bị nhiều dạng khuyết tật chứ không phải là một dạng khuyết tật riêng...
UBTVQH đã cho bỏ điểm e, khoản 1, Điều 3 “Đa khuyết tật” trong dự thảo cũ, bổ sung dạng “Khuyết tật khác” có tính bao quát hơn, đáp ứng với thực tiễn phát triển của việc phân dạng khuyết tật trong tương lai và giao Chính phủ quy định cụ thể dạng khuyết tật này.
Đối với dạng khuyết tật bẩm sinh về giới tính và khuyết tật về chức năng sinh sản hiện đang là những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Luật pháp của nhiều nước và phân loại khuyết tật của Tổ chức y tế thế giới cũng không quy định dạng khuyết tật này. Do vậy, UBTVQH đề nghị chưa bổ sung vào bảng phân dạng khuyết tật. Sau này, nếu khuyết tật về giới tính cũng được xem là một dạng khuyết tật thì Chính phủ sẽ quy định cụ thể và bổ sung vào dạng “Khuyết tật khác”.
Ít doanh nghiệp đủ tỉ lệ 2 – 3% lao động là người khuyết tật
Có 34,4% người khuyết tật từ 6 tuổi chưa biết chữ và 21,24% chưa tốt nghiệp tiểu học; 79,13% trong độ tuổi lao động không có khả năng tham gia lao động; 88,9% từ 16 tuổi trở lên chưa được đào tạo chuyên môn (trong đó chỉ có 2% đang học nghề). |
Về giải quyết việc làm, sử dụng lao động là người khuyết tật, có hai luồng ý kiến, một là đồng ý với dự thảo Luật, đó là quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc, vì kết quả của quy định hiện hành bắt buộc doanh nghiệp nhận tỷ lệ 2 - 3% người khuyết tật vào làm việc rất hạn chế.
Đa số các doanh nghiệp không tuyển đủ 2 - 3% người khuyết tật vào làm việc với nhiều lý do khác nhau như: việc làm tổ chức theo dây chuyền, sức khỏe, trình độ của người khuyết tật không đáp ứng được yêu cầu của công việc… các doanh nghiệp cũng chưa thực hiện nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ giải quyết việc làm cho người tàn tật theo quy định.
Một số ít địa phương lập được Quỹ song lại bế tắc trong việc sử dụng quỹ cho việc giải quyết việc làm cho người khuyết tật do thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể về cơ chế thu chi và sử dụng Quỹ. Quy định chính sách việc làm theo hướng khuyến khích, mang ý nghĩa trách nhiệm xã hội đối với doanh nghiệp sẽ tạo sự chủ động trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động là người khuyết tật phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với doanh nghiệp nhận nhiều lao động là người khuyết tật theo quy định tại Điều 34 của dự thảo Luật, Nhà nước sẽ hỗ trợ thông qua một số chính sách cụ thể.
Hiện nay, toàn quốc có 11 tỉnh đã thành lập được Quỹ việc làm cho người khuyết tật: Bắc Ninh, Bình Dương, Hải Dương, Gia Lai, Đồng Nai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Bình Định. |
Một số đại biểu Quốc hội lại cho rằng, quy định khuyến khích như dự thảo Luật là một “bước lùi” so với chính sách của Pháp lệnh về người tàn tật và pháp luật lao động hiện hành. Nếu chỉ trông chờ vào “lòng hảo tâm” của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì cơ hội có được việc làm của người khuyết tật sẽ rất khó khăn, vì đa số người khuyết tật có trình độ thấp, phần lớn chưa qua đào tạo nghề, việc bố trí việc làm cho người khuyết tật làm tăng chi phí, nên dù có chính sách khuyến khích nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn không muốn nhận người khuyết tật vào làm việc.
Quy định trách nhiệm tuyển dụng (bắt buộc) một tỷ lệ nhất định người khuyết tật vào làm việc cùng các chính sách khuyến khích cơ chế tạo lập nguồn tài chính thông qua Quỹ giải quyết việc làm cho người khuyết tật do các đơn vị không nhận đủ tỷ lệ lao động là người khuyết tật đóng góp sẽ tạo điều kiện cho một bộ phận người khuyết tật có được việc làm, có thu nhập, có cơ hội để sống độc lập, tự tin hòa nhập vào cộng đồng, xã hội. Phạm vi lựa chọn có thể một trong hai hướng, đó là tất cả cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều phải thực hiện hoặc chỉ bắt buộc đối với khu vực công.
Quang Anh
Bình luận