Xin phân lô, bán nền... trường học

Xin phân lô, bán nền... trường học

(GD&TĐ) - Dư luận thành phố Đà Nẵng trở lên bức xúc khi một công ty tư nhân núp dưới danh nghĩa xin đất lập dự án mở  trường để nhằm phân lô, bán nền. Một ngôi trường sắp bị xẻ thịt hiện đang bỏ hoang và ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đo, mặc dù  đã quá thời hạn nhưng dự án trên vẫn còn đang nằm trên giấy.

v
Trên 5000 m2 đất mà Công ty Nguyễn Hoàng dự định phân lô là nền Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (cũ) 

Mua đất không qua đấu giá

Thay vì trả lời các câu hỏi của phóng viên báo Giáo dục và Thời đại xung quanh bức xúc của người dân phường Xuân Hà, quận Thanh Khê về hàng ngàn mét vuông nền Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân trước kia gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ông Vĩ Sách, Trưởng phòng GD&ĐT đã đưa cho chúng tôi xem những văn bản của UBND TP Đà Nẵng khi giao khu đất này cho Công ty CP Công nghệ và Giáo dục Nguyễn Hoàng.

“Hành trình” mua đất của Công ty trên như sau:  Vào ngày 24/5/2011, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký văn bản số 4335 về “Quy định giá đất để thu tiền giao quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Công nghệ và Giáo dục Nguyễn Hoàng”, với nội dung “Quy định giá đất ổn định lâu dài, mục đích sử dụng đất giáo dục để thu tiền giao quyền sử dụng đất đối với khu mặt tiền đường quy hoạch 5m song song với đường Nguyễn Tất Thành (Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân cũ), phường Xuân Hà, quận Thanh Khê có diện tích khoảng 5.000 m2 cho Công ty Cổ phần Công nghệ và Giáo dục Nguyễn Hoàng để xây dựng Trường THPT Tư thục chất lượng cao là: 2.790.000 đồng/m2 (Hai triệu, bảy trăm chín mươi ngàn đồng/m2)”

Điều đáng nói một m2 đất ở khu vực này thời điểm năm 2011 không dưới 10 triệu đồng/m2. Thương vụ giữa UBND thành phố Đà Nẵng và Công ty Nguyễn Hoàng có thực sự hướng tới quyền lợi của học sinh khi muốn có được trường trung học chất lượng cao như tên gọi của nó?

Tiếp đó, vào ngày 23/6/2011, Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng đã có văn bản số 1359 đề nghị UBND quận Thanh Khê sớm có kế hoạch di dời Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (cũ) để có mặt bằng thực tế cho Công ty Cổ phần Công nghệ và Giáo dục Nguyễn Hoàng tiến hành xây dựng Trường THPT Tư thục Chất lượng cao Nguyễn Hoàng đưa vào hoạt động từ Quý IV/2012 theo ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố. Tuy nhiên, cho tới nay, đã vượt quá thời hạn cho phép cuối cùng gần một năm, vẫn chưa có sự khởi động nào từ phía nhà đầu tư Dự án xây dựng trường của Công ty Nguyễn Hoàng vẫn còn nằm nguyên trên giấy.

Dự án gây ô nhiễm

Có mặt tại lô đất này, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến hiện trạng: Trên 5.000 m2 đất mà công ty Nguyễn Hoàng sở hữu được  che chắn bằng tôn, chung quanh bốc ra mùi hôi hám khó chịu. Ở bên trong, cỏ mọc um tùm xen với đủ thứ rác thải, phế liệu.

Mấy người dân được dịp bày tỏ nỗi bức xúc: “Họ xây trường hay làm gì thì làm cho xong đi chứ để mãi như thế sinh ruồi muỗi, chuột bọ, gây ra bệnh tật thì ai gánh chịu cho bầy tui đây?”. Ông Nguyễn Văn Hường, tổ trưởng tổ 108, phường Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng cho biết: “Nghe Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân di dời để giao mặt bằng cho người ta xây dựng trường chất lượng cao, bà con ai nấy đều phấn khởi. Tưởng đâu khu phố mình rồi sẽ khang trang lên. Vậy mà chờ mãi chỉ thấy môi trường thêm ô nhiễm. Quận, phường cũng đã có ý kiến xong đâu lại hoàn đấy”.

Nỗi bức xúc của cán bộ nhân dân lại bùng lên khi nghe tin, Công ty Nguyễn Hoàng xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo hướng chia lô để bán. Được biết, tại buổi tiếp xúc cử tri vào tháng 4 vừa qua, nhiều người dân đã phản ánh vụ việc và bày tỏ bức xúc với các đại biểu quốc hội. Ngoài ra ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND phường Xuân Hà cũng đã có công văn gửi UBND quận Thanh Khê đề nghị việc giữ nguyên quy hoạch xây dựng trường chất lượng cao theo như chủ trương cho phép của UBND TP Đà Nẵng và “không được phân lô, nếu không sẽ gây bất bình trong nhân dân”. Về phía UBND quận Thanh Khê cũng đã có báo cáo gửi lên lãnh đạo UBND thành phố: “Quan điểm của quận là không nên phân lô mà dành cho các dự án giáo dục về sau nếu Công ty Nguyễn Hoàng không có nhu cầu xây dựng trường học nữa. Vì nhu cầu trường học trên địa bàn quận đang ngày một lớn”. 

Xã hội hóa giáo dục hay thương mại hóa?

Thông tin về việc ngày 25/10/2012, Công ty Nguyễn Hoàng gửi công văn đến UBND TP Đà Nẵng giải trình về việc triển khai dự án, cũng như xin chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất, tách thửa thành 50 lô (mỗi lô 90m2), đã khơi lại “chuyện cũ vẫn nóng”, khi vào năm 2009, Trường THPT Nguyễn Hiền (Quận Hải Châu) bị bán đứng. Cô Lê Thị Tuyết Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền nhớ lại: “Ngày ấy, khi chủ trương của UBND thành phố cho phép Công ty Nguyễn Hoàng cổ phần hóa trường THPT Nguyễn Hiền thành Trường THPT chất lượng cao với tên giao dịch là Trường THPT ISCHOOL Đà Nẵng, chúng tôi rất hoang mang. Từ Ban giám hiệu tới các giáo viên, tổ dân phố và phụ huynh học sinh đều quyết liệt phản đối. Chúng tôi nghi ngờ rằng công ty này không thực hiện đúng cam kết, sẽ mất đất, mất trường, mất học sinh. Thậm chí thầy Phạm Úc (thời điểm đó làm Hiệu trưởng) đã phát biểu: “Nếu lãnh đạo TP không chấp nhận đơn khiếu nại của tập thể nhà trường và nhân dân địa phương, tiếp tục để Công ty Nguyễn Hoàng thực hiện san ủi, xây mới, thầy sẽ liều mình để mà giữ trường”.

Chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước nhằm mở ra cơ hội tốt cũng như đem lại lợi ích cho người học, chứ không phải là chỗ núp bóng của tư tưởng thương mại hóa. Thay lời kết, xin được dẫn lời tâm sự của nhà giáo Hà Vĩ Sách, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê: “Sự nghiệp giáo dục địa phương có nhu cầu rất lớn về đất đai để phát triển vì dân số ngày càng tăng. Quỹ đất là một trong những tiêu chí quan trọng của trường đạt chuẩn quốc gia. Vì vậy, trong những trường hợp mua bán đất tương tự vụ việc của Công ty Nguyễn Hoàng, việc giữ đất để mà phát triển giáo dục địa phương vẫn nên là ưu tiên số một!”               

Hồng Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ